Bài 23. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp

Câu hỏi mở đầu (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 104)

Hướng dẫn giải

- Chúng ta cần tích cực trồng và bảo vệ cây xanh bằng cách:

+ Tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người về vai trò to lớn của cây xanh đối với sự sống trên Trái Đất.

+ Thực hiện các hoạt động trồng cây, gây rừng.

+ Trồng cây đúng mùa vụ, phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, bảo vệ cây giúp cây sinh trưởng nhanh và phát triển tốt để nâng cao năng suất cây trồng.

+ Nghiêm cấm và tích cực tố giác các hoạt động chặt phá cây, rừng bừa bãi.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quang hợp:

+ Ánh sáng

+ Nước

+ Khí carbon dioxide

+ Nhiệt độ

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 104)

Hướng dẫn giải

- Một số cây ưa bóng: lá lốt, ngải cứu, diếp cá, gừng, phong lan,…

- Một số cây ưa sáng: cây bàng, phượng, ổi, ngô, lúa,…

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 105)

Hướng dẫn giải

- Nhìn chung, ở tất cả các loài cây, hiệu quả quang hợp sẽ tăng khi nồng độ khí CO2 ngoài môi trường tăng và ngược lại nhưng nếu nồng độ khí CO2 tăng quá cao (khoảng 0,2%) sẽ làm cây chết, quang hợp sẽ không xảy ra.

- Tuy nhiên, ảnh hưởng của nồng độ khí CO2 đến quang hợp không giống nhau ở các loài cây. Bằng chứng là qua sơ đồ ta thấy ở cùng một nồng độ khí CO2 nhưng cường độ quang hợp của cây bí đỏ cao hơn của cây đậu.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Hoạt động 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 106)

Hướng dẫn giải

Bảng 23.1

Yếu tố

Ảnh hưởng đến quang hợp

Ánh sáng

- Thông thường, khi cường độ ánh sáng tăng thì hiệu quả quang hợp sẽ tăng ngược lại. Tuy nhiên, ánh sáng quá mạnh sẽ làm lá cây bị “đốt nóng”, làm giảm hiệu quả quang hợp.

- Mỗi loài cây có một nhu cầu ánh sáng khác nhau: cây ưa sáng thường sống nơi có ánh sáng mạnh, cây ưa bóng thường sống ở nơi bóng râm.

Nước

- Nước có ảnh hưởng kép tới quá trình quang hợp vì nước vừa là nguyên liệu của quang hợp, vừa là yếu tố tham gia vào việc đóng, mở khí khổng, liên quan đến sự trao đổi khí.

Khí carbon dioxide

- Thông thường, khi cường độ khí carbon dioxide tăng thì hiệu quả quang hợp sẽ tăng.

- Khi hàm nồng độ khí carbon dioxide tăng quá cao (khoảng 0,2%) hoặc giảm xuống quá thấp (thấp hơn 0,008% - 0,01%), cây sẽ không quang hợp được.

Nhiệt độ

- Nhiệt độ thuận lợi nhất cho hầu hết các loài cây quang hợp là từ 25oC – 35oC.

- Khi nhiệt độ giảm xuống quá thấp (thường dưới 10oC) hoặc tăng lên quá cao (trên 40oC), quá trình quang hợp sẽ giảm dần, thậm trí là dừng hẳn.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Hoạt động 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 106)

Hướng dẫn giải

- Mỗi loài cây khác nhau lại thích nghi với những điều kiện khí hậu (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm,…) khác nhau, điều kiện khí hậu không thích hợp sẽ khiến hoạt động quang hợp của cây bị ức chế làm cây không thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Do đó, phải trồng cây đúng thời vụ để có khí hậu phù hợp nhất đối với sự sinh trưởng và phát triển cả cây.

- Mật độ cây trồng quá dày sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước, ánh sáng, các nguyên tố dinh dưỡng khoáng thiết yếu,… Điều này khiến quá trình quang hợp tích lũy vật chất của các cây bị hạn chế. Do đó, cây trồng với mật độ quá dày thường còi cọc, năng suất thấp. Ngược lại, cây trồng quá thưa sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí các nguồn sống được cung cấp khiến hiệu quả kinh tế thu được không cao. Từ những phân tích này cho thấy nên trồng cây với mật độ thích hợp để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Hoạt động 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 106)

Hướng dẫn giải

Ở những khu công nghiệp hay nơi có nhiều nhà máy, nồng độ khí carbon dioxide thường tăng cao. Nếu nồng độ khí carbon dioxide cao trong giới hạn cho phép thì cường độ quang hợp của cây trồng tại đó sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nếu nồng độ khí carbon dioxide tăng cao vượt ngưỡng cho phép, hiệu quả quang hợp của cây trồng tại đó thường giảm đi và cây có thể chết do không quang hợp được.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Hoạt động 4 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 106)

Hướng dẫn giải

Vào những ngày nắng nóng hoặc trời rét đậm, người làm vườn thường che nắng hoặc chống rét (ủ ấm gốc) cho cây để:

- Che nắng: giúp giảm cường độ ánh sáng và nhiệt độ đảm bảo cây không bị “đốt nóng” quá mức khiến các hoạt động sinh lí của cây bị ảnh hưởng (khi cây bị “đốt nóng”, cường độ quang hợp giảm, thoát hơi nước mạnh,…).

- Chống rét (ủ ấm gốc): giúp hỗ trợ nhiệt độ của cây không xuống quá thấp dưới mức chịu đựng của cây.

→ Hai biện pháp trên đều giúp cây phát triển tốt trong những điều kiện nhiệt độ không thuận lợi.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (2)

Câu hỏi 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 106)

Hướng dẫn giải

Biện pháp bảo vệ cây xanh trong trường học:

- Trồng cây với khoảng cách phù hợp.

- Chăm sóc cây (tưới nước, bón phân,…) giúp cây quang hợp tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh.

- Không bẻ cành, bứt lá bừa bãi, gây tổn thương đến cây.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (1)

Câu hỏi 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 106)

Hướng dẫn giải

Việc trồng cây xanh ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống đem lại nhiều lợi ích:

- Điều hòa lượng khí CO2 và O2 trong không khí.

- Góp phần làm sạch không khí: Tán cây giúp cản bụi bẩn, có thể có khả năng hấp thụ một số khí độc.

- Góp phần ổn định nhiệt độ môi trường: Cây có quá trình thoát hơi nước giúp điều hòa nhiệt độ không khí.

- Góp phần giảm ô nhiễm tiếng ồn.

- Giúp tạo cảnh quan giúp con người thư giãn.

→ Từ các lợi ích trên cho thấy, ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống cần trồng nhiều cây xanh.

(Trả lời bởi GV Nguyễn Trần Thành Đạt)
Thảo luận (2)