Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Nội , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 4
Số lượng câu trả lời 58
Điểm GP 5
Điểm SP 31

Người theo dõi (2)

Trác Nhật Linh
Vu Minh Phuong

Đang theo dõi (2)

Vu Minh Phuong
Hà Đức Thọ

Câu trả lời:

Cao Thắng (1864-1893) là một trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng, và là một chỉ huy xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong lịch sử Việt Nam ở cuối thế kỷ 19.

Thân thế và sự nghiệp

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh[1].

Năm Giáp Tuất (1874), khi mới 10 tuổi, Cao Thắng đi theo Đội Lựu (Trần Quang Cán) [2] làm liên lạc cho nghĩa quân mà triều đình Huế gọi là giặc Cờ Vàng[3]. Sau khi Đội Lựu chết, Cao Thắng lẩn trốn, được giáo thụ Phan Đình Thuật (anh ruột Phan Đình Phùng) đưa về nuôi.

Năm 1881, khi ông Thuật mất, Cao Thắng trở về Sơn Lễ làm ruộng. Năm Giáp Thân (1884), Cao Thắng bị vu cáo là thủ phạm giết vợ Quản Loan nên bị bắt và giam tại nhà lao Hà Tĩnh.

Ngày 2 tháng 10 năm Ất Dậu (5 tháng 11 năm 1885), thủ lĩnh trong phong trào Cần vương là Lê Ninh đã đưa quân đến tập kích tòa thành trên, giết chết Bố chính Lê Đại, bắt sống Án sát Trịnh Vân Bưu, và giải phóng tù nhân, trong đó có Cao Thắng.

Gia nhập lực lượng Hương Khê

Trở lại quê nhà, Cao Thắng cùng Cao Nữu (em ruột) và Nguyễn Kiểu (bạn thân) chiêu mộ được khoảng 60 người đồng chí hướng, rồi tất cả cùng tự nguyện đến tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Tiến sĩ Phan Đình Phùng (người được vua Hàm Nghi giao trọng trách tổ chức phong trào kháng Pháp ở Hà Tĩnh) làm thủ lĩnh.

Ban đầu, Cao Thắng được phong làm Quản cơ. Đến đầu năm 1887, khi phong trào bị suy yếu, Phan Đình Phùng giao quyền tổng chỉ huy lại cho Cao Thắng để ra Bắc đến các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh,...tìm sự hỗ trợ và liên kết lực lượng.

Ở lại Hà Tĩnh, Cao Thắng cùng các chỉ huy khác như Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Niên,...đem quân đến làng Lê Động (Hương Sơn) để tổ chức lại lực lượng, luyện quân, xây dựng hệ thống đồn lũy, rèn đúc vũ khí,...

Theo thông tin trên báo Hà Tĩnh (bản điện tử đăng tải ngày 21 tháng 8 năm 2009) thì Cao Thắng đã cho xây dựng một hệ thống đồn lũy tựa lưng vào dãy Thiên Nhẫn và Giăng Màn, vây kín ba mặt Bắc, Tây, Nam, sẵn sàng ứng cứu cho nhau một cách nhanh chóng. Ngoài ra, ở đây còn có đường rút sang Lào, có đường sang Nghệ An, vào Quảng Bình, xuống các vùng thuộc Hà Tĩnh. Quân Pháp tiến vào đây chỉ có một con đường độc đạo là Quốc lộ 8. Chính vì thế mà những căn cứ này đã đứng vững cho đến ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa (1896)[4].

Giúp nghĩa quân chế tạo súng

Thấy nghĩa quân trang bị thiếu thốn, Cao Thắng ngày đêm suy nghĩ cách chế súng đánh giặc. Buổi đầu, ông nhờ thợ rèn hai làng Trung Lương và Văn Trung (Hà Tĩnh) rèn được 200 khẩu súng trường theo mẫu thiết kế của ông. Đó là loại súng nhồi thuốc ở đầu nòng, dùng kim hỏa đánh lửa đốt thuốc phóng ở đạn. Tuy nhiên, loại súng mà Cao Thắng thiết kế còn nhiều hạn chế, do nạp đạn ở đằng nòng nên việc nạp đạn khá lâu. Từ đó, ông suy nghĩ phải chế được một khẩu súng trường dựa theo kiểu của Pháp.

