“Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận, và chính điều đó khiến thế giới trở nên hấp dẫn lạ lùng. Chim thú trên rừng, cá tôm dưới biển cũng thế mà xã hội con người cũng thế. Kìa, lớp học của chúng tôi sinh động biết bao vì mỗi người một vẻ. Bạn tôi đấy, cao thấp, béo gầy, đen trắng khác nhau, giọng nói khác nhau đã đành, mà thói quen, sở thích cũng có giống nhau đâu. Tùng thích vẽ vời, Nhung ưa ca hát, nhảy múa. Hoài thì sôi nổi, nhí nhảnh, Thơ lúc nào cũng kín đáo, trầm tư. Trần Long nổi tiếng là một “danh hài”, Minh Diệu thì hơn người ở trí nhớ siêu việt… Người ta thường nói học trò “nghịch như quỷ”, ai ngờ “quỷ” cũng là cả một thế giới, chẳng “quỷ” nào giống “quỷ” nào! Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là… không ai giống ai cả”. Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người. ”
(Trích “Xem người ta kìa!”- Ngữ văn 6)
a. Để chứng minh cho quan điểm: “Từ khi biết nhìn nhận và suy nghĩ, tôi dần dần hiểu ra rằng, thế giới này là muôn màu muôn vẻ, vô tận, và chính điều đó khiến thế giới trở nên hấp dẫn lạ lùng.”, tác giả đã đưa ra các dẫn chứng nào? Nhận xét về cách sử dụng dẫn chứng của tác giả.
b. Tại sao “Chỗ giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là… không ai giống ai cả”. Chính chỗ “không giống ai” nhiều khi lại là một phần rất đáng quý trong mỗi con người.”?
c. Từ đoạn trích và hiểu biết của bản thân, hãy viết một đoạn văn khoảng 10 câu trình bày quan điểm của em về ý kiến: Phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác.