Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 11
Số lượng câu trả lời 6
Điểm GP 0
Điểm SP 1

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Với nhân vật Lục Vân Tiên nhà thơ đã xây dựng một mẫu người lý tưởng trong xã hội phong kiến đương thời trên nền tảng đạo đức Nho giáo. Cũng qua nhân vật này, ông muốn xây dựng một xã hội lý tưởng. Ở đó, cái tốt đẹp được coi trọng và ngưỡng mộ, người tài đức được trọng dụng, các oan khuất được giải minh.

Bằng việc khắc họa hành động anh hùng, hiệp nghĩa của Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình chiểu mạnh mẽ khẳng định rằng muốn xây dựng một xã hội lý tưởng phải tiêu diệt những hạng người xấu xa, độc ác. Tác phẩm thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Lục Vân Tiên là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa, xem thường danh lợi, vì nhân dân mà hành động.

Ngày nay, tinh thần hiệp nghĩa ấy vẫn còn tỏa sáng trong cuộc sống, trở thành tấm gương điển hình của hành động dũng cảm cứu người khi lâm nguy, hoạn nạn, được nhân ca ngợi và đề cao.

Báo chí đã đưa tin rất nhiều về hành động cứu giúp người hoạn nạn, bảo vệ tài sản của người gặp nạn của các “hiệp sĩ” ở Bình Dương. Họ xuất thân là những người chạy xe thồ, những người lao động bình thường. Họ không có chức năng thi hành pháp luật, cũng không có trách nhiệm phải bảo vệ người khác được nhà nước quy định.

Thế nhưng, bất bình trước hành động ngang ngược, phạm pháp của bọn cướp, các anh đã ra tay trấn áp chúng, bảo vệ tính mệnh và tài sản trước nhân dân. Không những thế, các anh còn tham gia đuổi bắt và truy tố chúng trước pháp luật để kẻ ác bị trừng trị, dân lành được bảo vệ, công lí được thực thi. Nhiều lần, bị bọn cướp hăm dọa, thậm chí là tấn công gây thương tích nhưng các anh vẫn giữ vững lí tưởng. Các anh chính là những Lục Vân Tiên can trường, dũng khí, quyết chiến đấu để bảo vệ lẽ công bằng trong thời đại mới.

Chúng ta cũng không quên hình ảnh của MC Phan Anh rong ruổi trên khắp nẻo đường, tìm đến và hỗ trợ, cứu giúp đồng bào các vùng thiên tai lũ lụt. Ở đâu có người khó khăn, anh đều tìm cách giúp đỡ họ vượt qua hoạn nạn. Không những thế, anh còn kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, cá nhân có chung nguyện vọng cùng chung tay giúp sức tạo nên một phong trào tương trợ nhân ái rộng lớn trên khắp cả nước.

Câu trả lời:

Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thế hệ này từng trải qua bao thử thách, gian khổ, từng chứng kiến bao hy sinh lớn lao của dân tộc trong một thời mưa bom bão đạn, từng sống chết gắn bó cùng thiên nhiên, cùng đồng đội tình nghĩa. Rồi khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống hòa bình luôn mang lại cho con người cảm giác thoải mái, yên bình, nhưng cũng thay đổi nhiều thói quen, cách sống mà không phải ai cũng ghi nhớ những gian nan, những nghĩa tình của thời đã qua. Bài thơ Ánh trăng là một lời tâm sự chân thành, là một lời nhắc nhở về ý nghĩa cuộc sống, là một lần “giật mình” trước cái điều vô tình ấy.

dao-li-uong-nuoc-nho-nguon-trong-bai-anh-trang-cua-nguyen-duy

Ánh trăng luôn là nguồn cảm hứng của thi ca. Chúng ta có một “Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” trong Thu ẩm - Nguyễn Khuyến, có một “bến sông trăng” lãng mạn của Hàn Mặc Tử, có một vầng trăng tri kỉ của thi nhân “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ “ (Hồ Chí Minh )… Nhưng với Nguyễn Duy, ánh trăng mang một hàm nghĩa mới. Đó là hình ảnh của quá khứ, là nhân dân, là người lính, là lý tưởng chiến đấu… Bài thơ gây ấn tượng bởi lối sáng tạo đặc biệt. Chữ đầu mỗi câu thơ không viết hoa. Phải chăng nhà thơ muốn cảm xúc được dạt dào trôi theo dòng chảy của kỉ niệm?