Một hôm, nghĩa quân phục kích, tiêu diệt một toán lính gồm hai viên quan Pháp và 15 lính nguỵ Việt mang súng áp tải một hòm bạc để phát lương cho lính đóng ở đồn Phố Châu. Thu được 17 khẩu súng trường, hơn 600 viên đạn và mấy ngàn đồng bạc. Có súng Pháp, Cao Thắng đã tập trung những thợ rèn giỏi nghiên cứu và rèn đúc theo mẫu.

Đề cập đến việc Cao Thắng rèn đúc vũ khí, nhà sử học Phạm Văn Sơn kể:

Một sự khó khăn nhất bấy giờ đối với nghĩa quân là vấn đề vũ khí. Kinh nghiệm cho thấy gươm giáo, gậy guộc không chống nổi súng đồng...Cho nên Cao Thắng liền nghĩ cách chế tạo súng đạn...Trong một trận giáp chiến trên đường Nghệ An-Hương Sơn, Cao Thắng đoạt được 17 khẩu súng bắn mau của quân Pháp...Ông liền cho thợ rèn ở hai làng là Vân Chàng và Trung Lương (Hà Tĩnh) lấy súng làm mẫu... Sau mấy tháng ròng đúc được 350 khẩu như hệt kiểu súng năm 1874 của Pháp...[5]

Cao Thắng đã tháo một khẩu súng ra thành từng mảnh, xem xét kích thước, công dụng của từng bộ phận, rồi đốc thúc thợ rèn cứ theo đúng kích thước mà làm, nếu hỏng thì rèn lại… cho đến kỳ được mới thôi. Sắt làm súng được thu gom trong nhân dân, còn vỏ đạn thì góp nhặt những mâm đồng, nồi đồng đập dẹp, dát mỏng mà cuốn lại. Thuốc súng thì dùng từ diêm tiêu đào tìm trong hang núi. Riêng nòng súng thì phải làm từ gọng ô.

Làm được súng rồi, khi bắn thử thì nòng súng vỡ ra bởi chất lượng sắt không tốt, nên nòng súng không chịu được hơi thuốc đạn. Không nản chí, Cao Thắng liền cử Cao Đạt sang Xiêm khảo cứu cách làm súng và mua bột nổ. Bấy giờ, quân Anh ở Xiêm có bất hòa với Pháp, nên đã bày cho cách làm nòng súng đặc bằng thép non, rồi khoan bằng thép già cho thành nòng súng, sau tôi nòng súng cho già. Nhờ đó, nghĩa binh đã chế tạo được súng. Sau hai tháng, Cao Thắng cùng với những người thợ đã chế tạo được 350 súng trường kiểu Pháp[6].

Súng của Cao Thắng có 2 hạn chế: Đầu tiên, lò xo kim hỏa làm bằng gọng ô, chỉ bắn được 6 phát thì bị nhiệt độ cao làm yếu đi, không bắn được tiếp, nên cứ bắn 6 phát lại phải rót nước vào lò xo để bắn tiếp. Nhược điểm thứ 2 là nòng súng không có rãnh xoắn, nên độ chính xác thấp hơn súng nguyên mẫu. Dẫu vậy thì súng cũng đã vượt trội hơn súng hỏa mai và mọi loại súng nòng trơn nạp đạn từ miệng nòng hồi giữa thế kỷ 19, có nhiều điểm còn tiên tiến hơn súng trường Chassepot (loại súng mà quân Pháp sử dụng giai đoạn 1865-1873). Ở cự ly tác chiến dưới 200 mét thì súng Cao Thắng chỉ kém chút ít so với súng trường Gras Model 1874 mà quân Pháp dùng khi đó.

Đại úy Ch. Gosselin trong quyển sách L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam) đã viết: “Các khẩu súng kiểu 1874 này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, chúng giống về tất cả mọi phương diện so với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất và đã làm cho các sĩ quan pháo binh mà tôi đưa cho họ xem phải hết sức ngạc nhiên. Chúng chỉ khác với những khẩu súng của chúng ta về hai điểm mà thôi: Lò xo xoáy ốc được tôi chưa đủ và nòng súng không có xẻ rãnh; hậu quả của điều này là đạn đi không xa. Tuy nhiên, những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ”[7].

