Nội dung lý thuyết
Em đã được học, được đọc về truyện ngụ ngôn. Hẳn nhiều truyện đã đưa lại cho em ấn tượng sâu sắc vì bài học rút ra từ đó rất gần gũi, thiết thực. Em hãy kể lại một truyện ngụ ngôn, nêu ý nghĩa của câu chuyện và chia sẻ cảm xúc của mình.
a. Chuẩn bị
- Chọn được truyện ngụ ngôn mà mình yêu thích.
- Nắm được cốt truyện của truyện ngụ ngôn. Có thể tóm lược nội dung truyện theo một trật tự đơn giản, dễ hiểu.
- Lưu ý những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ diễn đạt đặc sắc, giàu ý nghĩa.
- Có thể sáng tạo thêm những cách diễn đạt thú vị hơn để tăng sức hấp dẫn nhưng không làm sai lệch những yếu tố cơ bản của cốt truyện gốc.
b. Tập luyện
- Kể lại truyện trước các bạn trong nhóm, chú ý bài học được thể hiện qua câu chuyện.
- Luyện kể bằng ngữ điệu truyền cảm (giọng to/ nhỏ, cao/ thấp, nhanh/ chậm, nhấn/ lướt... thể hiện lời thoại phù hợp với đặc điểm nhân vật, cảm xúc của câu chuyện).
- Tập kết hợp lời kể với ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,...) để cuốn hút người nghe.
- Mở đầu: Tạo không khí thoải mái, thu hút sự chú ý của người nghe trước khi kể.
- Triển khai: Kể nội dung câu chuyện bằng lời kể sinh động; luôn tương tác với người nghe một cách tự nhiên (bằng lời nói, ánh mắt, cử chỉ,...). Có thể sáng tạo trong khi kể (không phải đọc thuộc lòng) để tạo sự lôi cuốn, nhưng không được làm sai lệch nội dung cơ bản của câu chuyện.
- Kết luận: Nêu ý nghĩa của câu chuyện.
- Cùng người nghe bàn luận, bình phẩm về chi tiết, hình ảnh đặc sắc, bài học đạo lí rút ra từ câu chuyện vừa kể.
- Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,...).
- Bàn bạc, trao đổi về cách sáng tạo khi kể để câu chuyện thêm thú vị, làm nổi bật bài học đạo lí và những kinh nghiệm sống mà câu chuyện ngụ ngôn muốn truyền tải.
BÀI NÓI THAM KHẢO:
Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là .... Các bạn ạ, trong cuộc sống của chúng ta, kiêu ngạo là một đức tính không đẹp. Nó không chỉ khiến chúng ta trở nên xấu đi trong mắt những người xung quanh, dần dần làm họ xa lánh chúng ta mà còn gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc khác. Hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện về tính cách này. Các bạn hãy lắng nghe và suy ngẫm về câu chuyện nhé.
Ngày xửa ngày xưa, có một con ếch sống lâu ngày trong một chiếc giếng nhỏ cùng các con vật như cua, nhái, ốc. Sống lâu ngày trong chiếc giếng khiến ếch ta không hiểu biết về thế giới bên ngoài và trở nên rất kiêu ngạo. Hằng ngày, ếch thường ra oai với các con vật xung quanh bằng cách kêu "ồm... ộp..." khiến các con vật rất sợ hãi. Ếch rất vênh váo, nghĩ mình là chúa tể, không một loài vật nào có thể to lớn hơn nó. Ngay cả ông trời cũng chỉ bằng một chiếc vung thôi.
Bỗng nhiên một ngày, trời đổ mưa lớn. Nước trong giếng dâng cao. Ếch theo dòng nước đi ra ngoài. Đến một thế giới rộng lớn, ếch nhìn cái gì cũng thấy lạ nhưng tính cách của ếch thì không thay đổi. Nó vẫn nghĩ mình là chúa tể và đi lại rất huênh hoang, cất tiếng kêu "ồm... ộp..." để ra oai, dọa nạt mọi người. Ếch đi lại không để ý xung quanh nên đã bị một con trâu dẫm bẹp.
Các bạn thấy đấy. Ếch đã phải trả một cái giá rất đắt vì tính cách kiêu căng, coi thường người khác của mình. Qua câu chuyện của ếch, ta thấy được rằng chúng ra không nên sống cao ngạo, coi thường người khác, cần biết khiêm tốn, thật thà. Ngoài ra, chúng ta cần không ngừng học hỏi, tìm hiểu, khám phá thế giới để có cái nhìn đúng đắn.
Câu chuyện của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.