Đề bài : Kể lại truyện "Tấm Cám" theo lời nhân vật Tấm

Nội dung lý thuyết

Đề bài : Kể lại truyện "Tấm Cám" theo lời nhân vật Tấm

Bài làm

        Tôi tên là Tấm. Mẹ mất sớm, cha tôi ở vậy được hơn một năm thì lấy vợ kế. Dì ghẻ sinh đứa con gái đặt tên là Cám. Khi tôi tròn mười lăm tuổi thì cha tôi qua đời.

         Vốn rất ghét tôi nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà, dì ghẻ đổ cả lên đầu tôi. Chăn trâu, cấy lúa, xay thóc, giã gạo,...... vừa xong việc này dì bắt làm ngay việc khác; trong khi đó, Cám được rong chơi. Cậy thế mẹ, Cám thường mắng mỏ, buộc tôi phải hầu hạ nó. Thui thủi một mình, tôi buồn khổ lắm và chỉ biết khóc thầm.

         Một hôm dì ghẻ bảo : " Sáng nay hai đứa ra đồng mò tép. Đứa nào bắt được đầy giỏ, ta sẽ thưởng cho cái yếm đào !". Nghe lời dì nói, tôi mừng thầm và tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để đoạt được phần thưởng quý giá mà cô gái nào cũng mơ ước.

          Tôi và Cám mang giỏ cùng đi. Chẳng ngại vất vả, bẩn thỉu, tôi lội xuống ruộng, xuống mương hì hục mò, còn Cám thì cứ nhởn nhơ rong chơi. Lúc mặt trời đã lên cao, giỏ của tôi gần đầy. Tôi rửa chân tay qua loa rồi lên bờ ngồi nghỉ. Bỗng Cám đến gần bảo : " Chị Tấm ơi chị Tấm ! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng." Tưởng thật, tôi lội xuống ao gội đầu thật kĩ.

           Xong xuôi, tôi vui vẻ hỏi : " Cám ơn ! em xem giùm chị đã sạch chưa ?". Không một tiếng trả lời. Tôi ngẩng nhìn bốn phía, chẳng thấy Cám đâu, chỉ có chiếc giỏ của tôi nằm lăn lóc bên vệ cỏ. Tôi mở ra xem, trong giỏ rỗng không. Thì ra Cám đã lừa để trút hết giỏ tép của tôi, mang về trước.

           Vừa tức giận, vừa tủi thân, tôi ôm mặt khóc. Bỗng nhiên có một giọng nói trầm ấm vang bên tai tôi : " Vì sao cháu khóc?" Tôi ngẩng lên nhìn, trước mắt tôi, Bụt hiện ra giữa một vầng  hào quang lấp lánh. Tôi thuật lại câu chuyện, Bụt ân cần bảo : " Cháu xem kĩ lại trong giỏ có còn sót con cá nào chăng !". Tôi ghé mắt nhìn vào thì thấy một con cá bống bé xíu nằm dưới đáy giỏ. Theo lời Bụt dặn, tôi đem cá bông ấy về thả xuống giếng, mỗi ngày bớt một ít cơm để nuôi nó. Mỗi lần cho ăn, tôi lại gọi bống bằng câu Bụt dạy :

"Bống bống bang bang

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người"

            Bống ngoi lên mặt nước, đớp những hạt cơm mà tôi rắc xuống. Từ đó, tôi và cá bống trở thành bạn thân. Cá bống ngày một lớn lên trông thấy.

            Để ý thấy tôi sau bữa cơm chiều thường ra giếng gánh nước, dì ghẻ sinh nghi, sai Cám đi rình. Cám nấp sau bụi cây, nghe tôi gọi bống bèn nhẩm theo cho thuộc rồi về kể cho mẹ nghe. Đến tối, dì ghẻ bảo tôi :

 - Con ơi, Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.

            Tôi vâng lời, sáng hôm sau dẫn trâu đi ăn cỏ thật xa. Ở nhà, Cám bắt chước tôi gọi bống. Nghe đúng câu hát, bống ngoi lên thì bị dì ghẻ trực sẵn, bắt làm thịt.

            Đến chiều, tôi dắt trâu về, theo thường lệ, ăn xong tôi lại giấu cơm trong thùng gánh nước đem ra cho bống. Tôi gọi mãi, gọi mãi mà chẳng thấy bống đâu. Chỉ có một cục máu đỏ tươi nổi lên mặt nước.

            Tôi oà khóc. Bụt hiện lên hỏi :" Làm sao con khác ?" Tôi kể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo : " Con bống của con đã bị người ta ăn thịt mất rồi. thôi, con hãy nín đi rồi tìm nhặt xương nó, kiếm bốn cái lọ bỏ vào, đem chôn dưới bốn chân giường con nằm."