Tuy chỉ có thể chế tạo súng thủ công bằng lò rèn địa phương, nhưng nghĩa quân đã chế tạo được khá nhiều súng. Le Normand ước lượng là tổng số vũ khí do nghĩa quân khởi nghĩa Hương Khê tự sản xuất và sử dụng cho đến 1895 là từ 1.200 đến 1.300 khẩu. Nếu tính cả số thiệt hại và phá huỷ do quân Pháp gây ra nhiều lần khi tấn công vào các căn cứ địa của nghĩa quân, thì tổng số vũ khí do nghĩa quân chế tạo được lên đến hàng ngàn khẩu. Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, tháng 1-1897 thực dân Pháp đã thu được 403 khẩu súng, 328 nòng súng, 103 súng hỏa mai.

Cuối tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc Kỳ trở về Hà Tĩnh. Nhờ Cao Thắng và các chỉ huy khác, mà lực lượng lúc này đã có khoảng ngàn lính và 500 khẩu súng kiểu Pháp và rất nhiều súng hỏa mai[8]. Nhận thấy trong công tác chuẩn bị, mọi mặt đều đã khá, Phan Đình Phùng và Cao Thắng bèn cho mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp bốn tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; làm cản trở con đường đi lại Bắc-Nam và công cuộc thôn tính nước Việt của quân Pháp.

Kể từ đó trở đi, Cao Thắng trở thành một trợ thủ đắc lực của thủ lĩnh Phan Đình Phùng, và là một chỉ huy dũng cảm và xuất sắc của lực lượng Hương Khê. Mặc dù bận rộn công việc điều hành chung và rèn đúc vũ khí, nhưng Cao Thắng cũng đã tham dự một số trận đánh, đáng kể là trận:

Chống cuộc càn quét của quân Pháp tại khu Hói Trùng và Ngàn Sâu vào đầu tháng 8 năm 1892. Dùng mưu bắt sống được Tuần phủ Đinh Nho Quang vào tháng 3 năm 1892, làm chấn động dư luận Hà Tĩnh[9].

Thấy nghĩa quân Hương Khê ngày càng lớn mạnh, quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp phạm vi hoạt động của quân, mặt khác tìm cách cắt đứt liên lạc giữa các quân thứ, và giữa nghĩa quân với nhân dân.

Tử trận

Để phá thế bị bao vây và mở rộng địa bàn hoạt động, được thủ lĩnh Phan Đình Phùng đồng ý, tháng 11 năm 1893[10], Cao Thắng cùng Cao Nữu, Nguyễn Niên đem khoảng một ngàn quân từ Ngàn Trươi mở trận tấn công lớn vào tỉnh lỵ Nghệ An. Trên đường hành quân, nhiều đồn trại đối phương bị phá bỏ. Nhưng trận trận tấn công đồn Nu (hay Nỏ) ở Thanh Chương (một huyện miền núi nằm ở phía tây nam thuộc tỉnh Nghệ An), Cao Thắng trúng mưu của viên đồn trưởng tên Phiến.

Sử gia Phạm Văn Sơn kể:

Ở đồn Nỏ chỉ có trăm quân. Liệu sức không chống nổi, thiếu úy đồn trưởng tên Phiến chia quân ra làm hai, một nửa ở giữ đồn, một nửa ra ngoài mai phục. Khi Cao Thắng phát lệnh tấn công, thì quân ông bất ngờ bị hỏa lực của đối phương đánh kẹp từ cả hai phía trước và sau. Cao Thắng không may bị đạn, chết tại trận tiền lúc 29 tuổi, gây tổn thất lớn cho nghĩa quân Hương Khê...Để trả thù cho ông, ngày 29 tháng 3 năm 1894, Lãnh Lợi đã tổ chức trận đã phục kích tại Vạn Sơn (Nam Đồng). Cuối cùng, Đốc binh Nguyễn Bảo đã giết được thiếu úy Phiến[11].

Lợi dụng cơ hội nghĩa quân bị mất người đứng đầu tài giỏi, quân Pháp tăng thêm binh lực rồi siết chặt vòng vây. Nghĩa quân Hương Khê cố gắng đánh trả những cuộc vây quét, nhưng thế lực của lực lượng ngày càng giảm sút.

Sau khi hy sinh

Sau khi Cao Thắng mất, nghĩa quân Hương Khê thắng một trận lớn ở Vụ Quang (tháng 10 năm 1894), nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế. Ngày 28 tháng 12 năm 1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng cũng bị tử thương trong một trận kịch chiến [12]. Đến đầu năm 1896, cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà Phan Đình Phùng, Cao Thắng và các tướng lĩnh khác đã dày công xây dựng kết thúc.

