Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 0
Số lượng câu trả lời 30
Điểm GP 12
Điểm SP 32

Người theo dõi (4)

Trần Linh
tohka

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

1.

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy


Bài ca dao như một lời khuyên, lời răn dạy của cha ông cho những người làm anh em trên cuộc đời này, cần phải biết yêu thương lẫn nhau, đùm bọc nhau những lúc dở hay bất thường. Quan hệ anh em còn được ví với hình ảnh chân – tay, đó là những bộ phận gắn bó khăng khít trên một cơ thể thống nhất, cùng được nuôi chung bởi một dòng máu huyết thống của gia đình. Hình ảnh đó nói lên tình nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng của anh em.


2.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ "Hiếu" mới là đạo con.


Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật lớn lao, nó ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu. Công cha đi liền với nghĩa mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta mượn hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn vô tận để so sánh với công lao nghĩa mẹ

3.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều


Ca dao nói ít mà gợi nhiều. Chỉ hai từ quê mẹ mà gợi ra cho người đọc một trường liên tưởng vô cùng lớn. Người con xa quê trông về quê mẹ mà lòng day dứt khôn nguôi. Bốn chữ “ruột đau chín chiều” diễn tả nỗi nhớ da diết đó


4.

Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!


Cái hay của bài ca dao này là cách nói so sánh cụ thể, nên thơ. Cái đẹp của bài ca dao là thể hiện sự ca ngợi, nói lên lòng biết ơn công cha nghĩa mẹ vô cùng to lớn. Ý nghĩa bài ca dao vô cùng sâu sắc nó dạy chúng ta bài học về lòng hiếu thảo của đạo làm con.

5.

Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già.
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm cho mẹ,mẹ già yếu răng.


Bài thơ muốn nói lên công lao và tình yêu của bậc làm cha mẹ dành cho con cái là rất to lớn không gì có thể so sánh được, không thể nào liệt kê hết được.

6.

Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín lòng cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con.


Đây là một bài thơ cực kỳ nổi tiếng, có ý nghĩa là cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao... Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen. Do vậy mà chúng ta cần phải yêu hiếu thảo, yêu thương và kính trọng cha mẹ

7.

Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.


Hai câu thơ cho ta thấy mẹ còn đem đến ngọn gió mát trong đêm hè, giúp cho con ngủ say, có thể nói mẹ là người luôn đem đến cho con những điều tót đẹp trong suốt cuộc đời

8.

Vợ ta dù có quê mùa
Thì ta vẫn cứ sớm trưa vui cùng.
Đã rằng là nghĩa vợ chồng
Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời.


Bài thơ ý muốn nhắn nhủ đến những cặp vợ chồng rằng hãy luôn thương yêu và vui vẻ với nhau mặc dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào đi nữa.

9.

Dì ruột thương cháu như con
Rủi mà không mẹ cháu còn cậy trông


Có một câu tương tự với câu này đó là “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”. Ý muốn nói tình máu mủ ruột thịt luôn yêu thương lẫn nhau dù có phải là con ruột hay không thì chú và dì vẫn luôn quan tâm và lo lắng cho con cháu.

10.

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày mẹ thức đủ năm canh.


Hai câu thơ này nằm trong một bài hát ru của người dân Nam bộ, ý nghĩa muốn nói người mẹ luôn biết hy sinh vì con cái và nhắn nhủ con cái phải luôn biết yêu thương mẹ

11.

Mẹ già đầu tóc bạc phơ
Lưng đau con đỡ,mắt mờ con nuôi


Hai câu thơ thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ khi về già, cha mẹ nuôi chúng ta khôn lớn ra sao thì sau này cha mẹ lớn tuổi chúng ta phải phụng dưỡng lại hơn vậy

12.

Một mẹ nuôi được mười con
Nhưng mười con không nuôi được một mẹ.


Đây là 2 câu thơ rất hay lột tả được hình ảnh người mẹ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể che chở cho con cái. Ngoài ra còn muốn nhắn nhủ con cái phải luôn hiếu thảo với cha mẹ

13.

Má ơi! Đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.


Hai câu này có nghĩa đen là lời của một người con gái năn nỉ người mẹ của mình. Nhưng nếu phân tích theo nghĩa bóng thì dó là một lời than vãn người con gái nếu lấy chồng xa xứ thì khó có thể về thăm ba má của mình được vì một khi suất giá là phải tòng phu dây là nguyên tlấy chồng về nơi xứ lạ sẽ tạo nỗi nhớ thương da diết đối với người con khi nghĩ về quê nhà không biết cách nào về thăm gia đình.

14.

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày


Câu này rất hay, và nó cũng giống như một câu đối có hai vế vậy. Câu này rất đúng nếu dành cho những người bất hiếu. Nhưng trong thực tế có rất nhiều người con hiếu thảo với cha mẹ ông bà đấy chứ.

15.

Đêm đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con


Câu ca dao vang vọng mãi trong lòng ta một tình cảm thân thương, đi vào lòng ta bằng một tình cảm chân thật, trìu mến và sẽ mãi sống trong trái tim ta. Thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ


16.

Cơm cha, áo mẹ, công thầy
Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao.


"Cơm, áo, chữ" là 3 hình ảnh cụ thể mang tính chất điển hình ca ngợi công ơn trời biển của cha mẹ và thầy cô giáo. Đây là một lối nói ít mà gợi nhiều.công ơn của cha mẹ, thầy

17.

Ơn cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang


Bài ca dao thể hiện một cách cảm động về tình cảm gia đình. Ngôn từ giản dị, dễ hiểu. Bài học, về đạo hiếu, đạo làm con được nêu lên sâu sắc. Tình cảm gia đình là một trong những tình cảm đẹp nhất đối với mỗi chúng ta.


18.

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon.


Hai câu ca dao trên nói về lòng chung thủy của những đôi vợ chồng lao động nghèo khó nhưng vẫn hạnh phúc, dù bữa ăn chỉ là với món Râu tôm ruột bầu. Râu tôm ruột bầu chỉ là những thứ bỏ đi, nhưng lại là một giá trị lớn cho những người lao động nghèo khó. Nghèo nhưng họ vẫn hạnh phúc với món cơm bình dân.