Ánh trăng trước hết là tiếng lòng, là suy ngẫm của riêng Nguyễn Duy nên nó mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Dòng cảm nghĩ trữ tình của nhà thơ cũng men theo dòng tự sự này mà bộc lộ. Ở quãng thời gian quá khứ đã có một biến đổi, một sự thực đáng chú ý: hồi nhỏ rồi thời chiến tranh sống hồn nhiên, gần gũi với thiên nhiên đến tưởng không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa. Ấy thế mà từ hồi về thành phố, quen sống với những tiện nghi hiện đại, vầng trăng tình nghĩa như người dưng qua đường nhưng sự việc bất thường ở khổ thơ thứ tư là bước ngoặt để từ đó tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ để tác phẩm.

Mở đầu bài thơ là câu chuyện xảy ra trong quá khứ - lúc người lính còn nhỏ và hồi chiến tranh ở rừng:

“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ.”

          Chỉ với bốn câu thơ ngắn của khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã tái hiện lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời người lính. Trong kỷ niệm, trong câu chuyện có đồng, sông, bể, rừng nghĩa là có tất cả những không gian sự vật quen thuộc của đất nước, có mọi thứ của thiên nhiên có thể gắn bó với con người, che chở cho con người, nuôi sống con người. Chữ “hồi” ở câu thứ nhất và câu thứ ba làm cho khổ thơ như có một chỗ dừng chân giữa ranh giới giữa tuổi thơ và lúc trưởng thành, và người chỉ đường dẫn lối chính là ánh trăng. Không phải là vầng trăng bình thường mà là “vầng trăng thành tri kỉ”. “Tri kỉ” nghĩa là vầng trăng và người trở thành đôi bạn tri âm tri kỉ, biết bạn, hiểu bạn như hiểu mình. Hình ảnh đôi bạn tâm giao trăng – người chiến sĩ đã từng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca. Đó có thể là hình ảnh người chiến sĩ nằm ngủ dưới trăng trong thơ Bác: “Việc quân, việc nước bàn xong/ Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm.” (Đối nguyệt); cũng có thể giữa rừng khuya sương muối, trăng làm bạn với người chiến sĩ đứng chờ giặc tới: “Đêm nay rừng hoang sương muối / Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới / Đầu súng trăng treo.” (Đồng chí – Chính Hữu). Vầng trăng tri kỷ cũng là vầng trăng bạn bè, thủy chung cùng nhau chia sẻ tâm sự.

Không gian bài thơ rộng mở như trải rộng mênh mông “đồng – sông – biển – rừng” theo những thước phim của ký ức “hồi nhỏ - hồi chiến tranh” nhẹ nhàng sâu lắng để khơi gợi những kỷ niệm dạt dào in dấu ấn sâu đậm thành nỡi nhớ. Đến khổ thơ thứ hai là một lời giải vì sao trong quá khứ, trăng và người là tri âm tri kỉ. Bởi vì lúc đó, con người sống hòa mình với thiên nhiên, gắn bó gần gũi với thiên nhiên, hồn nhiên như cành cây ngọn cỏ…

“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.”

Những từ “trần trụi”, “hồn nhiên” thật dung dị, gần gũi như tâm hồn của người lính Chính bởi vậy người lính đã có lúc “ngỡ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa”. Từ vầng trăng tri kỷ giờ đây nó trở thành vầng trăng tình nghĩa. Tuy nhiên, từ “ngỡ” đặt ở đầu câu thứ ba giúp người đọc dự cảm về một điều chẳng lành sẽ xảy ra. Bởi vì “ngỡ” là nghĩ vậy thôi, một lúc nào đó con người sẽ lãng quên.

Quy luật vận động không ngừng nghỉ, sự đời vẫn có những éo le, những điều xảy ra mà người ta không thể nghĩ trước được. Thoắt một cái, mọi sự việc đều đã thay đổi:

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.”

