Nội dung lý thuyết
Đề bài:Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt
Bài làm
Truyện ngắn “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm 1945 để diễn tả được cái đói có sức nặng như thế nào, nhưng ngụ ý của tác giả chính là việc dựa trên nạn đói để lột tả tính cách “trong như ngọc sáng ngời” của những con người, những mảnh đời lầm thân. Nhân vật bà cụ Tứ là một hình tượng điển hình cho người đàn bà nghèo khổ đến cùng cực nhưng có tính yêu thương con đến vô bờ bến. Hẳn rằng người đọc sẽ không bao giờ quên những lời mà Kim Lân đã dành cho bà.
Kim Lân rất khôn khéo khi lựa chọn thời điểm thích hợp để bà cụ Tứ xuất hiện, tại sao không phải là đầu câu chuyện mà lại ở giữa câu chuyện. Tác giả muốn gợi lên cái nghèo đói đến thê lương của xóm ngụ cư này, lấy nó làm nền, làm đòn bẩy để đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm của người đàn bà này.Bà Tứ xuất hiện từ khi Tràng đưa vợ về nhà, và diễn biến tâm lý của bà cụ thay đổi liên tục từ khi có một người đàn bà khác xuất hiện trong ngôi nhà của mình.
Như những bà mẹ Việt Nam nghèo khổ khác trong thời kỳ cách mạng tháng tám, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ nghèo, bị cái đói làm cho cùng cực, suy nghĩ quá nhiều. Bà cụ Tứ xuất hiện thật rõ nét qua lời kể tác giả “Từ ngoài rặng tre, bà lọng khọng đi vào. Tính bà vẫn thế, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. Nhưng hôm nay khác, thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ và gọi ới vào trong nhà: U đã về đấy! Anh con trai lật đật chạy ra đón mẹ từ ngoài cổng và trách sao bà về muộn”. Một bà cụ dáng dấp đã không còn nhanh nhẹn, tháo vát nữa mà phải “lọng khọng” đi vào nhà gợi nên một thảm cảnh thê lương đến não lòng.
Đặc biệt sự thay đổi bất ngờ khi bà nhìn thấy người đàn bà lạ ngồi ngay giữa nhà mình “Bà cụ Tứ phấp phỏng bước vào theo con vào nhà. Phấp phỏng vì ling tính cho bà biết trong nhà hẳn xảy ra chuyện gì. Mà quả đúng như vậy. Mới đến giữa sân, bà đứng sững lại và càng ngạc nhiên hơn. Trong nhà bà có người, lại là đàn bà. Người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Bà chưa gặp, bà không quen bao giờ. Người ấy lại đướng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?.. Ai thế nhỉ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu bà lão. Hay bà già rồi, trông gà hoá cuốc. Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải.. Không phải bà trông gà hoá cuốc, không phải mắt bà nhoèn. Đúng là có người rồi. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.”. Người mẹ nghèo một đời khốn khó như vậy làm sao có thể không ngạc nhiên cho được khi bà đã hiểu ra cơ sự này. Bà thương mình, thương con và thương cho người đàn bà lạ kia. Giữa cảnh chết choc như ngả rạ, nạn đói hoành hành, cái ăn chẳng có, lại còn rước thêm người như thế này bà không lo, không buồn sao được.
Bà nghĩ đến cái cảnh người ta dựng vợ gả chồng cho con cái trong lúc ăn nên làm ra, đằng này con trai bà lấy vợ trong cảnh bần hàn, thiếu thốn đủ đường thế này. Bà thương mình bao nhiêu thì thương cho con gấp bội phần, bà cảm thấy tủi nhục khi không thể mang lại ấm no và hạnh phúc cho đứa con trai tội nghiệp. Bà thương cho người đàn bà héo hon kia cũng vì đói, vì không còn gì nên mới theo Tràng về làm vợ. Chao ôi những suy nghĩ của bà cụ Tứ thật khiến người ta đau lòng, não nề, khiến người ta xót thương nhưng chẳng biết cách nào có thể thương lấy bà, thương lấy những con người trong thời đại này.
Kim Lân đã rất thành công khi phác họa hình ảnh bà cụ Tứ đầy ám ảnh trong lòng người đọc đến như vậy.
Hơn hết diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ thay đổi rất đột ngột, nhưng sự thay đổi đó là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ rằng bà đã chấp nhận người vợ “nhặt” của đứa con, cũng giống như việc chấp nhận sẽ gánh thêm cái khổ, cái đói, cái nghèo cùng với các con. Cái cách bà cụ Tứ dặn dò đôi vợ chồng trẻ thật khiến con người ta cảm phục “ Nhà ta nghèom liệu mà bảo nhau làm ăn. Khi anh Tràng bước dài ra sân, bà động viên nàng dâu: Rồi may ra ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Rồi ra thì con cái chúng mày về sau.”. Sự ân tình, chu đáo của người mẹ nghèo khiến đôi vợ chồng trẻ cảm động, không biết nói gì hơn, bà đã chấp nhận “người vợ mới” của đứa con, chấp nhận cả cái đói nghèo mà gia đình bà mang.
Bà ân tình với con dâu, nói cho con dâu yên lòng rằng nhà nghèo, nếu có thì làm dăm ba mâm nhưng nhà mình nghèo nên động viên con dâu có gắng. Chi tiết này đã cho thấy sự đồng cảm giữa một người phụ nữ nghèo với một người phụ nữ nghèo. Sự gắn kết này sẽ mang lại một hơi ấm và sức sống cho gia đình sau này.
Ôi chao, cái đói nghèo hoành hành, con người không lo sao được. Thương cho bà cụ Tứ, thương cho người đàn bà nghèo và thương cho những người sống trong cảnh khốn đốn đó.
Hình ảnh “nôi cháo cám” sau đêm tân hôn của con mà người mẹ này mang đến thực sự khiến chúng ta cảm động đến rơi nước mắt. Nồi cháo cám ấy không còn nguyên giá trị thực như nó vẫn mang, nó là hiện thân của tình yêu thương con vô bờ bến, đức hi sinh lớn lao của người mẹ nghèo dành cho những đứa con. Nồi cháo cám là chi tiết cực kỳ đắt giá của câu chuyện, nhân phẩm và lòng vị tha, yêu thương của bà cụ Tứ cũng từ chi tiết này mà được nhân lên gấp bội, gấp vạn lần.
Hẳn người đọc sẽ không bao giờ quên đi hình ảnh bà cụ Tứ gắn với nồi cháo cám ở cuối truyện, bà kể toàn chuyện vui cho các con nghe với hi vọng có một tương lai đỡ khổ, đỡ nhọc nhằn hơn. Một tình yêu đáng ngưỡng mộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện thực dường như không thể đánh gục được tình yêu thương giữa con người với con người với nhau.
Bằng bút pháp khắc họa diễn biến tâm lý sâu sắc, Kim Lân đã để lại trong lòng người đọc những dư âm khó phai về hình ảnh bà cụ Tứ nghèo đó nhưng vẫn ánh lên tình yêu thương đáng ngưỡng mộ. Bà cụ Tứ là hiện thân của những gì cao đẹp nhất của một con người, một nhân cách.