19.

Tưởng rằng chị ngã em nâng
Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười.


Câu thơ này đang phê phán những người chị em trong gia đình không hòa thuận với nhau.

20.

Trăm năm giữ vẹn chữ tòng
Sông sao thác vậy một chồng mà thôi.


Hai câu thơ này cho thấy được sự chung thủy của người phụ nữ Việt Nam, dù cho sao đi nữa thì vẫn “một chồng” mà thôi.


Trên đây là bài viết về Những câu ca dao, tục ngữ hay về gia đình, tình cảm gia đình? Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích các bạn hiểu biết nhiều hơn về những câu ca dao về tình cảm gia đình ở Việt Nam ta.

Câu trả lời:

1 Tình cảm gia đình là một đề tài quan trọng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khai thác mảng đề tài này, Nguyễn Quang Sáng đã có một số tác phẩm đặc sắc như “Chiếc lược ngà”, “Bông cẩm thạch”,.. Trong đó, “Chiếc lược ngà” tạo được nhiều ấn tượng hơn cả. Một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm là nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật chính - nhân vật bé Thu - một cô bé cá tính, đáng yêu và có tình yêu ba tha thiết.

“Chiếc lược ngà” ra đời năm 1966 rồi được đưa vào tập truyện cùng tên (Chiếc lược ngà) của Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện được xây dựng trên một tình huống hiểu lầm tạo nhiều bất ngờ cảm động: Anh Sáu đi kháng chiến chống Pháp từ khi đứa con duy nhất của anh chưa đầy một tuổi. Từ đó hai ba con chưa hề gặp lại nhau, cho đến khi kháng chiến kết thúc, anh trở vể, đứa con gái tám tuổi không chịu nhận ba. Trong ba ngày ở nhà, bằng đủ mọi cách mà con bé vẫn không chịu gọi lấy một tiếng ba. Đến lúc phải ra đi nhận nhiệm vụ mới, bé Thu mới gọi anh bằng ba. Thật bất ngờ. Thì ra, nó không chịu nhận ba là vì vết thẹo trên má đã khiến anh không còn giống như trong bức ảnh chụp ngày cưới. Con bé chỉ gọi ba khi bà ngoại giải thích cho nó rõ điều này. Giây phút anh nghe được tiếng gọi mà anh chờ đợi đã bao năm ấy cũng là lúc cha con xa nhau. Anh Sáu hứa sẽ mang về tặng con một cây lược. Những ngày chiến đấu trong rừng, anh Sáu cặm cụi làm chiếc lược bằng ngà cho con gái. Chiếc lược đã làm xong nhưng chưa kịp trao cho con gái thì anh hi sinh.

Nhân vật cô bé tám tuổi ấy là Thu, mới có tám tuổi nhưng cô đã bướng bỉnh, gan góc và rất có cá tính. Trong tâm hồn trẻ thơ của bé Thu, chỉ có duy nhất hình ảnh một người ba mà nó biết qua bức ảnh chụp với má ngày cưới. Nó nhất quyết không chịu nhận ông Sáu là ba dù cả nhà - trong đó có bà nội - thừa nhận điều đó. Họ đón ông với tất cả tấm lòng chân thành, yêu thương của con người Nam Bộ. Chẳng những thế, ông còn vô cùng xúc động khi gặp nó. Nhưng bỏ qua tất cả, Thu vẫn hét lên sợ hãi khi ông Sáu lập cập đến với nó và lắp bắp gọi: “Thu! Ba đây con...”. Có điều đó bởi Thu thấy ba nó trong bức ảnh không hề có vết thẹo trên má còn người cứ gọi nó là con, bắt nó gọi bằng ba bây giờ lại có vết thẹo dài trên má.

Không chỉ vậy, qua nhiều chi tiết miêu tả hành động của bé Thu Nguyễn Quang Sáng vừa thể hiện được tính cách đặc biệt của cô bé vừa tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Khi mẹ yêu cầu “mời ba vô ăn cơm", Thu gọi "trổng" “vô ăn cơm”. Nồi cơm sôi, không tự chắt được con bé nhất quyết không chịu gọi ba để được giúp đỡ. Nó tìm mọi cách chăt nước không cần nhờ vả. Đặc biệt, tính cách rắn rỏi, ngang bướng vô cùng trẻ con của Thu được thể hiện qua chi tiết bé hất đổ cả chén cơm khi anh Sáu gắp cho nó cái trứng cá. Bị ba đánh, tưởng đâu "con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp đổ cả mâm cơm, hoặc sẽ chạy vụt đi. Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm.". Đành rằng trẻ con chỉ tin vào những gì chúng thấy, đành rằng bé Thu không thể biết được sự ác nghiệt của bom đạn là thế nào, và nó có cách suy nghĩ theo kiểu trẻ con của nó, nhưng phải thừa nhận rằng cô bé này có một cá tính mạnh mẽ. Sự bướng bỉnh, gan góc đến kì lạ cùa bé Thu đã trở thành tiền đề để sau này trở thành lòng dũng cảm, sự lanh lợi của cô giao liên Thu.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, Thu cùng “Chiếc lược ngà" sẽ nằm lẫn vào vô vàn tác phẩm khác viết cho thiếu nhi. Điều khiến nhân vật cùng tác phẩm đi xa hơn trong lòng người đọc là ở chỗ bé Thu có một tình yêu ba nồng nàn, tha thiết.

Cô bé không nhận ba bởi cô hiểu nhầm về vết sẹo trên mặt ba. Cô đã nghĩ rằng “người ta” mang đến cho mình một người “ba giả"! Và vì thế, Thu càng phản đối quyết liệt người “ba giả” ấy bao nhiêu càng thể hiện cô bé yêu ba mình bấy nhiêu. Cái tình yêu ấy thật sâu sắc: nó chỉ có một, không thể chia sẻ cho bất kì ai khác, ngay cả khi đó là người được tất cả mọi người thừa nhận là ba của nó, là người yêu thương và quan tâm đến nó rất chân thành.