          Mọi sự bất đầu chỉ vì mấy tiếng thật đơn giản “Từ hồi về thành phố”. Lại một lần nữa ta bắt gặp từ “hồi”. Hồi ở đây vừa chỉ thời gian (quãng thời gian khi về thành phố) vừa chỉ sự trở về. Về thành phố là về với cuộc sống hiện đại với đầy đủ tiện nghi, là về với cuộc sống hòa bình không bom rơi đạn lạc. Không gian cũng có sự thay đổi. Nếu như hai khổ đầu mở ra một không gian khoáng đạt, mênh mông, tràn ngập thiên nhiên với đồng ruộng, núi rừng. Giữa không gian bao la ấy, trăng và người hồn nhiên, vô tư bầu bạn quấn quít, dễ nhìn thấy nhau và cũng dễ tìm thấy nhau. Nhưng ở đây khi về với thành phố, không gian sống bỗng như bị bó hẹp lại: đâu thấy rừng thấy biển, đâu thấy đồng thấy sông, mà vây quanh người ta là đường phố, nhà cửa san sát, là ánh điện cửa gương, là những tòa nhà cao tầng, những cái ngõ chật hẹp, là căn phòng buyn-đinh ngột ngạt… Con người như bị nhốt lại, bị bó hẹp trong những cái hộp khổng lồ…

Sống trong không gian bé nhỏ ấy, con người không còn “trần trụi với thiên nhiên – hồn nhiên như cây cỏ”. Người ta cũng chẳng nhớ đến trăng, chẳng cần trăng. Bởi đêm nào thành phố chẳng rực rỡ ánh đèn. Bởi vậy mà “vầng trăng đi qua ngõ – như người dưng qua đường”. Giọng điệu thơ có gì đó hờ hững, có gì đó lạnh lùng. Hình như tình cảm “tri kỷ - nghĩa tình” đã bị đẩy vào góc xa thẳm của ký ức, con người đã vội quên đi để hòa nhập trong nhịp điệu cuộc sống mới nơi thành thị. Hình ảnh so sánh là một sự đối lập với tình cảm chân thành của một thời quá khứ “ngỡ không bao giờ quên”. Nếu hồi nhỏ, hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ, vầng trăng là tình nghĩa thì giờ đây nó chỉ là người dưng qua đường. Quan hệ giữa người và trăng đã hoàn toàn thay đổi. Có gì đó phũ phàng, có gì đó nghẹn đắng. Bây giờ giữa vầng trăng và người hoàn toàn xa lạ với nhau, hầu như không quen biết gì nhau. Lời thơ pha chút mỉa mai nhưng chân thành. Câu thơ của Nguyễn Duy chẳng khuyên gì ai, chẳng trách gì ai nhưng hình như đằng sau là hồi chuông, là vị đắng đọng lại trong lòng người về một hiện thực xã hội, về thái độ vô tình của con người trước quá khứ.  

Tuy nhiên như người ta vẫn nói mọi chuyện trong cuộc đời đều không thể lường trước được. Cuộc đời nhiều khi vẫn có những bất thường xảy ra và chuyện bất thường đó đã được nhà thơ kể lại ở khổ thơ tiếp theo:

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.”

          Hai tiếng “thình lình” mở đầu cho khổ thơ thật đúng lúc. Nhờ có sự thình lình bất thường đó ta mới biết rằng hóa ra cái ánh đèn kia không phải là vĩnh cửu, cái ánh sáng của phòng buyn – đinh kia không là muôn đời. Và hóa ra con người ta cũng có lúc “vội bật tung cửa sổ” để tìm ánh sáng cho mình. Câu thơ này thật có ý nghĩa, bởi đây đâu chỉ là cánh cửa sổ bằng sắt hay bằng gỗ của căn phòng mà đây còn là cánh cửa của tâm hồn, của tình cảm, chính cánh cửa này đang được bật tung. Phải đồng thời bật tung hai cánh cửa số ấy thì mới có được chuyện “đột ngột vầng trăng tròn”. Thực ra đột ngột là dành để chỉ tâm trạng con người chứ không phải trăng chờ người bật tung cửa sổ mới bất ngờ đột ngột xuất hiện. Con người có mở cửa hay không mở cửa thì vầng trăng vẫn cứ chiếu sáng, vẫn luôn tràn đầy như thế. Từ “tròn” ở đây không chỉ là một khái niệm hình học, nó còn là sự tròn đầy trọn vẹn của nghĩa tình.