Theo sử liệu thì di hài Cao Thắng được nghĩa quân đưa về chôn cất tại Ngàn Trươi (núi Vụ Quang). Hiện ở thôn Khê Thượng (huyện Hương Khê) và ở thôn Cao Thắng (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) đều có đền thờ ông [13]. Ngoài ra, tên ông còn được dùng để đặt tên cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam.

Tưởng niệm

Mất đi một trợ thủ đắc lực là Cao Thắng, quá thương tiếc Phan Đình Phùng đã làm hai câu liễn để thờ, và nhờ Võ Phát [14] soạn một đọc bài văn tế Nôm để cho ông đọc. Trong bài văn tế có đoạn:

Hào kiệt ấy tài, Kinh luân là chí; Vén mây nửa gánh giang san Vỗ cánh bốn phương hồ thỉ, Gặp quốc bộ đang cơn binh cách, nghĩa giúp vua chung nỗi ân ưu, Bỏ gia đình theo việc nhung đao, lòng đánh giặc riêng phần lao tuỵ; Địa bộ muốn theo dòng Nhạc mục, thét nhung bào từng ghê trận oai linh, Thiên tài toan học chước Võ hầu, chế súng đạn biết bao chừng cơ trí; Ơn quân tướng Đổng nhung vâng mạng, cầm ấn quan phòng, Tước triều đình Chưởng vệ gia phong, kéo cờ tân chế; Những chắc rằng: ba sinh có phước, hăm hở mài gươm chuốt đá, chí khuông phò không phụ với quân vương. Nào ngờ đâu! một sớm không chừng, mơ màng đạn lạc tên bay, trường chiến đấu biết đâu là số hệ;... ...Thôi! Thôi! Cửa tía lầu vàng đành kẻ khuất, đem thân bách chiến, để tiếng thơm cho tỏ mặt anh hùng. Súng đồng gươm bạc mặc người còn, truyền lệnh ba quân, thét hơi mạnh để xây nền bình trị. Thương ôi là thương, Kể sao xiết kể[15].

Trong sách Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu cũng có đoạn viết về Cao Thắng như sau:

...Ở hạt Hà Tĩnh, trong khoảng 11 năm, (nhiều người) đã liều mạng đánh nhau với Pháp, vất vả trăm trận đánh trở thành danh tướng một thời, trong số ấy nổi bật có Chưởng doanh nghĩa binh là Cao Thắng,... Thắng quả cảm, thiện chiến, thấy một cái súng Tây mà có thể y theo kiểu chế tạo ra tinh xảo không kém gì của Pháp. Đánh nhau với Pháp, ông đã chém được đầu những quan một, quan hai của Pháp, quân Pháp đã phải khuyên nhau hễ gặp Thắng là phải tránh đi. Giá mà trong nước có được mấy trăm ông Thắng thì người Pháp chả phải rút về Tây ư?... Thắng chết, người Pháp đốt chỗ làng (ông) quật mộ ông lên... Tiếc thay! (Nguyễn) Chanh, Thắng chết rồi, Hà Tĩnh không có danh tướng nữa...[16]

Hiện nay ở Khê Thượng (Hương Khê) và thôn Cao Thắng (Sơn Lễ, Hương Sơn) đều có đền thờ Cao Thắng. Ngoài ra, tên ông còn được dùng để đặt tên cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam.

Câu trả lời:

Truyện Kiều”(Đoạn trường tân thanh) được viết từ cảm hứng nhân văn sâu sắc và mãnh liệt của đại thi hào Nguyễn Du. Tinh thần nhân văn chủ nghĩa xuyên suốt trong tác phẩm chưa bao giờ nhàm, cũ bởi bản thân nó là những giá trị vượt thời gian. Chỉ qua tìm hiểu một vài biểu hiện ở đoạn giới thiệu nhân vật chị em Thúy Kiều, ta sẽ thấy rõ hơn cả tài và tâm trong bút lực siêu phàm của cụ Nguyễn.