Khi biết rằng ông Sáu là ba thật của mình, và vết sẹo trên mặt ông là do thằng Mĩ gây nên, buổi sáng cuối cùng trong những ngày phép của ba "Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa của và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó, vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sẩm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa. " Không hiểu con bé “nghĩ ngợi sâu xa” điều gì, chỉ biết rằng khi ông Sáu buồn rầu quay lại nhìn nó - không dám lại gần sợ nó lại bỏ chạy như lần trước - nói: “Ba đi nghe con” thì nó bất ngờ lao đến thét lên: Ba., a... a...ba! Rồi ôm chặt lấy ông nức nở “Con không cho ba đi”. Đến đây, người đọc mới vỡ lẽ ra rằng Thu thèm được gọi ba như thế nào. "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.". Bé Thu là đứa trẻ giàu tình cảm. Thái độ của bé Thu với ba bây giờ trái ngược trong những ngày đầu khi ông Sáu về thăm nhà. Song, trái ngược mà vẫn nhất quán. Vì quá yêu ba, quá khao khát được có ba nên khi nhận định không phải ba nó thì nó nhất định không chịu nhận, nhất định không gọi "ba" lấy một tiếng. Cho nên, khi tiếng gọi như xé kia cất lên ta thấy nó thiêng liêng vô cùng. Tiếng gọi ấy càng trở nên thiêng liêng, quý giá bởi đón chờ nó là cả tấm lòng cao đẹp, thương yêu con vô hạn của người cha.

Trong quá trình thể hiện diễn biến tâm lí nhân vật bé Thu có một chi tiết vô cùng quan trọng: chi tiết cái thẹo. Chính cái thẹo là nguyên nhân gây ra những hiểu lầm trong tình cảm của cha con mà Thu dành cho ba. Cái thẹo là vết thương mà giặc Mĩ gây ra cho ba Thu. Sự chia cắt gia đình không chỉ riêng gia đình bé Thu mà còn hàng triệu gia đình người Việt cũng là do giặc Mĩ gây ra. Thấu hiểu sâu sắc điều đó, sau này, Thu đã trở thành một nữ giao liên dũng cảm, can đảm. Cô đã quyết tâm tiếp bước con đường cha cô đã đi để đánh đuổi kẻ thù của gia đình, kẻ thù của dân tộc.

Xây dựng nhân vật bé Thu - một cô bé bướng bỉnh, cá tính nhưng có tình cảm yêu ba tha thiết cảm động - Nguyễn Quang Sáng đã tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ bởi vậy nhà văn đã tạo nên được một nhân vật trẻ thơ thực sự sống động gây nhiều niềm xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Bên cạnh đó, tác phẩm đã tạo nên một tình huống hiểu lầm độc đáo mà chi tiết quan trọng nhất là chi tiết cái thẹo. Chi tiết này có giá trị giống như một “cái bóng” trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ hay “chiếc lá cuối cùng” trong truyện ngắn cùng tên của Ô Hen-ri,...

Câu trả lời:

Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm, đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng Ba, hay khi hất cái trứng mà anh Sáu cho xuống, cuối cùng khi anh Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị anh Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi thái quá, song thiết nghĩ chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. Trong tâm trí bé Thu chỉ có duy nhất hình ảnh của một người “cha chụp chung trong bức ảnh với má”. Người cha ấy, không giống anh Sáu, không phải bởi thời gian đã làm anh Sáu già đi mà do cái thẹo trên má. Vết thẹo, dấu tích của chiến tranh đã hằn sâu làm hiến dạng khuôn mặt anh Sáu. Có lẽ trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thế biết đến sự khốc liệt của bom lửa đạn, biết đến cái cay xè của mùi thuốc súng và sự khắc nghiệt của cuộc sống người chiến sĩ. Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiều sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô giao liên giải phỏng sau này.

Nhưng xét cho cùng, cô bé ấy có bướng bỉnh, gan góc, tình cảm có sâu sắc, mạnh mẽ thế nào thì Thu vẫn chỉ là một đứa trẻ mới 8 tuổi, với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Nhà văn tỏ ra rất am hiểu tâm lí của trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến và trân trọng một cách đẹp đẽ thiêng liêng những tâm tư tình cảm vô giá ấy. Khi bị ba đánh, bé Thu “cầm đũa gắp lại cái trứng cá để vào chén rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm” Có cảm giác bé Thu sợ anh Sáu sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt trong chính tâm tư của mình? Hay bé Thu dường như lờ mờ nhận ra mình có lỗi? Lại một loạt hành động tiếp theo “Xuống bến nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn rang, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”. Bé Thu bỏ đi lúc bữa cơm nhưng lại có ý tạo tiếng động gây sự chú ý. Có lẽ cô bé muốn mọi người trong nhà biết bé sắp đi, mà chạy ra vỗ về, dỗ dành. Có một sự đối lập trong những hành động của bé Thu, giữa một bên là sự cứng cỏi, già giặn hơn tuổi, nhưng ở khía cạnh khác cô bé vẫn mong được yêu quý vỗ về. Trong khi “Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không chịu về”, cái cá tính cố chấp một cách trẻ con của bé Thu được tác giả khắc họa vừa gần gũi, vừa tinh tế.