            Tôi tìm khắp xó vườn, góc sân mà không thấy gì cả. Tự nhiên, một con gà cất tiếng : "Cục ta cục tác ! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho !". Tôi lấy nắm thóc ném cho gà. Gà chạy vào bới đống tro bếp một lúc thì tìm  thấy xương bống. Tôi nhặt bỏ vào bốn chiếc lọ nhỏ, chôn dưới bốn chân giường đúng như Bụt dặn.

            Tết đến, xuân về, nhà vua mở hội trong mấy ngày đêm. Già trẻ, gái trai nô nức đi xem hội. Mọi người ăn mặc đẹp, dập dìu tuôn về kinh thành như nước chảy. Mẹ con Cám cũng sắm sửa quần áo mớ ba mớ bảy háo hức đi trẩy hội.

             Thấy tôi cũng muốn đi, dì ghẻ hấm hứ nguýt dài. Chẳng biết nghĩ sao, dì lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc rồi bảo : " Mày nhặt cho xong chỗ gạo này rồi đi đâu hẵng đi, đừng có bỏ dở. Tao về mà không có gạo thổi cơm là tao đánh cho!"

            Nói xong, hai mẹ con Cám đi xem hội. Tôi ngồi nhặt một hồi lâu mà chỉ được chút ít, sốt ruột, nghĩ nhặt thế này thì biết bao giờ mới xong ? Biết dì ghẻ độc ác không muốn cho đi xem hội, tôi tủi thân, bật khóc nức nở.  Bụt lại hiện ra hỏi :"Vì sao con khóc?". Tôi chỉ vào cái thúng đựng thóc trộn lẫn gạo rồi kể sự tình. Bụt bảo tôi mang thúng ra đặt giữa sân rồi sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp. Tôi sợ chim ăn mất thì Bụt dạy :

- Con cứ bảo chúng nó thế này : "Rặt rặt xuống nhặt cho tao. Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết". Chúng sẽ không ăn của con đâu !

          Thoáng chốc, đàn chim sẻ đã nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, không mất một hạt. Nhưng khi chúng đã bay đi rồi, tôi chợt nghĩ mình làm gì có quần áo đẹp mà đi xem hội. Tủi thân tủi phận tôi lại rơi nước mắt. Bụt bảo tôi hãy đào 4 chiếc lọ đựng xương bống ở dưới chân giường lên, sẽ có đủ. Tôi làm đúng theo lời Bụt, quả nhiên điều kì lạ xảy ra : Lọ thứ nhất có một bộ quần áo mớ ba mớ bẩy và một cái váy lụa, một yếm lụa đào và chiếc khăn nhiễu. Lọ thứ hai có một đôi hài thêu đi vừa như in. Lọ thứ 3 có 1 con ngựa bé tí nhưng vừa đặt xuống đất thì nó hí vang, to bằng ngựa thật. Lọ cuối cùng có một bộ yên cương xinh xắn.

           Tôi mừng rỡ vô cùng, vội cảm tạ Bụt rồi tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ quần áo đẹp vào và cưỡi kên lưng ngựa. Ngựa phi rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến kinh đô. Lúc ngựa phóng qua chỗ lội, tôi đánh rơi chiếc hài xuống nước không kịp nhặt lên. Đến đám hội, tôi dừng ngựa, lấy khăn gói chiếc hài còn lại rồi chen vào biển người.

         Kiệu vàng của nhà vua vừa đến chỗ lội thì hai con voi dẫn đầu không chịu đi cứ cắm ngà xuống đất và kêu rống lên. Biết có sự lạ, nhà vua sai quân lính thử tìm xem. Họ nhặt được chiếc hài thêu của tôi, vội trình nhà vua. Nhà vua cầm chiếc hài lên, ngắm nghía mãi rồi buột miệng khen : "Chiếc hài xinh quá ! Người đi vừa chiếc hài này hẳn là một tuyệt sắc!"

         Vua ra lệnh cho tất cả đàn bà, con gái thử hài và tuyên bố ai đi vừa thì sẽ cưới làm hoàng hậu. Đám hội lại càng náo nhiệt. Các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử hài nhưng không ai đi vừa. Mẹ con Cám cũng vào cầu may. Lúc tôi bước ra thử, nhìn thấy tôi, Cám liền mách mẹ nhưng dì ghẻ không tin, bĩu môi nói :" Con nỡm ! Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!"

        Tôi là người thử cuối cùng. Chân tôi đặt vừa như in. Tôi mở khăn lấy chiếc hài còn lại đi vào. Hai chiếc giống nhau như đúc. Lính hầu hò reo vui mừng báo với vua. Lập tức vua sai đoàn thị nữ rước tôi về cung. Tôi bước lên kiệu trước vẻ mặt ngơ ngác và hằn học của mẹ con Cám.

