Đọc hiểu văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890-1969), quê ở Nghệ An.

- Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đưa nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

- Không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại, Người còn là một nhà thơ, nhà văn, một Danh nhân văn hóa thế giới. Người có rất nhiều tác phẩm thơ văn, áng văn chính luận xuất sắc.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

- Văn bản được trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, 2-1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay).

- Tên bài do người soạn sách đặt.

@2316349@

b. Thể loại

Văn bản nghị luận.

c. Bố cục

3 phần:

- Phần 1: từ đầu đến "lũ bán nước và lũ cướp nước".

- Phần 2: tiếp đến "lòng nồng nàn yêu nước".

- Phần 3: Còn lại

@2316293@

II. Khám phá văn bản

1. Vấn đề bàn luận: lòng yêu nước của nhân dân ta

"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta." 

=> Đưa ra vấn đề bàn luận trực tiếp: truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc ta. 

- "Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước."

=> Sử dụng biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, điệp từ cùng các động từ mạnh để diễn tả tinh thần yêu nước mạnh mẽ, sục sôi, khẳng định sức mạnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta và thể hiện niềm tự hào về truyền thống quý báu của dân tộc.

@2316414@

2. Những biểu hiện của lòng yêu nước

- Tác giả đưa ra những dẫn chứng về tinh thần yêu nước:

  • Trong lịch sử có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại với những con người anh hùng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…
  • Trong hiện tại, nhân dân ta cũng có tinh thần yêu nước mãnh liệt:
    • Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc.

    • Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc.

    • Những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội.

    • Những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải.

    • Những bà mẹ yêu thương bộ đội như con đẻ của mình.

    • Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất.

    • Những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ…

=> Đó là những con người bình thường, giản dị nhưng họ lại có lòng yêu nước phi thường, vượt lên trên tất cả những lợi ích cá nhân. Những việc làm của họ đều xuất phát từ lòng yêu nước. Có thể thấy, con người Việt Nam ta dù trong quá khứ hay hiện tại, dù còn trẻ hay đã già, dù làm bất cứ công việc gì, ai cũng có một lòng yêu nước sâu sắc. Tình cảm quý báu ấy có thể được bộc lộ rõ ràng, dễ thấy nhưng cũng có thể khuất lấp, âm ỉ cháy trong mỗi người, chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt nó mới được bộc lộ.

=> Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, làm sáng tỏ vấn đề được bàn luận.

@2316507@

3. Ý nghĩa của lòng yêu nước và trách nhiệm của công dân

- "Tinh thần yêu nước giống như các thứ của quý."

=> Tác giả khẳng định ý nghĩa của tinh thần yêu nước. Nó quý báu, cần được trân trọng, giữ gìn, phát huy.

- Trách nhiệm của công dân: "Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến."

=> Mỗi người cần có trách nhiệm thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể. 

III. Tổng kết

1. Nội dung

Văn bản làm sáng tỏ tinh thần yêu nước - một truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc Việt Nam. Qua văn bản, độc giả cảm thấy tự hào về những giá trị cao quý của dân tộc.

2. Nghệ thuật

- Bố cục chặt chẽ.

- Luận điểm rõ ràng, thuyết phục.

- Dẫn chứng cụ thể, phong phú, xác đáng.

- Diễn đạt trong sáng, dễ hiểu nhưng giàu sức thuyết phục.