Ở đoạn cuối, khi mà bé Thu nhận ra cha, thật khó để phủ nhận bé Thu là đứa bé giàu tình cảm. Tình cha con trong Thu giữ gìn bấy lâu nay, giờ trỗi dậy, vào cái giây phút mà cha con phải tạm biệt nhau. Có ai ngờ một cô bé không được gặp cha từ năm 1 tuổi vẫn luôn vun đắp một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt với cha mình, dù người cha ấy chưa hề bồng bế nó, cưng nựng nó, săn sóc, chăm lo cho nó, làm cho nó một món đồ chơi kể từ khi nó bắt đầu làm quen với cuộc sống. Nó gần như chưa có chút ấn tượng nào về cha, song chắc không ít lần nó đã tự tưởng tượng hình ảnh người cha nó tài giỏi nhường nào, cao lớn nhường nào, có vòng tay rộng để ôm nó vào lòng ra sao? Tình cảm mãnh liệt trong nó ngăn không cho nó nhận một người đàn ông lạ kia làm bố. Khi đến ngày anh Sáu phải đi, con bé cứng cỏi mạnh mẽ ngày hôm nào lại “như thể bị bỏ rơi, lúc đứng ở góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người vây quanh ba nó, dường như nó thèm khát cái sự ấm áp của tình cảm gia đình, nó cũng muốn chạy lại và ôm hôn cha nó lắm chứ, nhưng lại có cái gì chặn ngang cổ họng nó, làm nó cứ đứng nguyên ở đấy, ước mong cha nó sẽ nhận ra sự có mặt của nó”. Và rồi đến khi cha nó chào nó trước khi đi, có cảm giác mọi tình cảm trong lòng bé Thu bỗng trào dâng. Nó không nén nổi tình cảm như trước đây nữa, nó bỗng kêu hét lên Ba..., vừa kêu vừa chạy xô đến nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa. Tiếng kêu Ba từ sâu thẳm trái tim bé Thu, tiếng gọi mà ba nó đã dùng mọi cách để ép nó gọi trong mấy ngày qua, tiếng gọi ba gần gũi lần đầu tiên trong đời nó như thể nó là đứa trẻ mới bi bô tập nói, tiếng gọi mà ba nó tha thiết được nghe một lần. Bao nhiêu mơ ước, khao khát như muốn vỡ òa ra trong một tiếng gọi cha. Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba nó bật khóc mà còn mang một giá trị thiêng liêng với nó. Lần đầu tiên nó cảm nhận mơ hồ về niềm sung sướng của một đứa con có cha. Dường như bé Thu đã lớn lên trong đầu óc non nớt của nó. Ngòi bút nhà văn khẳng định một nhân vật giàu tình cảm, có cá tính mạnh mẽ, kiên quyết nhưng vẫn hồn nhiên, ngây thơ: Nhân vật bé Thu.

Câu trả lời:

Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm, đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng Ba, hay khi hất cái trứng mà anh Sáu cho xuống, cuối cùng khi anh Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị anh Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi thái quá, song thiết nghĩ chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. Trong tâm trí bé Thu chỉ có duy nhất hình ảnh của một người “cha chụp chung trong bức ảnh với má”. Người cha ấy, không giống anh Sáu, không phải bởi thời gian đã làm anh Sáu già đi mà do cái thẹo trên má. Vết thẹo, dấu tích của chiến tranh đã hằn sâu làm hiến dạng khuôn mặt anh Sáu. Có lẽ trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thế biết đến sự khốc liệt của bom lửa đạn, biết đến cái cay xè của mùi thuốc súng và sự khắc nghiệt của cuộc sống người chiến sĩ. Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiều sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô giao liên giải phỏng sau này.

Nhưng xét cho cùng, cô bé ấy có bướng bỉnh, gan góc, tình cảm có sâu sắc, mạnh mẽ thế nào thì Thu vẫn chỉ là một đứa trẻ mới 8 tuổi, với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Nhà văn tỏ ra rất am hiểu tâm lí của trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến và trân trọng một cách đẹp đẽ thiêng liêng những tâm tư tình cảm vô giá ấy. Khi bị ba đánh, bé Thu “cầm đũa gắp lại cái trứng cá để vào chén rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm” Có cảm giác bé Thu sợ anh Sáu sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt trong chính tâm tư của mình? Hay bé Thu dường như lờ mờ nhận ra mình có lỗi? Lại một loạt hành động tiếp theo “Xuống bến nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn rang, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”. Bé Thu bỏ đi lúc bữa cơm nhưng lại có ý tạo tiếng động gây sự chú ý. Có lẽ cô bé muốn mọi người trong nhà biết bé sắp đi, mà chạy ra vỗ về, dỗ dành. Có một sự đối lập trong những hành động của bé Thu, giữa một bên là sự cứng cỏi, già giặn hơn tuổi, nhưng ở khía cạnh khác cô bé vẫn mong được yêu quý vỗ về. Trong khi “Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không chịu về”, cái cá tính cố chấp một cách trẻ con của bé Thu được tác giả khắc họa vừa gần gũi, vừa tinh tế.

Ở đoạn cuối, khi mà bé Thu nhận ra cha, thật khó để phủ nhận bé Thu là đứa bé giàu tình cảm. Tình cha con trong Thu giữ gìn bấy lâu nay, giờ trỗi dậy, vào cái giây phút mà cha con phải tạm biệt nhau. Có ai ngờ một cô bé không được gặp cha từ năm 1 tuổi vẫn luôn vun đắp một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt với cha mình, dù người cha ấy chưa hề bồng bế nó, cưng nựng nó, săn sóc, chăm lo cho nó, làm cho nó một món đồ chơi kể từ khi nó bắt đầu làm quen với cuộc sống. Nó gần như chưa có chút ấn tượng nào về cha, song chắc không ít lần nó đã tự tưởng tượng hình ảnh người cha nó tài giỏi nhường nào, cao lớn nhường nào, có vòng tay rộng để ôm nó vào lòng ra sao? Tình cảm mãnh liệt trong nó ngăn không cho nó nhận một người đàn ông lạ kia làm bố. Khi đến ngày anh Sáu phải đi, con bé cứng cỏi mạnh mẽ ngày hôm nào lại “như thể bị bỏ rơi, lúc đứng ở góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người vây quanh ba nó, dường như nó thèm khát cái sự ấm áp của tình cảm gia đình, nó cũng muốn chạy lại và ôm hôn cha nó lắm chứ, nhưng lại có cái gì chặn ngang cổ họng nó, làm nó cứ đứng nguyên ở đấy, ước mong cha nó sẽ nhận ra sự có mặt của nó”. Và rồi đến khi cha nó chào nó trước khi đi, có cảm giác mọi tình cảm trong lòng bé Thu bỗng trào dâng. Nó không nén nổi tình cảm như trước đây nữa, nó bỗng kêu hét lên Ba..., vừa kêu vừa chạy xô đến nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa. Tiếng kêu Ba từ sâu thẳm trái tim bé Thu, tiếng gọi mà ba nó đã dùng mọi cách để ép nó gọi trong mấy ngày qua, tiếng gọi ba gần gũi lần đầu tiên trong đời nó như thể nó là đứa trẻ mới bi bô tập nói, tiếng gọi mà ba nó tha thiết được nghe một lần. Bao nhiêu mơ ước, khao khát như muốn vỡ òa ra trong một tiếng gọi cha. Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba nó bật khóc mà còn mang một giá trị thiêng liêng với nó. Lần đầu tiên nó cảm nhận mơ hồ về niềm sung sướng của một đứa con có cha. Dường như bé Thu đã lớn lên trong đầu óc non nớt của nó. Ngòi bút nhà văn khẳng định một nhân vật giàu tình cảm, có cá tính mạnh mẽ, kiên quyết nhưng vẫn hồn nhiên, ngây thơ: Nhân vật bé Thu.