Cảm hứng là động lực bên trong thúc đẩy sáng tạo. Cảm hứng nhân văn trong tác phẩm văn học là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị cao đẹp của con người đã chuyển hóa thành những cảm xúc mạnh mẽ trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Những liên tưởng được gợi mở từ thế giới nghệ thuật của “Kim Vân Kiều truyện”, những điều trông thấy và trải nghiệm, những yêu thương trăn trở nung nấu về số phận con người đã gặp gỡ trong trái tim nghệ sĩ, khiến khát vọng sáng tạo trào dâng rồi tuôn chảy thành thiên tuyệt bút “Đoạn trường tân thanh”. Ở trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”, cảm hứng nhân văn Nguyễn Du biểu hiện tinh tế, độc đáo, tài hoa trên nhiều khía cạnh - từ kết cấu, bút pháp đến ngôn từ, giọng điệu.

Cảm hứng nhân văn đã tác động, chi phối triệt để ý thức sáng tạo của tác giả trong thao tác xử lý các tình tiết, chi tiết cho truyện thơ của mình. Ở đoạn trích này, Nguyễn Du lựa chọn nhiều chi tiết khác với nguyên văn cuốn tiểu thuyết chương hồi. Trong phần đầu “Kim Vân Kiều truyện”, Thanh Tâm Tài Nhân giới thiệu: “...chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu, thấy Thúy Kiều thạo hồ cầm, thường nhân lúc rảnh, can ngăn chị: - Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã! Thúy Kiều nghe em can, nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca bạc mệnh, phả vào hồ cầm, trăm vần thê lương, khiến người nghe đều chau mày rơi lệ…”. Sau mấy trang, khi nhân vật Kim Trọng xuất hiện, ông lại viết tiếp: “Kim Trọng chắp tay cúi lễ rồi lui ra thì thấy: Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào, còn Thúy Vân thì tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả…” (Kim Vân Kiều truyện, NXB ĐHQGHN, 1999). Hai đoạn văn - một văn kể, một văn tả - không có quan hệ liền kề, liền mạch. Vậy nhưng, đến với Nguyễn Du, nó được kết nối, tái tạo. Và, trong “Truyện Kiều”, khi trích riêng 24 câu tả hai chị em từ trong 32 câu về gia cảnh họ Vương vẫn có được một đoạn thơ với hình hài cân xứng, chặt chẽ: Giới thiệu chung (Đầu lòng hai ả tố nga), gợi tả em (Vân xem trang trọng khác vời…), đặc tả chị (Kiều càng sắc sảo mặn mà…), rồi nhận xét về cảnh sống (Phong lưu rất mực hồng quần…). Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc tạo nên kết cấu cân xứng ấy, với dụng ý rõ ràng: Miêu tả để người đọc có được những hình dung trọn vẹn về các nhân vật, cả chân dung và số phận, đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều. Không khó để nhận ra bên cạnh sự kế thừa, tác giả truyện thơ đã lược bỏ và bổ sung nhiều chi tiết, thay đổi trật tự miêu tả. Vì sao có những điểm khác ấy, ngẫu nhiên hay có chủ đích? Cần lưu ý rằng thành công của thể truyện được thể hiện ở nhiều khâu, đặc biệt là khâu tạo tình huống - ở “Truyện Kiều” là tình huống Kim, Kiều gặp gỡ rồi đính ước - nhưng trước khi tạo tình huống thì khâu giới thiệu về nhân vật sao cho ấn tượng cũng vô cùng quan trọng. Đặt trong mạch truyện, đây là đoạn giới thiệu nhân vật chính, cho nên mọi thao tác nghệ thuật của Nguyễn Du đều nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của Thúy Kiều - chính vì “Đoạn trường tân thanh” là câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận chìm nổi trôi dạt của nàng. Theo đuổi mục đích biểu đạt rõ nét và sâu sắc bức tranh của số phận con người, một cách rất tự nhiên, từ những dòng thơ đầu Nguyễn Du đã khởi tạo một thế giới nghệ thuật mới.