Chính cái vẻ tròn đầy bất diệt của vầng trăng đã đưa đến cho người lính cảm xúc dâng trào:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

          “Mặt nhìn mặt”, ấy là mặt người với mặt trăng, nhưng ở đây không phải là cái nhìn “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương” của Lí Bạch mà là sự đối diện với người tri kỉ, đối diện với chính mình, nhìn lại mặt mình. Một cái nhìn đầy áy náy, xót xa. Nếu như với Lí Bạch, vầng trăng khiến thi sĩ nhớ “cố hương” da diết thì ở đây nhờ nhìn thấy vầng trăng, người lính đã trở về chính mình, nhận ra gốc gác, tìm lại được chính mình. Khi nhìn thấy người bạn tri âm tri kỷ ngày nào, người lính bỗng dâng trào một niềm xúc động ngỡ ngàng. Hai tiếng “rưng rưng” gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm. “rưng rưng” là chưa khóc nhưng nước mắt đang chực trào ra. Nó như cảm xúc mơ hồ của kẻ xa quê lâu ngày đang trên đường trở về làng cũ bỗng thoáng thầy gốc đa đầu làng. Nó như nỗi lòng của đôi bạn thân sau nhiều năm chinh chiến lạc mất tin nhau, nay bỗng gặp nhau đúng trong ngày chiến thắng. Trong phút chốc, sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng làm ùa dậy ở tâm tư nhà thơ bao kỷ niệm của những năm tháng gian lao, bao hình ảnh thiên nhiên đất nước bình dị hiền hậu. Điệp ngữ “như là” có tác dụng nhấn mạnh, biểu hiện cảm xúc đến thật dồn dập. Cùng một lúc, cả quá khứ như hiện về, mọi kỷ niệm như được đánh thức. Kỷ niệm thời ấu thơ chơi đùa trên cánh đồng quê, bơi lội trên dòng sông quê,… kỷ niệm lúc trưởng thành ở rừng cùng đồng đội chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, chia sẻ những mất mát đau thương… Đoạn thơ hay nhất ở chất thơ bộc bạch chân thành, hàm súc và biểu cảm, giàu hình tượng dễ đi vào lòng người. Chính sự lan tỏa của ánh trăng đã gợi lại nhưng gì đã qua, đánh thức tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người. Người lính vui sướng vì gặp lại vầng trăng nhưng cũng thấy ăn năn vì thái độ vô tình lãng quên quá khứ.

          Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. Khổ cuối của bài thơ thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”      

Bốn câu thơ chia thành hai cặp có nhiều hình ảnh đối lập nhau. Cặp câu thứ nhất đối lập giữa cái tròn vành vạnh của trăng – nghĩa là cái vẹn nguyên, cái tròn đầy bất diệt với sự vô tình vô cảm của con người. Cặp câu thứ hai đối lập giữa cái “im phăng phắc” của vầng trăng với cái “giật mình” của nhà thơ, của người lính. “Giật mình” vì điều gì? Có lẽ là vì ân hận, giật mình để tự nhắc nhở mình đừng làm kẻ phản bội, đừng làm kẻ vô ơn vô tình. Phải nói hai tiếng giật mình cuối cùng của bài thơ như một tiếng chuông rất khẽ nhưng ngân vang rất xa và đọng lại rất lâu. Như vậy khổ thơ cuối đúng là khổ thơ tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triệt lí trong âm điệu trầm lắng suy tư của tác phẩm. “Trăng cứ tròn vành vạnh” tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể phai mờ. “Ánh trăng im phăng phắc” chính là người bạn, nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta. Đôi khi im lặng lại chính là sự trừng phạt nặng nề nhất. Cũng qua hình ảnh “tròn vành vạnh” và “im phăng phắc” của vầng trăng, tác giả khẳng định một điều, con người có thể vô tình có thể lãng quên nhưng thiên nhiên quá khứ nghĩa tình thì luôn tròn dầy bất diệt.

