Nói và nghe: Nghe và tóm tắt ý chính của bài nói

Nội dung lý thuyết

1. Định hướng

a) Khi nghe người khác trình bày, để nắm được nội dung thông tin, cần biết tóm tắt ý chính của bài nói. Cũng giống như bản tóm tắt một văn bản viết, bản tóm tắt một bài nói có thể có độ dài khác nhau, nhưng cần nêu lại được những ý chính của bài nói ấy.

@2437565@

b) Muốn tóm tắt ý chính của bài nói, các em cần:

- Tập trung nghe nội dung của bài nói .

- Ghi lại các ý chính của bài nói theo hệ thống: ý lớn, ý nhỏ, các bằng chứng hay ví dụ minh hoạ,....

- Tùy theo yêu cầu về độ dài của bản tóm tắt để lựa chọn các ý chính của bài nói và trình bày bản tóm tắt cho phù hợp.

2. Thực hành

Bài tập: Nghe bạn thuyết trình về nội dung văn bản "Ghe xuồng Nam Bộ" đã học và ghi lại các ý chính của bài thuyết trình đó.

a) Chuẩn bị

- Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Ghe xuồng Nam Bộ.

- Chú ý các hướng dẫn trong mục Định hướng để nắm được cách tóm tắt ý chính khi nghe.

b) Thực hành nghe và ghi lại các ý chính

- Tập trung nghe bài thuyết trình về nội dung văn bản Ghe xuồng Nam Bộ

- Ghi lại các ý chính mà người nói đã trình bày dưới dạng dàn ý. Ví dụ:

+ Mở đầu, người nói nêu ý gì?

=> Người nói giới thiệu về phương tiện của người Nam Bộ là ghe xuồng.

+ Nội dung chính mà người nói nêu lên về Ghe xuồng Nam Bộ là gì?

=> Người nói giới thiệu về các loại xuồng và các loại ghe của người Nam Bộ.

+ Kết thúc, người nói nêu nội dung gì?

=> Người nói khẳng định ý nghãi của ghe xuồng Nam Bộ đối với cuộc sống con người nơi đây.

- Nhận xét những ưu điểm, hạn chế về nội dung, cách thuyết trình và thái độ của người nói.

c) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Kiểm tra lại các nội dung chính đã nghe và ghi được:

+ Nội dung thông tin nghe được đã đủ chưa? Điều gì cần hỏi lại người nói?

+ Nội dung ghi lại có theo một dàn ý rõ ràng không?

+ Đã ghi lại nhận xét về cách trình bày và thái độ của người nói chưa?

- Chú ý các lỗi khi nghe cần khắc phục (thái độ, cách trao đổi,…).