Câu trả lời:

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tuyến đường Trường Sơn đầy bom rơi đạn nổ đã trở thành con đường huyền thoại. Bởi nơi đây đã có những câu chuyện thần kì với những anh bộ đội hiên ngang anh dũng, những anh chiến sĩ lái xe ngang tang mà lẫm liệt mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bơn một lần ca ngời trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Câu chuyện thần kì đó còm là chuyện về những cô gái thanh niên xung phong vừa kiên cường dũng cảm trong chiến đấu vừa hồn nhiên, mơ mộng thật đáng yêu, đáng quý. Lấy cảm hứng từ đó, nhà văn Lê Minh Khuê đã sáng tác thành truyện ngắn đặc sắc “Những ngôi sao xa xôi”

Truyện được viết 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Truyện Những ngôi sao xa xôi phản ánh chân thực tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong. Đó chính là những hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho phẩm chất cao quý của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ vừa qua.

Điều ta cảm nhận đầu tiên là hoàn cảnh sống và chiến đấu của họ. Họ là một tổ trinh sát mặt đường gồm ba người, hai cô gái rất trẻ là Phương Định và Nho. Còn chị Thao là tổ trưởng thì lớn tuổi hơn một chút. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Ở đó, máy bay Mỹ thường hay đánh phá dữ dội. Đường bị đánh “lỡ loét, màu đất đỏm trắng lẫn lộn”. Sự sống ở đây gần như bị hủy diệt “hai bên đường không có lá xanh, chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”… Công việc của họ lại càng đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, họ phải lao ra trong điểm “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đến bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đó là công việc mạo hiểm luôn phải đối mặt với cái chết, “thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ở lẩn trong ruột những quả bom”. Nhưng với ba cô gái này, thì những công việc ấy đã trở thành công việc hằng ngày.

Cả ba cô gái cô nào cũng đáng mến, đáng phục. Nhưng Phương Định là cô gái để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Phương Định là cô gái nhạy cảm, hồn nhiên, mơ mộng, thường sống với những kỉ niệm về Hà Nội. Là một cô gái Hà Nội, cô có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên nnguwoifmej trong nhwunxg ngày thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm tuổi học trò luôn sống đậy trong lòng cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng , khốc liệt. Cô vào chiến tranh ba năm. Đã quen với những thử thách và nguy hiểm , giáp mặt hằng ngày với cái chết, nhưng ở cô cũng như những đồng đội, không mất đi sự hồn nhiên, trong sáng với những ước mơ về tương lai

Cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định hay quan tâm đến hình thức của mình. Cô đánh giá:”Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá…”. Đặc biệt cô có cặp mắt đẹp nên cô thích ngắm mắt mình trong gương. Cô biết mình được nhiều nhiều nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. điều đó làm cô tự hào nhưng chưa từng có tình cảm riêng với một ai cả. nhạy cảm, nhưng cô không hay biểu lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo trước đám đông, tưởng như là kiêu kì.

Cô có tính đồng đội sâu sắc, gắn bó. Cô yêu mến thân thiết với hai đồng đội trong tổ trinh sát. Cùng vui đùa ca hát, chia sẻ ngọt bùi, cùng chịu đựng nhiều nguy hiểm, bom đạn. Khi chị Thao vấp ngã cô đỡ chị. Khi chị Nho bị thương, cô “rửa cho Nho bằng nước đun sôi…”. Đặc biệt cô dành tình yêu thương và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ của tôi những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận.

Nhưng có lẽ điều đáng khâm phục nhất ở cô đó là lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Phương Định cùng những người bạn của mình sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Cô phải chạy trên cao điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết luôn gần kề tạo áp lực khiến thần kinh vô cùng căng thẳng. Thực hiện công việc đó, Phương Định và đồng đội phải vô cùng bình tĩnh và họ đã thực sự bình tĩnh, ung dung một cách lạ thường. Thậm chí, với họ, công việc ấy đã trờ thành bình thường: ”Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng có nhiều quả bom chưa nổ, nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang”.

Thế giới tâm hồn của Phương Định thật phong phú, trong sáng nhưng không phức tạp. Không thấy những băn khoăn, day dứt. trăn trở trong ý nghĩ và tình cảm của cô gái khi phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh đặc khốc liệt, hiểm nguy, mà vẫn tươi vui, hồn nhiên, lạc quan yêu đời.Truyện đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng , mơ mộng , tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thười kì kháng chiến chống Mĩ.

Tóm lại, truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm sông lại trong lòng ta những hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Thao, Phương Đinh, Nho , của hàng vạn nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của Phương Định và đồng đội là bài ca anh hùng. Chiến tranh đã qua đi, nhưng đọc truyện này ta như sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước, những ngôi sao Phương Định. Thao, Nho vẫn tỉa sáng trong ta với bao khâm phục và ngượng mộ.

Câu trả lời:

“Sách mở ra trước mắt ta những chân trời mới”. Lời nhận định ấy quả không sai. Nếu thiếu sách báo thì cuộc sống ta sẽ buồn tẻ, hụt hẫng biết bao. Sách giúp ta rất nhiều trong quá trình học tập và rèn luyện, giúp ta giải đáp mọi thắc mắc, ưu phiền... Sách chẳng khác nào là người bạn của chúng ta. Cho nên khi bàn về ích lợi của sách, La Rocheioucault có nhận định: “Một quyển sách tốt là một người bạn hiền".

Quả thật sách là một người bạn tinh thần rất kì diệu. Trong cuộc sống, bất cứ thời đại nào, bạn thì có bạn tốt, bạn xấu. Sách cũng vậy, có sách tốt và sách xấu. Nếu ta đã từng được khuyên nên chọn bạn mà chơi thì câu nói trên cũng có giá trị tương tự như thế: Phải chọn sách tốt mà đọc.