Từ một câu chuyện riêng, bài thơ cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Còn nhớ năm xưa, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Genève được kí kết, trong buổi chia tay đầy lưu luyến giữa cán bộ về xuôi với đồng bào miền núi nhà thơ Tố Hữu cũng đã tự nhắc nhở mình, khi về với cuộc sống bình yên ở miền xuôi cũng không bao giờ được quên những năm tháng gắn bó cùng đồng bào nơi đây, được đồng bào yêu thương “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, cùng kề vai sát cánh chống giặc:

“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Và Ánh trăng cũng là một lời tự nhắc nhở như thế. Ánh trăng không chỉ là chuyện riêng của nhà thơ, chuyện của một người mà có ý nghĩa với cả một thế hệ bởi nó đặt ra vấn đề, thái độ “Uống nước nhớ nguồn” đối với quá khứ, với những người đã khuất và cả đối với chính mình. Trong cuộc sống hiện đại hối hả, con người càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy tấp nập của cuộc sống, quay cuồng với danh lợi, tiền tài mà vô tình quên đi những thứ bình dị. Sự lãng quên ấy, sự quay lưng lại với kí ức, với những kỉ niệm là những hành động thật đáng trách, thật đáng lên án. Thiếu tình cảm biết ơn, sống phụ nghĩa quên công, con người trở nên ích kỉ, vô trách nhiệm, những kẻ ấy sẽ bị ngưòi đời chê trách, mỉa mai, bị gạt ra ngoài lề xã hội và lương tâm của chính họ sẽ kết tội.

Bài thơ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với ai đã đối xử một cách vô ơn bạc nghĩa với những người đã tạo ra thành quả cho mình hưởng thụ. Bài thơ nhắc nhở một lẽ sống tốt đẹp của con người cũng là đạo lí của dân tộc, là lẽ sống tốt đẹp từ bao đời nay cho nên thế hệ đi sau cần kế thừa và phát huy. Bởi là con người thì trước hết phải biết sống có đạo đức nhân nghĩa, thủy chung.

Tóm lại, bài thơ Ánh trăng với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Đọc bài thơ của Nguyễn Duy hẳn mỗi chúng ta cũng “giật mình” như thế.

Câu trả lời:

oạn thơ khép lại với tám câu thơ cuối thể hiện tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều qua cách nhìn cảnh vật.

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Điệp ngữ “buồn trông” được lặp đi lặp lại bốn lần. Đây là điệp ngữ liên hoàn và đồng thời cũng là điệp khúc của tâm trạng. Kiều buồn nên Kiều mới trông cảnh vật, khác với đoạn trước, Kiều trông mới thấy buồn. Ở đây, vì buồn nên trông, mà càng trông thì Kiều lại càng buồn. Nỗi buồn cứ thế điệp đi điệp lại dâng lên thành lớp lớp sóng trào, cứ cuộn xoáy trong tâm khảm của Kiều mà trở thành gánh nặng tâm tư.

