1. Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập (trái ngược) nhau về nghĩa. Hãy chỉ ra điều đó và cho biết cách bố trí như vậy có tác dụng gì.
- Các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập:
- Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng
- Cau - ngọn xanh rờn/ Mẹ - đầu bạc trắng
- Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp
- Cau gần với giời/ Mẹ thì gần đất
=> Cách bố trí như vậy cho người đọc thấy được sự đối lập giữa hình ảnh cây tre và mẹ. Thời gian trôi đi, cây cau càng lớn, càng tươi tốt nhưng mẹ thì càng già đi. Qua đó thể hiện nỗi niềm xót xa, tình cảm của con dành cho mẹ.
2. Nêu tác dụng miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong khổ thơ dưới đây:
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ
(Đỗ Trung Lai)
- Khổ thơ sử dụng biện pháp so sánh: Miếng cau khô - Mẹ
- Tác dụng của biện pháp so sánh:
- Làm cho khổ thơ giàu hình ảnh.
- Gợi ra sự vất vả của cuộc đời mẹ. Những lo toan, khó khăn của cuộc đời đã rút cạn sức lực của mẹ.
- Thể hiện sự thấu hiểu, niềm thương cảm của con dành cho mẹ.
3. Câu hỏi "Sao mẹ ta già?" trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tình cảm của tác giả?
Câu hỏi tu từ cũng chính là câu hỏi tự vấn bản thân. Qua câu hỏi tu từ đó, người con thể hiện nỗi buồn, sự vô vọng khi không thể níu kéo thời gian chậm lại. Câu thơ thể hiện tình cảm sâu sắc, tình yêu thương của con dành cho mẹ.
4. Tìm các câu hỏi trong bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên). Tác giả sử dụng những câu hỏi đó để biểu đạt điều gì?
- Câu hỏi trong bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên): Người thuê viết nay đâu?; Hồn ở đâu bây giờ?
- Tác dụng của những câu hỏi tu từ: Tác giả sử dụng những câu hỏi tu từ để thể hiện nỗi day dứt, bất lực trước thời thế. Cảnh vật, con người vẫn như vậy nhưng thời thế thay đổi, không ai còn trọng Nho giáo, trọng chữ Nho nữa. Câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ còn thể hiện niềm tiếc thương cho một tài năng không còn được trọng vọng.