Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 15
Số lượng câu trả lời 0
Điểm GP 0
Điểm SP 0

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


    Tạo hóa cho loài chim đôi cánh là để bay, nhưng trong trời đất này có biết bao con chim không được bay. Nhà tôi cũng có một con, con Khướu, được nuôi trong lồng. Nó được nuôi trong một cái lồng tuyệt đẹp, cái lồng tre nổi tiếng của Lạng Sơn. Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ theo hình hoa văn, trong lồng có ba cái lọ sứ Tàu để đựng thức ăn thức uống. Cái lồng được treo dưới mái bên mảnh vườn treo trên nhà. Nếu những con chim khác biết được không thể không ganh tị với nó. Quanh nó là cây cảnh với phong lan, không mưa không nắng, nhưng vẫn nhìn thấy khoảng trời mênh mông qua mảnh vườn. Nó như sống trong cảnh thần tiên, thức ăn thức uống đủ đầy, chỉ có hót thôi
    Một lần thằng con tôi lại sơ ý. Con Khướu lại vù bay. Nó bay đi lần này, cả nhà không lo buồn như lần trước. Bởi đoán thế nào nó cũng quay về. Và đúng như cũ. Thằng lớn của tôi lại treo cái lồng ra ngoài trời. Người trong nhà không còn ai phập phồng nữa, biết chắc là chốc nữa nó sẽ lại sà xuống chui vào lồng.
    Chỉ có thằng út là vẫn háo hức đi tìm một chỗ núp rình xem, với nó như một trò chơi hồi hộp lý thú

Trên vòm lá, con Khướu lại hót. Nó hót một chuỗi dài như báo tin, nó đã về. Và từ trên vòm lá nó lao xuống.

Khi nó lao xuống đến lưng chừng thì trên trời bỗng vang lên tiếng hót của một con chim trời. Tiếng hót của con chim lạ ấy tôi nghe thảnh thót hơn và cũng dịu dàng hơn, chắc là con chim mái.

Tiếng con chim trời ấy đã cứu con Khướu nhà. Đang lao thẳng xuống vực thẳm của chiếc lồng thì, nó bỗng ưỡn người, dựng ngược đôi cánh xiên thẳng lên cái nền xanh thăm thẳm của bầu trời.

Thế rồi con trước con sau như hai mũi tên đen, đuổi nhau lượn vòng vòng trên tàn cây, vừa lượn đuổi vừa hót.

Rồi từ xa, hai con vụt bay đến nhau, khi vừa đến bên nhau thì chúng dựng cánh, cùng vút thẳng lên trời cao. Rồi xòe cánh, cánh kề cánh nương nhau bay lượn, vừa bay vừa hót. Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quít như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hằng thế kỷ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động 

cả trời chiều. Cái vòng lượn của đôi chim mỗi lúc rộng ra, và tiếng hót mỗi lúc, mỗi lúc từ xa cho đến xa.

Chiều hôm sau thằng con lớn của tôi lại treo cái lồng ra ngoài trời, đợi con Khướu. Nhưng con Khướu không về trên vòm lá. Thằng con tôi kiên nhẫn, chiều hôm sau lại mang cái lồng ra.

Tôi bảo:

- Thôi dẹp đi. Nó không về nữa đâu.

- Sao vậy ba? - Thằng út tôi hỏi.

Thôi dẹp đi, ba biết nó không về - Tôi nghĩ mà không nói. Lần này nó có đôi cánh của tình yêu, đôi cánh tình yêu đã đưa nó về với cảnh thênh thang của đất trời. Và nó là chim - chim thì phải bay. Chim bay...                  

Câu 1: Ý nào nói đúng về phương thức chính của đoạn trích?

A. Tự sự                                                  B. Miêu tả

C. Biểu cảm                                            D. Thuyết minh

Câu 2: Nhân vật chính trong tác phẩm có đoạn trích trên là:

A. Nhân vật “tôi”                                                    B. Thằng út

C. Thằng con lớn                                                     D. Con Khướu nhà

Câu 3: Nội dung chính của đoạn trích là gì?

A. Miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên qua hình ảnh con chim Khướu

B. Ca ngợi tiếng hót của con chim Khướu

C. Kể lại chuyện con chim Khướu sổ lồng hai lần khiến cả gia đình nhân vật “tôi” lo lắng

D. Kể về cuộc sống của con chim Khướu thoát khỏi cái lồng trở về thế giới tự do.

Câu 4: Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích:

A. Ngôi thứ nhất                                     B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba                                         D. Không xác định được

Câu 5: Không gian nghệ thuật được khắc hoạ trong đoạn trích là:

A. Đình làng                                                     B. Cánh đồng

C. Cái lồng, khu vườn treo, bầu trời tự do        D. Chợ

Câu 6: Đề tài của tác phẩm có đoạn trích là gì?

A. Tình cảm gia đình

B. Cuộc sống của thiên nhiên

C. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên

D. Mỗi quan hệ giữa con người và con người

Câu 7: Câu: “Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quít như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hằng thế kỷ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động cả trời chiều.” sử dụng biện pháp tu từ nào?

A.   Nhân hóa, so sánh

B.    Nhân hóa, ẩn dụ

C.    Nói quá, so sánh

D.   Liệt kê, so sánh

Câu 8: Đoạn văn: “Trên vòm lá, con Khướu lại hót. Nó hót một chuỗi dài như báo tin, nó đã về. Và từ trên vòm lá nó lao xuống” không sử dụng phép liên kết nào?

