Đề bài : Cảm nghĩ về nẻo đường tuổi thơ qua ca dao

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài : Cảm nghĩ về nẻo đường tuổi thơ qua ca dao 

Bài làm

           Thơ văn dân tộc in đậm trong lòng em hình ảnh đất nước quê hương. Yêu lắm, yêu nhiều những nẻo đường tuổi thơ, con đường đi học rợp cánh bướm vàng bay và huyên náo tiếng chim. Yêu con đường trăng trong ca dao có nàng thôn nữ tát nước múc cả ánh trăng vàng đổ đi. Yêu con đường quanh quanh dẫn hồn em đến những chân trời xa xôi có “non xanh nước biếc như tranh họa đổ”. Có con đường năm nhớ mười thương dẫn ta tới Đồng Đăng, Kì Lừa thăm nàng Tô Thị… Có con đường dẫn ta trở về cội nguồn mà lòng bồi hồi với khói hương trầm trong ngày giỗ.

“Dù ai đi ngược vê xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”.

           Có những con đường xuôi ngược, lắm thác nhiều ghềnh như thử thách chí can trường tuổi trẻ. Ta mở rộng tầm nhìn đất nước quê hương:

“Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”

          Lên rừng hay xuống biển, non nước quê ta đâu đâu cũng đẹp như tranh:

“Hải Vân bát ngát ngàn trùng
Hòn Hồng ở đấy là trong Vịnh Hàn”

          Tình yêu cao cả dạt dào như vậy, nên trong tư duy hình tượng của mình, nhân dân ta đã muốn cùng hóa công xây đắp cho cảnh vật của đất nước ngày thêm tráng lệ:

“Ta về ta dựng mây lên,
Trời xe mây lại một bên hòn lèn”…

          Thật vậy, con đường quê hương đất nước cũng là con đường tuổi thơ. Nẻo đường ca dao như dẫn tâm hồn tuổi thơ chúng ta đi đến mọi chân trời ước vọng.