Thế nào là sách tốt? Đó là loại sách giúp ta mở mang kiến thức hiểu biết về cuộc sống, về con người, về đất nước, về thế giới... không chỉ hôm nay mà cả quá khứ xa xưa cũng như hướng tướng lai sắp tới. Còn bạn hiền là sao? Là người giúp đỡ, xây dựng hướng dẫn ta học tập điều hay lẽ phải... Như vậy, giữa một quyển sách tốt và người hạn hiền có tác dụng tương tự nhau, như nhà tư tưởng phương Tây đã ví von "Một quyển sách tốt là một người bạn hiền “.

Thật vậy, sách tốt giúp ta học hỏi được nhiều điều hay, nhiều điều mới lạ. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài tìm tòi suy ngẫm có khi không mài của một người mà là của nhiều người, có khi không phải của một đời mà là nhiều thế hệ nhất là những quyển sách thuộc lĩnh vực khoa học, y học, nhân văn, xã hội học, kinh tế học... Sách tốt giúp cho ta có một đời sống tâm hồn tốt đẹp, biết yêu ghét rạch ròi, biết phân hiệt hạn và thù, biết thông cảm với niềm đau, nỗi bất hạnh của con người. Đọc tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Lão Hạc của Nam Cao, chúng ta hiểu được thân phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, số phận của người nông dân, nhất là người bần nông, dần dần hiện rõ trước mắt chúng ta qua từng trang sách. Chị Dâu chỉ vì một suất sưu của chồng mà phải bán đứa con gái thân yêu của mình. Trong cái xã hội phong kiến thời nô lệ ấy, con người bị đánh thuế như thuế con vật, thuế hàng hóa... Còn cảnh đói nghèo của lão Hạc cũng giống như bao nhiêu cảnh đời bi thương của hầu hết những người nông dân khác, để rồi bị bọn thực ân, phong kiến hất ra bên lề cuộc sống. Từng dòng chữ, từng hình ảnh, từng cuộc đời trong trang sách cứ hiện ra làm xốn xang cả lòng cả dạ. Từ đó ta mới hiểu vì sao máu của ông cha ta cứ lần lượt thấm hồng trang sử đâu tranh quyết giành lại từ tay kẻ thù hầu trời tự do, độc lập cho con cháu đời sau, cổ ta như nghẹn cứng hẳn lại, một nỗi căm hờn đang trào dâng.

Sách không chỉ giúp ta biết được cuộc sống số phận của người Việt Nam mà còn giúp ta thông cảm với những cuộc đời của những con người ở những vùng đất xa xôi trên thế giới. Đọc Cố hương của Lỗ Tấn ta thấy được cái nghèo khó, áp bức của xã hội đã biến một cậu bé thông minh hoạt bát đã trở thành một Thuận Thổ nhút nhát, sự sệt chấp nhận cái thân phận thấp hèn đáng thương hại. Cũng như bên trời Tây kia có những định kiến khắc nghiệt đối với những đứa trẻ không cha như Ximông hị người đời khinh khi luôn nghĩ đến cái chết. Rồi ở Mĩ, nơi nổi tiếng giàu có văn minh nhất thế giới vậy mà không ít người nghèo khó phải sống trong khu phố nhỏ hẹp bị bạc đãi không còn niềm tin - cô họa sĩ trẻ Jonxi bệnh hoạn luôn bi quan trước cuộc sống để số phận mình lụi làn theo những chiếc lá rơi. Và cũng từ nơi ấy ta tìm được những tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ nỗi bất hạnh với những người cùng khổ như mình. Chẳng hạn tấm chân tình của chú Philip, sự hi sinh của bác Bơmen luôn để lại trong lòng ta niềm động dạt dào về tình yêu thương của con người. Thông qua sách, ta hiểu rõ được những bất công của xã hội và càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống tự công bằng, bác ái... Từ đó, giúp ta có ý thức tốt và có hành động đúng.

Những lúc buồn chán, sách lại là người bạn an ủi, giúp ta vui hơn “Những cuộc phiêu lưu kì thú”. Ta hồi hộp theo từng bước chân của Rô-bin- Cru-sô với nhiều lo lắng. Ta sung sướng tự hào khi người anh hùng đó chiến thắng thiên nhiên, biển cả, đảo hoang... Và cũng chính những quyển sách thế giúp ta thỏa mãn ước mơ chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên khuất dưới bàn tay và khối óc con người.

Cũng có những quyển sách, sau khi đọc xong ta vô cùng cảm ơn tác giả giúp ta nhận ra sai lầm, khuyết điểm của mình. Phải chăng sự ngỗ nghịch Dế Mèn phần nào phản ánh sự ngỗ nghịch trong tuổi thơ của chúng ta? Và hành động vô ý thức khi trêu chọc mụ Cóc đã dẫn đến cái chết thảm thương Dế Choắt là nỗi ám ảnh trong tâm trí của Dế Mèn. Ta tưởng chừng Tô Hoài đang nói với chúng ta: Đừng quá hung hăng nghịch ngợm - những lời khuyên nhủ đó thông qua câu chuyện kì thú hấp dẫn.

Đọc những truyện cổ tích thần thoại, truyền thuyết dân gian ta thấy càng gần gũi, thân tình hơn. Những ông bụt, cô tiên, phép lạ luôn tạo cho niềm vui, sự thích thú. Và hình ảnh của những chàng dũng sĩ, những hoàng công chúa... là dấu ấn tốt đẹp làm rạo rực lòng ta. Truyện xưa cổ giúp ta rõ một chân lí sông “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”. Sách quả đúng người bạn hiền đáng mến.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải sách nào cũng tốt cả. Bởi lẽ bên những quyển sách có giá trị rất cần thiết cho chúng ta thì cũng có không những quyển sách vô bổ có hại đang cố mặt rộng rãi khắp trên thị trường. Đó là những quyển sách đầu độc tuổi thơ, kích động bạo lực tuyên truyền văn hóa trụy... mà ta cần phải tránh xa. Vì vậy ta phải biết chọn sách tốt mà đọc. Nếu chọn được sách tốt tức là ta đã chọn được một bạn hiền.