Việc đối chiếu trên đây còn cho thấy, về bút pháp, văn Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu kể còn thơ Nguyễn Du lại thiên về gợi tả nhân vật. Tác giả “Truyện Kiều” đã vận dụng tài tình bút pháp ước lệ cổ điển, từ việc tạo nên kết cấu cân xứng đến các thủ pháp miêu tả. Và, từ trong khuôn khổ tư tưởng nghệ thuật thời trung đại, ngòi bút Nguyễn Du còn khẳng định những giá trị mới mẻ, vượt thời gian. Đó chính là sự trân trọng sắc đẹp, tài năng, phẩm cách con người được biểu hiện một cách tinh tế, cụ thể và rất độc đáo. Tuy nhiên, cái tinh tế và độc đáo trong cảm hứng nhân văn Nguyễn Du không phải bao giờ cũng được nhìn nhận, đánh giá và lý giải thật thuyết phục. Nhìn vào đoạn thơ này, dễ thấy dung lượng và cách tả khác nhau: Người tả ít, người tả nhiều; người được tả trước, người được tả sau; người được tập trung vào ngoại hình, người lại được tả thêm về tài năng;… Từ những đặc điểm đó, hầu như người dạy rồi người học ai cũng dễ dàng gật đầu thống nhất ở những nhận xét quen tai về hiệu quả nghệ thuật của các thủ pháp mà Nguyễn Du vận dụng. Một ví dụ điển hình, sự tinh tế của tác giả khi miêu tả nhân vật Thúy Kiều được nhấn mạnh ở chỗ: “…Chân dung Thúy Vân được miêu tả trước để làm nền nổi bật lên chân dung Thúy Kiều. Có thể coi đây là thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy. Nguyễn Du chỉ dành bốn câu thơ để gợi tả Vân, trong khi đó dành tới mười hai câu thơ để cực tả vẻ đẹp của Kiều. Vẻ đẹp của Vân chủ yếu là ngoại hình, còn vẻ đẹp của Kiều là cả nhan sắc, tài năng, tâm hồn.” (Ngữ văn 9, tập một, SGV). Thậm chí, có ý kiến mang màu sắc đối thoại, kiểu: “Thúy Vân được giới thiệu trước. Nếu giới thiệu sau thì mất thú, vì Vân kém Kiều. Giới thiệu Thúy Kiều thì nói sắc đẹp trước, vì tương phản với Vân…” (trích theo Tư liệu Ngữ văn 9). Các thủ pháp biểu hiện trong văn học luôn mang ý nghĩa tư tưởng. Bình tĩnh đọc lại, vừa đặt trong tổng thể mạch truyện vừa xem xét các chi tiết trong đoạn trích, chúng tôi thấy cần cân nhắc những ý kiến có phần còn hời hợt kể trên, bởi nếu không cẩn trọng thì sẽ cắt nghĩa thiếu căn cứ, hiểu không chính xác về tư tưởng nhân văn Nguyễn Du. Điều chúng tôi quan tâm là ở chỗ làm thế nào để cảm nhận được thái độ và cảm xúc thẩm mỹ của tác giả trong toàn bộ câu chuyện, đặc biệt là trong từng chi tiết, từng thao tác của việc sáng tạo với những biểu hiện cụ thể ở đoạn trích cụ thể này? Ngoài những hiểu biết cơ bản thống nhất khi đọc hiểu trích đoạn Chị em Thúy Kiều trước đến nay, chúng tôi muốn làm sáng tỏ thêm điểm tinh tế và độc đáo của cảm hứng nhân văn Nguyễn Du qua việc lý giải câu hỏi: Cần hiểu như thế nào về thái độ của tác giả thể hiện qua trình tự miêu tả? Liệu Thúy Vân có phải “được miêu tả trước để làm nền” trong cái gọi là “thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy”? Liệu có thể nói rằng Vân “kém Kiều” và “tương phản với Kiều”?