A.   Phép lặp

B.    Phép nối

C.    Phép thế

D.   Phép cùng trường liên tưởng

Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:

Câu 9: Cảm nhận của em về chi tiết “Tiếng con chim trời ấy đã cứu con Khướu nhà. Đang lao thẳng xuống vực thẳm của chiếc lồng thì, nó bỗng ưỡn người, dựng ngược đôi cánh xiên thẳng lên cái nền xanh thăm thẳm của bầu trời.”

Câu 10: Em có đồng tình với việc nuôi nhốt chim không? Vì sao?

Ăn thêm cái nữa đi con! 

– Ngán quá, con không ăn đâu! 

– Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng! 

– Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi!

Thằng bé lắc đầu nguầy nguậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường sát mép cổng. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi. Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai: 

– Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn. Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chăng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn. 

– Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh. 

Con bé nói rồi thút thít. 

– Ừ. Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi! 

(Lý Thanh Thảo, Trích “Bốn mươi truyện rất ngắn ”, NXB Hội nhà văn 1994) 

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1: Xác định ngôi kể của văn bản trên.

A. Ngôi thứ nhất                                                B. Ngôi thứ hai      

 C. Ngôi thứ ba                                                   D. Không có ngôi kể

Câu 2: Xác định nhân vật chính của truyện ngắn trên.

A. Người em                                     B. Anh Hai

C. Người mẹ                                      D. Cậu bé nhà giàu

Câu 3: Đoạn trích trên khắc họa nhân vật bằng cách nào?

A. Qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật.

B. Qua ngôn ngữ độc thoại của các nhân vật.

C. Qua hành động, cử chỉ, điệu bộ và lời nói của các nhân vật.

D. Qua suy nghĩ của nhân vật.

Câu 4: Tình huống gay cấn trong truyện ngắn là tình huống nào?

A. Đứa bé con nhà giàu gạt mạnh tay khiến chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường sát mép cổng.

B. Hai anh em nhà nghèo nhặt được miếng bánh.

C. Hai anh em nhà nghèo thổi bánh, miếng bánh bất ngờ rơi xuống cống.

D. Hai anh em nhà nghèo chia nhau liếm những ngón tay dính bánh.

Câu 5: Đâu không phải là lí do mà cậu bé con nhà giàu lại vứt miếng bánh đi?

A. Vì cậu bé không muốn ăn.

B. Vì cậu bé không biết trân trọng những gì mình đang có.

C. Vì người mẹ cưng chiều.

D. Vì chiếc bánh không được mua ở tiệm bánh cậu bé thích.

Câu 6: Nội dung chính của văn bản trên là gì?

A. Ca ngợi tình cảm anh em gắn bó, yêu thương trong nghịch cảnh.

B. Nhấn mạnh những cảnh đời nghèo khổ của không ít trẻ em hiện nay.

C. Diễn tả cuộc sống giàu có, đầy đủ của nhiều đứa trẻ.

D. Sự khác biệt của những cảnh đời.

Câu 7: Trong câu: “Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.”, từ nào là trợ từ?

A. rơi

B. hẳn

C. chính

D. xuống 

Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:

Câu 8: Câu nói của nhân vật người anh “Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi” có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung chính của truyện?

Câu 9: Câu “Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho” đặc sắc vì sao?

Câu 10: Qua câu chuyện, em hãy viết đoạn văn khoảng 7 – 8 câu bày tỏ suy nghĩ của mình về ý nghĩa tình yêu thương trong cuộc sống.

 

Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: “cây hoàng lan”, mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn.

Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi.

  Nghe thấy bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc, buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng. Thanh vẫn nằm yên nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình. Chàng không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra. Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần.

(Trích Dưới bóng hoàng lan -Thạch Lam, NXB Văn hóa Thông tin, 2007, tr. 165-166)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Nhân vật chính trong truyện là ai?

A. Bà                                                          B. Cha

C.Thanh                                                      D. Mẹ

Câu 2. Xác định ngôi kể của truyện:

A. Ngôi thứ nhất                                       B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba                                          D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 3. Tác giả chọn điểm nhìn từ nhân vật nào?

A. Từ bà.                                                    B. Từ nhân vật chính.                               

C. Từ người mẹ.                                         D. Từ một người bạn.

Câu 4. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích là:

A. Miêu tả, biểu cảm, nghị luận

B. Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

C. Tự sự, miêu tả, thuyết minh.

D. Tự sự, miêu tả, nghị luận.

Câu 5Đâu là những chi tiết miêu tả cây hoàng lan trong đoạn trích?

A. lại gần săn sóc, buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi.

B. vẫn nằm yên nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình, không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra.

C. Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng.

D. lá cây rung động; thân cây vút cao; mùi hương thơm thoang thoảng; cây đã lớn.

Câu 6Tâm trạng của nhân vật Thanh trong đoạn trích là:

A. cảm thấy vui vẻ, hào hứng, mê say trước vẻ đẹp của quê nhà.

B. cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, bình yên khi tắm mình trong không khí tươi mát của hương hoàng lan và đón nhận sự săn sóc của bà.

C. cảm thấy buồn bã, não nề vì khung cảnh quá yên tĩnh.

D. cảm thấy tiếc nuối vì tuổi thơ đã đi qua, không còn được bà che chở, âu yếm.

Câu 7. Nhân vật chính trong đoạn trích được khắc họa chủ yếu qua phương diện nào?

A. Lời nói

B. Hành động

C. Tâm trạng, cảm xúc

D. Ngoại hình

Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong những câu văn sau:  

Bà lại gần săn sóc, buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi.

Câu 9. Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong truyện.

Câu 10. Viết đoạn văn 5 – 7 câu nêu suy nghĩ của bản thân về vai trò của lối sống chậm trong cuộc sống.