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Chiều hôm là khoảng thời gian của buổi chiều hoàng hôn, khi mà mặt trời đã dần dần ngả về tây, bóng tối bắt đầu xâm lấn. Xa xa là hình ảnh của một chiếc thuyền nhỏ bé, cô đơn thoát ẩn, thoát hiện thấp thoáng trên cửa biển; một cánh hoa đang trôi bất định trên dòng nước mà không biết đi về đâu. Hình ảnh chiếc thuyền, cánh hoa được đặt trong thế tương phản đối lập với vũ trụ không cùng của trời đất mênh mang càng tô đậm hơn sự nhỏ bé, đơn độc, đáng thương và tội nghiệp. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận của Kiều lênh đênh, chìm nổi giữa dòng đời mà không biết trôi dạt về đâu. Và đứng trước một không gian bao la của trời đất, của buổi chiều hoàng hôn sắp tắt, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân đến như một lẽ tất yếu trong lòng Kiều. Nhưng trong tình cảnh “bên trời góc bể bơ vơ” thì Kiều biết bao giờ mới được sum họp, đoàn viên cùng với gia đình, người yêu. Vì thế câu hỏi tu từ cứ réo rắt, khắc khoải trong lòng của Kiều, dấy lên niềm khao khát được trở về nhà, trở về quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Ngước mắt trông về phía xa của cửa biển Kiều chỉ càng cảm thấy rộng trống, cơ đơn, buồn tủi. Kiều quay trở về nhìn xuống mặt đất quanh mình để tìm kiếm sự sống của cảnh vật xung quanh thì lại chỉ thấy những đám cỏ xanh héo úa, lụi tàn. Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” là một hình ảnh nhân hóa, biểu hiện tâm trạng của con người. Lòng người buồn nên nhìn đâu cũng thấy buồn; nỗi buồn của Kiều như thấm vào cảnh vật khiến cho cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng. Trong văn học từ xưa tới nay, màu sắc xanh thường khiến chúng ta nghĩ tới màu của sự sống, của sự sinh sôi bất diệt. Nhưng cũng có trường hợp, màu xanh có khi trở thành màu sắc của bi kịch con người. Bài thơ “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đã diễn tả nỗi nhớ của người chinh phụ đối với người chồng của mình nơi biên ải qua màu xanh ngắt của cỏ lá:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Như vậy, màu xanh ngắt, xanh xanh của cỏ lá đã trở thành màu của sự xa cách, sự li biệt và nhạt nhòa. Nay từ “xanh xanh” lại xuất hiện trong câu thơ của Nguyễn Du nên màu sắc ấy biểu trưng cho sự nhạt nhòa, sự chán nản, vô vọng của Kiều trước một khung cảnh thiếu vắng sự sống, cô đơn, và tẻ nhạt.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Nếu như những bức tranh thiên nhiên bên trên đều được tái hiện trong trạng thái tĩnh thì khép lại bài thơ, bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong trạng thái động. Đó là âm thanh dữ dội của gió, của sóng; gió làm cho mặt biển tung lên những con sóng ồ ạt đập vào bờ mà phát ra tiếng kêu. Nhưng quan trọng, tiếng sóng ấy không đơn thuần là những con sóng thực ở ngoài biển khơi mà đó còn là con sóng lòng của tâm trạng. Điệp khúc “buồn trông” ở những câu thơ trên kết đọng, tích tụ rồi dồn đẩy xuống câu thơ cuối khiến cho nỗi buồn ngày càng trở nên chồng chất như lớp lớp sóng trào. Đồng thời, tiếng sóng “ầm ầm” dữ dội ấy cũng chính hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời phong ba bão táp đã và đang đổ ập xuống đời Kiều, đổ ập xuống đôi vai gầy yếu của một cô gái trẻ đáng thương và tội nghiệp. Vì thế lúc này Kiều không chỉ buồn mà còn lo lắng, sợ hãi như đang rơi vào vực thẳm một cách bất lực.

Tóm lại: Tám câu thơ cuối, Nguyễn Du đã sử dụng thật tài tình bút pháp “tả cảnh ngụ tình” của văn học cổ điển để diễn tả tâm trạng “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Mỗi câu thơ là một bức tranh thực cảnh cũng chính là thực tình của một con người mang trong mình nỗi buồn đau chồng chất. Đó là nỗi đau đớn, xót xa, lo lắng và khắc khoải của một kiếp má đào, trôi nổi, vô định, mong manh và bế tắc không biết đi về nơi đâu. Vì thế, dù nàng “Thông minh vốn sẵn tính trời” nhưng đang đứng trước sự tuyệt vọng, yếu đuối của bản thân, Kiều đã bị Sở Khanh lừa gạt để rồi dấn thân vào một cuộc đời đầy sóng gió, truân chuyên “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Qua việc phân tích ở trên, chúng ta thấy đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những đoạn thơ hay, đặc sắc và thành công nhất trong Truyện Kiều về nghệ thuật miêu tả, khắc họa thế giới nội tâm nhân vật và nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình". Qua đoạn thơ chúng ta thấy được tâm trạng, cảnh ngộ cô đơn, đáng thương, tội nghiệp và tấm lòng thủy chung son sắt với người yêu, hiếu thảo với cha mẹ của nàng Kiều, một con người tài hoa mà bạc mệnh!.