         Tôi được sống sung sướng, hạnh phúc bên nhà vua trẻ. Đến ngày giỗ cha, tôi xin phép về giúp dì và em sửa soạn giỗ cúng. Thấy tôi được làm hoàng hậu, hai người ghen ghét nhưng cố giấu. Dì bảo tôi trèo cau, lấy một buồng để cúng cha. Tôi vừa leo lên đến ngọn thì dì chặt gốc. Cau đổ, tôi ngã xuống ao chết đuối. Dì ghẻ lấy quần áo của tôi cho Cám mặc rồi đưa vào cung, nói dối vua rằng tôi chẳng may chết, nay cho em gái thay thế.

         Hồn tôi biến thành chim vàng anh, suốt ngày quanh quẩn ở vườn ngự uyển. Cám giặt áo cho vua, đem ra phơi ở bờ rào, tôi hót :" Phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao". Rồi bay thẳng vào cung, đậu ở cửa sổ. Nhà vua đang ủ ê, buồn bã, chắc nhớ thương người vợ bạc mệnh. Thấy tôi cứ quanh quẩn bên cạnh, vua bảo : " Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo". Tôi âu yếm đậu lên vai rồi rúc vào tay áo vua. Một chiếc lồng bằng vàng được làm cho tôi ở. Nhà vua suốt ngày quấn quýt bên tôi, chẳng hỏi han gì đến Cám.

         Nhân lúc nhà vua đi vắng, mẹ con Cám bắt tôi làm thịt rồi vứt lông ra vườn. Thấy mất vàng anh, vua hỏi thì Cám đặt điều nói dối : " Thiếp có mang, thèm ăn thịt chim nên trộm phép bệ hạ đã giết ăn thịt mất rồi". Nhà vua giận lắm nhưng không nói gì. Ngày hôm sau, từ đám lông chim mọc lên hai cây xoan đào thật đẹp. Khi nhà vua đi dạo trong vườn, cây xoè cành lá che đầu vua, giống như hai cái lọng. Vua thấy vậy sai quân lính mắc võng vào giữa hai thân cây rồi chiều chiều ra nằm đong đưa hóng mát.

         Cám lại đem chuyện ấy mách mẹ. Nhân một hôm gió bão, dì ghẻ xúi nó sai thợ chặt hai cây xoan đào rồi đóng khung để dệt áo cho vua. Hồn tôi nhập vào khung cửi nên mỗi lần Cám ngồi vào dệt, khung cửi lại phát ra tiếng kêu đầy đe doạ :

 Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị

Chị khoét mắt ra !

           Cám hoảng hồn mách với mẹ. Dì ghẻ  bảo hãy đốt khung cửi thành tro rồi đem đổ thật xa. Cám làm theo, nhưng từ đống tro bỗng mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá xanh tươi. Đến mùa, cây thị ra nhiều hoa mà chỉ đậu có mỗi một quả. Hồn tôi náu trong quả thì vàng thơm ấy.

           Một hôm, bà lão hàng nước ở gần đấy đi ngang qua, ngửi thấy mùi thơm bèn ngẩng lên nhìn rồi giơ miệng bị ra lầm bẩm :

- Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.

           Trái thị liền rụng xuống. Bà lão vui mừng mang về cất vào buồng, thỉnh thoảng lại đem ra ngắm nghĩa. Những lúc bà lão đi chợ hoặc vắng nhà, tôi từ quả thị bước ra, dọn dẹp nhà của, nấu sẵn cơm dẻo canh ngọt cho bà lão.

            Bà lão thấy lạ, có ý tìm ra sự thật. Một lần vờ đi chợ, được một lúc thì bà lão quay lại. Tôi đang lúi húi làm việc nhà như mọi khi thì bà lão bước vào, ôm chầm lấy tôi rồi xé nát vỏ quả thị. Từ đó, bà coi tôi như con gái. Tôi giúp bà gói bánh, nấu nước, têm trầu để bà ngồi bán hàng.

            Ít lâu sau, một hôm có người đàn ông trẻ tuổi ghé vào quán nước. Nhìn thấy miếng trầu cánh phượng, người ấy hỏi ai têm, bà lão đáp là con gái mình têm. Tôi đứng đằng sau bức mành, nghe rõ câu chuyện và nhận ra nhà vua. Nhà vua năn nỉ bà lão đưa con gái ra cho mình xem mặt. Tôi vừa xuất hiện, nhà vua nhận ra ngay bèn bảo bà lão thuật lại sự tình, rồi ra lệnh cho lính hầu mang kiệu rước tôi về cung.

          Mẹ con Cám thấy vậy thì hết sức sợ hãi. Cám hỏi tôi làm thế nào để trẻ đẹp được như thế, tôi bảo muốn đẹp thì tôi sẽ giúp. Tôi sai quân hầu nấu một nồi nước sối, rồi bảo Cám đứng xuống hố. Cám bằng lòng. Lính đổ nước sôi vào hố, Cám chết nhăn răng. Dì ghẻ thấy vậy kinh hoàng cũng lăn đùng ra chết. Tôi được sống yên ổn hạnh phúc bên nhà vua. Tình cảm vợ chồng lại càng thắm thiết, mặn nồng hơn trước.