Nội dung lý thuyết
Những bài thơ lục bát đã học, đã đọc gợi cho em những cảm xúc gì? Hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu của chúng khiến em rung động như thế nào? Hãy ghi lại cảm nhận của em về một bài thơ lục bát em yêu thích.
Yêu cầu đối với đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát:
- Giới thiệu bài ca dao: "Anh đi.... bên đường hôm nao.".
- Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài ca dao: "Những dòng thơ trên được lưu truyền... về quên nhà.", "Trở đi trở lại cùng nỗi nhớ là ... "tát nước bên đường",...", "Bài ca dao khơi dậy... quê hương.".
- Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài ca dao: "Từ "nhớ"... không dứt.", "Nhịp điệu nhẹ nhàng... của người ra đi.".
1. Trước khi viết
a) Lựa chọn bài thơ
- Nhớ lại những bài thơ lục bát mà em đã học, đã đọc hoặc tìm đọc một bài thơ lục bát mới.
- Bài thơ được chọn có thể là một bài ca dao (khuyết danh) hoặc là sáng tác của một nhà thơ.
b) Tìm ý
- Đọc bài thơ nhiều lần. Khi lời thơ vang lên, hãy lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ của em và ghi lại điều đó. Nên viết nhan ra giấy các ý tưởng này sinh bằng những cụm từ ngắn gọn.
- Có thể tìm bằng cách tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Cảm nhận chung khi đọc bài thơ là gì? Bài thơ biểu hiện những điều gì? Bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,... nào nổi bật?
c) Lập dàn ý
Sắp xếp các thông tin, ý tưởng làm được cho bài viết thành một dàn ý như sau:
- Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả (nếu có).
- Thân đoạn: Trình bày cảm xúc về bài thơ.
+ Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài thơ.
+ Nêu ý nghĩa, chủ đề của bài thơ.
+ Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ.
- Kết đoạn: Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.
2. Viết bài
Khi viết bài, cần lưu ý:
- Bám sát dàn ý, chú trọng những yếu tố đã khơi gợi cảm xúc của em như nhan đề bài thơ, thể thơ (lục bát), nhịp thơ, vần thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,...
- Lựa chọn từ ngữ để diễn tả cảm xúc của em về bài thơ. Kết nối các ý thành đoạn văn. Mỗi ý nên diễn đạt thành hai, ba câu.
- Bảo đảm cách trình bày của một đoạn văn: Lùi đầu dòng ở chỗ mở đầu, đoạn, chữ đầu tiên viết hoa và có dấu chấm câu kết thúc đoạn. Bố cục đoạn văn bao gồm ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Nội dung các câu trong đoạn cần hướng về một chủ đề chung.
3. Chỉnh sửa bài viết
Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:
Yêu cầu | Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được nhan đề và tác giả của bài thơ lục bát. | Nếu bài thơ có nhan đề và tên tác giả mà bài viết chưa nêu được thì cần bổ sung. |
Nêu được cảm xúc về nội dung chính của bài thơ. | Nếu cần thì bổ sung các ý cụ thể để người đọc hiểu rõ nội dung bài thơ. |
Nêu được cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật. | Rà soát những ý trong bài viết nêu cảm nhận về từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,... nổi bật của bài thơ. Hãy chỉnh sửa, bổ sung nếu thấy còn thiếu. |
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. | Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,.. và chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi. |
Gợi ý
Học tập về thể loại lục bát, học sinh không chỉ được tiếp nhận những kiến thức về đặc trưng của loại hình này mà còn được xây dựng những cảm xúc thẩm mĩ đẹp đẽ. Một trong số những bài thơ lục bát giúp em hoàn thiện cả về nhận thức và tri thức ấy là Về thăm mẹ của tác giả Đinh Nam Phương. Về nghệ thuật, bài thơ là một bản giao hòa đầy tinh tế của lối thơ lục bát rất chỉnh và những biện pháp tu từ như ẩn dụ, liệt kê,... Thể thơ lục bát cũng là thể thơ phù hợp giúp nhà văn diễn tả trọn vẹn tình cảm, cảm xúc của mình dành cho mẹ. Từ những điều giản dị, đời thường, gắn liền với cuộc sống của mẹ cũng như sự trưởng thành của con, chúng ta thấy được tình cảm, sự vất vả, chắt chiu, hi sinh của người mẹ. Từ đó dấy lên trong lòng người con một lòng thương xót, kính trọng dạt dào. Đặc biệt, có một yếu tố nghệ thuật theo em đặc sắc nhất chính là:
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.
Mặc dù đó chỉ là một hình ảnh giản dị, tuy nhiên đã khái quát được sự yêu thương, chăm sóc đến từng chi tiết nhỏ nhất của người mẹ. Trái na cuối vụ - chỉ một hình ảnh nhỏ bé ấy - cũng khiến người đọc nao lòng. Trái na ấy đã đến cuối vụ nhưng mẹ cũng không nỡ vặt xuống ăn mà cứ để đó phần con, đợi con về. Hình ảnh ấy cũng giống như sự chờ đợi của mẹ, sự yêu thương tằn tiện để lo cho con được no ấm. Qua bài thơ, đối chiếu lại với bản thân mình, em nhớ lại những hành động yêu thương, chăm sóc của mẹ mà tự hứa phải không ngừng học tập, rèn luyện bản thân để cha mẹ vui lòng. Như vậy bài thơ Về thăm mẹ vừa giúp học sinh hiểu hơn về thể thơ lục bát, vừa xây dựng cảm xúc thẩm mĩ về tình mẫu tử thiêng liêng.