Trong thời đại ngày nay, sách không phải là phương tiện duy nhất để cho người giải trí, học hỏi, nhưng có thể nói sách mãi mãi là người bạn cần thiết chúng ta. Do đó ta phải yêu sách như yêu bạn, biết giữ gìn sách tốt như giữ tình bạn. Vì thế nhận định của nhà tư tưởng La Rochefoucault là một nhận có giá trị muôn đời.

Câu trả lời:

Phép lịch sự chính là một tổng hợp các nghi thức được biểu hiện ra trong cách giao tiếp với người xung quanh. Những nghi thức đó không phải là những ứng xử máy móc mà những hành động linh hoạt, nhiều vẻ, gắn với hoàn cảnh, môi trường cụ thể, tuỳ theo đối tác gặp gỡ. Nó nói lên cách xử thế của mỗi cá nhân trong các trường hợp giao tiếp khác nhau.

Lấy ví dụ về lời chào hỏi khi gặp gỡ người quen, chúng ta chào chứng tỏ mình đã nhận ra họ, kèm theo lời chào có thể là bắt tay, mỉm cười hay theo phong tục Châu Âu, có thể ôm hôn nếu hai bên tình cảm gắn bó, thân mật.

Lời chào hỏi liên quan đến những quy ước nhất định, chịu ảnh hưởng của những đặc điểm văn hoá dân tộc, đặc biệt có liên quan đến địa vị xã hội của hai người. Nó được thể hiện như sau: theo tuổi tác người trẻ chào người già trước, theo địa vị xã hội người có địa vị thấp chào trước người có địa vị cao hơn, kết hợp hình thức chào với mức độ thân mật và gắn với đặc điểm văn hoá dân tộc: nắm tay nhau, bá vai, vỗ vai nhau, ôm hôn... cũng như thời gian gặp gỡ, mới gặp hay lâu ngày rồi, với môi trường gặp gỡ ở ngoài phố, nơi công cộng hay tại gia đình, ở ngoài phố cần kín đáo hơn, ở gia đình thân mật, cởi mở hơn. Mục đích và ý nghĩa của lời chào hỏi chính là chúng ta tự đặt mình trong hệ thông của cách xử thế đã được quy định và được xã hội chấp thuận.

Câu trả lời:

“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn viết về tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu thời kì chiến tranh. Đây là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sự bất ngờ như ta thường thấy ở văn của Nguyễn Quang Sáng. Đoạn trích trong sách giáo khoa đã cho thấy một khoảnh khắc nhỏ mà trong đó có sự cao cả thiêng liêng của tình phụ tử.

Truyện ngắn này được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nội dung truyện là tình cha con của cha con ông Sáu và thông qua đó nói lên sự ngặt nghèo, éo le mà chiến tranh đem lại. Tuy đây là một đề tài muôn thuở trong văn chương nhưng chính vìthế giá trị nhân văn của truyện càng trở nên sâu sắc.

Truyện xoay quanh đề tài tình cảm cha con ông Sáu mà tác giả Nguyễn Quang Sáng đã chú trọng đặc biệt đến nhân vật bé Thu - một nhân vật có nội tâm đầy sự mâu thuẫn. Thu là một cô bé phải sống xa cha từ nhỏ. Tuy vậy trong tâm tưởng của Thu, hình ảnh người cha phải xa cách từ lâu luôn luôn tồn tại qua những tấm ảnh. Mặc dù yêu cha là thế nhưng khi gặp cha rồi Thu lại có những hành động mâu thuẫn với suy nghĩ của mình. Khi nghe tiếng ông Sáu gọi con, Thu đã không hề mừng rỡ như ông Sáu vẫn tưởng, nó giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác lạ lùng, chớp mắt nhìn như muốn hỏi, thậm chí mặt nó bỗng tái mét rồi vụt chạy và kêu thét lên. Đều là những cử chỉ mà không ai ngời tới - những cử chỉ thể hiện sự sợ hãi khác thường giữa cha và con. Không chỉ có thế, hành động của Thu còn chứa đầy sự lạnh nhạt và lảng tránh. Kịch tính câu chuyện được đẩy lên cao khi bé Thu nấu cơm. Nó góp phần tạo nên độ căng của mạch kể. Cái nồi cơm quá to, con bé cần có sự giúp đỡ của người lớn nhưng nó đã nhất quyết không chịu gọi ba, không chịunhờ vả. Đỉnh điểm nữa là khi bé Thu hất cái trứng cá mà anh Sáu đã gắp cho. Đây là một hành động rất tự nhiên và hợp lí của Thu để qua đó, cá tính mạnh mẽ của cô bé dần được biểu lộ. Thương con là thế nhưng ông Sáu vẫn không giữ nổi bình tĩnh, ông vung tay đánh vào mông nó và hét lên sao mày cứng đầu quá vậy hả. Bị ba đánh Thu không khóc như ông Ba tưởng, nó chỉ lặng lẽ đứng dậy và sang nhà bà ngoại. Thì ra nguyên nhân là vết sẹo trên mặt ba nó. Nó không chấp nhận bất cứ lời giải thích nào kể cả lời giải thích của mẹ nó. Quả là những suy nghĩ rất trẻ con nhưng chính điều đó đà làm cho câu chuyện trở nên rất thật. Đến khi nghe ngoại kểvề vết thẹo của ba, nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng thở dài như người lớn, tất cả như giúp Thu giải tỏa nỗi lòng mình nhưng bên cạnh đó, nó cũng rất ân hận và hối tiếc vì những ngày qua đã không chịu nhận ba. Cao trào của câu chuyện lại được đẩy lên khi ông Sáu chia tay vợ con lên đường, bé Thu bỗng thét lên “Ba...a... a... ba!”. Tiếng kêu như xé lòng, xót xa, tiếng kêu bật lên sau bao năm kìm nén, chờ đợi khắc khoải. Cùng với những biểu hiện vội vã, hối hả, tác giả đà để Thu bộc lộ hết những tình cảm, nỗi nhớ thương dành cho ba và trong đó có cả sự hối hận. Đây như một chi tiết biết nói. Không có chi tiết nàycâu chuyện sẽ mất đi hẳn một phần giá trị và sẽ trở nên nhạt nhẽo. Niềm vui sướng khi vừa tìm thấy cha con tưởng như không bao giờ còn thấy nữa, niềm vui sướng vượt ra ngoài sức tưởng tượng đã vượt qua mọi khoảng cách khiến người đọc không thể cầm lòng, về sau, khi dã trưởng thành Thu nối gót cha làm giao liên phục cho kháng chiến cũng là vì cha, vì trả thù cho cha.