Về trình tự miêu tả, như đã nói, tác giả hướng tới điều cốt yếu: Nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện ấn tượng và trọn vẹn của nhân vật trung tâm Thúy Kiều. Đó là điểm khác và mới của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân. Đặt vào toàn bộ tác phẩm, chỉ nên nhìn nhận sáng tạo ấy ở góc độ thể loại, hay nói cách khác, là sáng tạo thuộc về kĩ thuật viết truyện. Không nên xem đó như thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy để rồi cái nhìn của người đọc bị hút vào những quan hệ tương phản, đối chọi dẫn đến thao tác nhận xét đâu là phía làm nền/ phông nền, đâu là phía được tôn lên/ tôn vinh; rồi định vị chính - phụ, so sánh hơn - thua... Thái độ của Nguyễn Du không phải như thế. Cái nhìn so sánh tương phản không phải là ấn tượng tác giả muốn đem lại cho người đọc, cho dù Thúy Vân là nhân vật phụ trong hệ thống nhân vật của Truyện Kiều, cho dù Thúy Kiều là nhân vật được nhà thơ dành cho nhiều tình yêu thương nhất, gửi gắm nhiều tâm sự nhất. Nhìn từ góc độ đoạn trích, với tư cách một văn bản có tính chỉnh thể tương đối, quan hệ của hai đối tượng miêu tả trong đoạn càng không phải là quan hệ tương phản, hơn - kém. Chính xác đó là quan hệ khác biệt. Quan hệ ấy được thể hiện từ những câu thơ đầu: “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”, “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Khác về ngôi thứ và đặc điểm. Ngay khi giới thiệu nhân vật, bằng những hình ảnh ước lệ, tác giả tả chung “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, và nhấn mạnh nét riêng không thể lẫn “mỗi người một vẻ” trong cái hoàn hảo của “tố nga” “mười phân vẹn mười”. Phác thảo thôi mà hình hài nhân vật đã thoáng hiện trong cảm nhận của người đọc, ấn tượng cả cái chung và cái/ vẻ riêng. Nhấn mạnh/ lưu tâm/ trân trọng cái riêng trong quan hệ với cái chung, nhất là khi đang nói về nhan sắc của những mỹ nhân, mỗi người đẹp theo mỗi “vẻ” khác nhau, chứng tỏ Nguyễn Du rất tài tình, rất tinh đời và hiểu đời. Tinh thần nhân văn chủ nghĩa là ở đó, xuất phát từ ý thức/ nhận thức về dấu ấn con người cá nhân (ý thức về cái riêng trong cái chung) của tác giả. Truyền cảm hứng ấy vào nhân vật, để nhân vật sống với muôn đời, Nguyễn Du đã ghi dấu tư tưởng mới mẻ, vượt thời gian từ hơn 200 năm trước!

Như vậy, kế thừa của Thanh Tâm Tài Nhân rồi đảo trật tự miêu tả, lược bỏ chi tiết “cả hai chị em đều thạo thơ phú”…, tác giả “Đoạn trường tân thanh” không chỉ tạo nên sự khác biệt như đã nói, mà đó còn là sự lựa chọn nhằm biểu đạt dụng ý nghệ thuật riêng, xuất phát từ cảm hứng sáng tạo mãnh liệt. Do vị trí vai trò khác nhau của nhân vật trong hệ thống cốt truyện nên tác giả tả Vân trước Kiều sau, tả Vân ít tả Kiều nhiều. Cho nên, nói “chân dung Thúy Vân được miêu tả trước để làm nền nổi bật lên chân dung Thúy Kiều”, “lấy Vân làm nền để tô đậm Kiều lên” là hiểu không chính xác về thái độ và cảm xúc của Nguyễn Du. Nói rằng Vân “kém Kiều” và “tương phản với Kiều” lại cũng hiểu không đúng tinh thần nhân văn cụ Nguyễn.

Khi tạo ra nhân vật, nhà văn thường nhằm khái quát tính cách của con người, và mỗi nhân vật khái quát những tính cách khác nhau, thuộc về những môi trường khác nhau của đời sống. Qua Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du không nhằm so sánh, không phân biệt ai làm nền cho ai nổi bật, mà chính là nhằm khắc họa hai hình tượng nhân vật với những đặc điểm tính cách và số phận riêng. Cả hai nhân vật Thúy Vân và Thúy Kiều hiện lên như những hình tượng lý tưởng, hoàn thiện hoàn mỹ, được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, bằng các chất liệu so sánh cao đẹp mượn từ thiên nhiên. Tuy nhiên, đáng chú ý là khi miêu tả chân dung, bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du làm nổi bật được thần thái của từng nhân vật. Thần thái gắn với tính cách, tính cách làm nổi lên dự cảm về số phận - những điều sẽ được tác giả miêu tả về sau. Đó là hai người phụ nữ, hai thân phận đàn bà vốn cùng xuất thân từ nơi “Êm đềm trướng rủ màn che” nhưng những biến cố gia đình rồi sẽ biến họ thành những số phận khác nhau. Đặt nhân vật trong sự soi chiếu từ tổng thể mạch truyện như thế, người đọc mới mong có thể đến gần hơn với tấm lòng cụ Nguyễn qua những câu “Kiều” trong từng trích đoạn.

