Đây là lần thứ ba, tôi được theo bố mẹ về làng Chuông quê ngoại. Ông ngoại qua đời khi tôi còn nằm trong nôi, bà ngoại mất ngày tôi còn học lớp Ba. Trên đường về, tôi vô cùng náo nức. Tối hôm qua, tôi cứ trằn trọc mãi. Chuyến về quê này, tôi được cùng bố mẹ thăm mộ ông bà ngoại, được gặp cậu Tú, mợ Nhi và hai em Tuấn, Nghĩa. Và được xem, được tham dự lễ hội làng Chuông.
Làng Chuông ở ven bờ sông Đáy hiền hoà, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Làng Chuông có nghề làm nón lâu đời. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:
“Muốn ăn cơm trắngcá mè,
Muốn đội nón tốt thì về làngChuông”
Gái làng Chuông nức tiếng gần xa. Con gái làng Chuông xinh giòn, khéo tay hay làm. Mẹ tôi, mợ Nhi, dì Hiền, dì Hậu... đều là con gái làng Chuông.
Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội làng Chuông mang đặc trưng văn hoá dân tộc truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Tiếng trống, tiếng chiêng vang rộn xóm làng từ sáng sớm đến chiều tà, đến canh khuya. Có hàng nghìn người ăn mặc đẹp đẽ, có đủ nam, phụ, lão, ấu. Các bôlão mặc lễ phục, các bà, các cô gái xúng xính áo dài lụa nâu,lụa hồng, thắt lưng xanh, nón quai thao, đầu chít khăn... Trẻ em tung tăng reo hò, áo quần rực rỡ.
Lễ "rước Rồng" diễn ra thật tưng bừng náo nhiệt. Các vị cao niên đi hia, mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn đóng dẫn đầu. Trai làng với bộ đồ lễ hội quần vàng, áo tía, hoặc gánh kiệu, hoặc đánh trống, hoặc múa lượn theo cánh rồng bay, theo đuôi rồng cuộn. Có một số bé trai tuấn tú, mặc áo xanh, áo đỏ,thắt đai vàng, cung tên đeo trước ngực, gươm báu cài chéo sau lưng, tư thế oai phong lẫm liệt, đứng vững trên đôi vai lực sĩ... trông thật đẹp. Hàng trăm thiếu nữ làng Chuông khoác áo lụa hồng, mặc quần xanh, chân đi giày vải trắng, đầu đội nón dấu quang dầu đỏ tía, chóp nón nõn nà, hai tay nắm thẻ bài in hình chữ Hán, mặt mày rạng rỡ, bước đều theo nhịp trống. Đội nhạc bát âm, quần xanh áo đỏ, đầu chít khăn, vừa đi vừa kéo nhị, vừa đánh đàn, gõ trống, thổi kèn. Tiếng nhạc vang lên làm cho lễ “rước Rồng” trở nên rộn ràng, hấp dẫn,lôi cuốn mạnh mẽ. Cờ thần, dải phướn rực rỡ màu vàng tươi, màu đỏ thắm tung bay rợp trời. Đoàn người “rước Rồng” kéo dài, kéo dài. Mẹ nói: “Thời đi học cấp I, cấp II, năm nào mẹ cũng đi rước cùng với các thím, các dì, vui lắm...”.
Lễ hội làng Chuông có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức quy mô, hoành tráng: đánh đu, chọi gà, hát Quan họ, hát dô, thi khâu nón, thi nấu cơm...Cuộc chơi nào cũng có hàng trăm người tham gia. Người chen chúc ngồi chật trước cổng tam quan đình làng, người đứng vòng trong vòng ngoài xung quanh giếng cổ. Các cô gái ngồi bên bờ giếng, nhanh thoăn thoắt lựa chọn nguyên liệu đan nón, lúc cầm kéo, cầm dao,lúc cầm kim khâu, cặp mắt dịu dàng, tinh anh ngắm nghía. Khách thập phương đổ về dự hội,mỗi người mua một hai chiếc nón đem về làm quà. Trai tứ chiếng trong dáng vẻ phong lưu vừa xem vừa liếc mắt đưa duyên ngắm nhìn các cô thiếu nữ má hồng đang khâu nón.
Vui nhất là cuộc thi nấu cơm diễn ra trước sân đình. Chỉ trong vòng 20-25 phút, tính từ lúc nổi lửa, vo gạo. Mỗi đội thi gồm có ba người, ăn mặc đẹp. Một người vừa đi vừa gánh hai niêu đất, nhún nhảy uyên chuyển. Hai người câm đuốc đốt lửa nấu cơm đi theo. Ngọn lửa bập bùng. Niêu cơm sôi bốc khói, toả hương thơm ngào ngạt. Tiếng trống thúc dội vang, liếng cười nói, tiêng reo, tiếng vỗ tay... náo nhiệt. Một hồi trống ngân dài, các đội tắt bếp, gánh niêu cơm dâng lên bàn thờ. Các cụ ông, các cụ bà trong ban tổ chức chấm giải và trao phần thưởng. Một miếng cơm trong niêu cơm thi, ai được nếm qua một lần sẽ mang niềm vui và hạnh phúc đi suốt cuộc đời.
Lễ hội làng Chuông được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trên đường trở về nhà, tôi nói nhỏ với mẹ: “Sang năm, con lên học lớp bảy rồi, mẹ cho con về thăm mộ ông bà ngoại, và đi dự lễ hội làng Chuông nhé!...”Mẹ âu yếm nhìn đứa con bé bỏng, rồi mỉm cười.