Qua nhân vật ông Ba, Nguyễn Quang Sáng đã dành cho Thu bao tình cảm quý mến và trân trọng, ông cảm thông với cái ương bướng, cứng đầu của một cô bé chỉ vì vết sẹo chiến tranh trên mặt người lính từ mặt trận trở về mà một tiếng ba cũng không chịu gọi. Hình ảnh bé Thu hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba, cùng với cử chỉ giang cả hai chân bấu chặt lấy ba nó mãi mãi là hình ảnh rất cảm động của tình cha con giữa thời máu lửa. Giây phút từ biệt ấy đã trở thành vĩnh biệt. Nỗi buồn từ câu chuyện đã làm ta càng thêm thấm thìa sự ác nghiệt của chiến tranh.

Trong truyện, tác giả không chỉ chú ý tới tình cảm của nhân vật bé Thu mà tình cảm yêu thương con sâu nặng của ông Sáu đã nhắc đến rất nhiều. Ngày ông đi bộ đội, Thu còn rất bé, nhưng tình cha con trong ông luôn tồn tại mãnh liệt. Lần nào vợ ông đến thăm, ông cũng hỏi thăm con. Đây chính là sự yêu thương của người cha làm cách mạng xa nhà, không được gặp con. Khi về thăm nhà, những tưởng mong đợi được gặp con, được nghe con gọi ba từng phút đã được thực hiện nhưng không, bom đạn đã làm thay đổi hình hài ông, vết thẹo dài trên má - vết thương chiến tranh đã làm cho đứa con gái thương yêu bé bỏng không nhận ra ngườicha nữa. Khi không được đón nhận tình cảm, ông Sáu trở nên suy sụp, đau đớn và đáng thương. Trước sự ứng xử lạnh nhạt của bé Thu, ông vẫn luôn dành mọi hành động thương yêu cho con, trong ánh mắt của ông luôn tràn đầy tình phụ tử không bờ bến. Ông đã tìm mọi cách để sát lại gần con hơn, ông gắp trứng cá cho con nhưng khi cao trào của câu chuyện là Thu hất cái trứng cá đi thì ông đã không kiềm chế nổi, ông đã đánh con. Đánh con để giải tỏa những bức xúc tinh thần, điều đó càng chứng tỏ ông rất yêu con. Với ông cái khao khát được gặp lại vợ con cũng không được trọn vẹn. Đó là kịch của thời chiến tranh. Lúc chia tay vợ con lên đường, ông mới chỉ nhận được một khoảnh khắc hạnh phúc là khi bé Thu nhận ra ba mình và gọi một tiếng ba. Ông ôm con, rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con. Ông đã ra đi với nỗi thương nhớ vợ con không thể nào kể xiết, với lời hứa mang về cho con chiếc lược ngà và nỗi ân hận ray rứt vì sao mình lại đánh con cứ giày vò ông mãi. Lời dặn dò của đứa con gái bé bỏng “Ba về ba mua cho con một cây lược nghe ba” ông luôn cất kín trong lòng. Tất cả tình thương yêu của ông đã được dồn cả vào cây lược ngà tự làm cho con. Có khúc ngà, ông Sáu hớn hở như bắt được quà. Chính qua chi tiết giàu sức gợi cảm này mà ta thấy được phút giây sung sướng đã khiến người cha như một đứa trẻ. Ông làm cho con chiếc lược ngà rất tỉ mỉ và thận trọng. Ông ngồi cưa từng chiếc răng, khổ công như một người thợ bạc. Làm xong lược, ông lại cẩn thận khắc dòng chữ yêu nhớ tặng Thu con của ba. Tất cả những chi tiết trên đều làm ta vô cùng cảm động nhưng cảm động nhất có lẽ phải là chi tiết anh lấy cây lược ngà mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Mỗi lần anh chải tóc, ta lại liên tưởng đến một lần anh gửi gắm yêu thương vào chiếc lược nhỏ xinh. Nhưng không may là ông Sáu đã hi sinh, nhưng tình phụ tử thì không thể chết. Lúc hấp hối, ông đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho ông Ba, nhìn hồi lâu rồi tắt thở. Tuy không một lời nói nhưng cái nhìn của ông Sáu quả thật đã chứa bao nỗi niềm ở bên trong, những nỗi niềm chưa được nói.

Hình ảnh ông Sáu, hình ảnh người cha trong truyện yêu thương con hết mực sẽ mãi còn. Chiếc lược ngà với dòng chữ sẽ mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, bi kịch của thời chiến tranh. Nó buộc người đọc chúng ta phải suy nghĩ về những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã đem đến cho con người đang sống trên mảnh đất này. Qua đó tác giả cũng muốn nêu lên thái độ không đồng tình với chiến tranh của chính mình.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã rất thành công trong việc kết hợp kể với miêu tả nội tâm nhân vật, xây dựng nội tâm mâu thuẫn nhưng rất nhất quán về tính cách. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất dưới góc nhìn của ông Ba. Điều đó làm cho sự việc trở nên khách quan, tin cậy và xác thực, tạo điều kiện cho người đọc bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểuvà xúc động trước tâm trạng của từng nhân vật. Hơn nữa truyện lại có sự sắp xếp rất chặt chẽ với nhiều tình huống bất ngờ làm cho người đọc cảm thấy hứng thú và cuốn hút khi đọc.

Truyện đã làm sống lại quãng thời gian đánh giặc giữ nước và thông qua đó tác giả muốn người đọc phải nghĩ và thấm thìa nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh mang đến. Tình cảm cha con sâu sắc của cha con ông Sáu đã vượt qua bom đạn của chiến tranh để ngày càng thiêng liêng, ngời sáng và gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương, đất nước.