Nguyễn Du tả Thúy Vân không chỉ tả ngoại hình, mà ngoại hình ấy gắn với phẩm chất. Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp vượt lên nhan sắc, vừa hài hòa phúc hậu, vừa nền nã sang quý, khiến khắp đất trời ai ai cũng cảm mến, nể vì. Không còn là miêu tả khách quan nữa, cụ Nguyễn đã dành những lời đẹp nhất bộc lộ cảm xúc ngợi ca con người “khác vời” cả về nhan sắc và đức hạnh ấy: “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”! Chẳng phải tác giả thiên về tả ngoại hình Thúy Vân mà bỏ qua phẩm hạnh, mà phải thấy con người có nhan sắc khác thường và phẩm hạnh sang quý đến như vậy thì chẳng còn gì để bút mực phải nói thêm. Còn với Thúy Kiều thì khác. Vân đã đẹp, Kiều lại “càng” tuyệt mỹ: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn/ Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh/ Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai…”. Nguyễn Du viết “lại là phần hơn” trong cái ngữ điệu thể hiện cái tâm thế vừa ngắm vẻ đẹp này lại được ngắm vẻ đẹp khác, bộc lộ cảm hứng ngợi ca/ tung hô sắc tài vượt ngưỡng của con người, chứ không phải có ý so sánh hơn - kém giữa hai nàng. Nhan sắc vượt ngưỡng, phẩm hạnh hơn người và đa tài thiên bẩm - tất cả đều “phát tiết ra ngoài”, những điều đó oái oăm thay lại gắn với kiếp “đoạn trường”, lại là cái cớ chuốc lấy những ghét ghen. Dự cảm về kiếp “đoạn trường” ấy đã được bộc lộ khi tác giả khắc họa tài sáng tạo âm nhạc của Kiều. Với nàng, nghệ thuật như là tiếng nói huyền bí của nội tâm: “Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”. Bắt đầu tả chân dung Kiều là “Kiều càng…”, khép lại dòng thơ khắc họa chân dung nàng thì “…lại càng não nhân”! Cho nên, có thể thấy, cùng với giọng điệu tụng ca/ tung hô sắc tài của nhân vật, chữ nghĩa Nguyễn Du còn có gì đó như muốn đay đả “số mệnh” trong khi nói đến cái “ghen” cái “hờn” của liễu, của hoa. Ngợi ca Thúy Vân, Nguyễn Du ngợi ca một người con gái có số phận coi như “êm đềm” giữa đời thường. Ngợi ca Thúy Kiều, Nguyễn Du ngợi ca sắc tài phẩm hạnh trong một thân phận bị nhấn chìm dưới đáy xã hội, thân phận gái điếm; Nguyễn Du đứng về phía nước mắt, đứng về phía cái đẹp, cái thiện bị cuộc đời đối xử bất công, bị chà đạp bầm dập. Cả hai người con gái sắc nước hương trời, phẩm hạnh hơn người sinh trưởng từ cuộc sống yên bình khuôn phép đều xứng đáng hưởng hạnh phúc. Nhưng rồi, “phận đàn bà” hóa ra “Lời rằng bạc mệnh…”! Nguyễn Du dành sự trân trọng, yêu thương cho cả hai nhân vật như nhau, trong mọi hoàn cảnh, “có đâu thiên vị người nào”…

Trên đây là một số ý kiến bàn thêm những biểu hiện của cảm hứng nhân văn Nguyễn Du trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trên tinh thần đi tìm “những sắc thái biểu hiện tinh tế, độc đáo, cụ thể trong thái độ và cảm xúc thẩm mỹ của tác giả đối với con người và cuộc sống”. Có thể thấy sự trân trọng tài năng, phẩm chất con người của Nguyễn Du ở đoạn trích không chỉ dừng lại ở cảm thông, thấu hiểu mà còn ngợi ca, khẳng định, thậm chí còn thể hiện cảm xúc đau đớn và thái độ bất bình, bênh vực những giá trị thuộc về con người. Đặc biệt, bằng cảm hứng sáng tạo mãnh liệt, tư tưởng nhân văn Nguyễn Du có những biểu hiện độc đáo, mới mẻ, vượt thời đại. Có lẽ, nhờ những sáng tạo như thế, Đoạn trường tân thanh mới là kiệt tác!