Đề bài : Cảm nghĩ của em về cảnh chia tay đầy nước mắt giữa Thủy với cô giáo Tâm và các bạn lớp 4B

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài : Cảm nghĩ của em về cảnh chia tay đầy nước mắt giữa Thủy với cô giáo Tâm và các bạn lớp 4B

Bài làm

       "Cuộc chia tay của những con búp bê" có bao nhiêu cảnh buồn đau tê tái. Cảnh Thành và Thủy "nức nở" nước mắt "tuôn ra như suối" ướt đẫm cả gối và hai cánh tay áo giữa đêm khuya. Cảnh hai anh em chia nhau đồ chơi nhưng không muốn chia rẽ con Vệ Sĩ và con Nhỏ Em. Cảnh Thành "mếu máo", đứng như chôn chân xuống đất, nhìn theo cái bóng nhỏ liêu xiêu của em gái trèo lên xe...... Và còn có cảnh chia tay đầy nước mắt giữa Thủy với cô giáo Tâm và các bạn lớp 4B. Nỗi đau buồn tê tái cứ bám lấy lòng ta, không kìm giữ được, nước mắt cứ ứa lăn dài theo gò má.

       Buổi sáng hôm ấy, Thành dẫn em gái đến trường. Hai anh em đi chậm chậm trên con đường đất đỏ quen thuộc của thị xã quê hương nhưng Thủy đôi lúc đột nhiên dừng lại "dừng lại, mắt cứ nhìn đau đáu" vào một gốc cây, một cái nhà, một cảnh quen thuộc thời thơ ấu trên đường đi học.

       Mãi đến gần trưa, hai anh em mới ra đến trường học. Thủy " đứng nép vào một gốc cây" nghe cô giáo giảng bài. Thủy "cắn chặt môi im lặng". Đôi mắt "đăm đăm" nhìn khắp sân trường. Cột cờ, tấm bảng tin, những vạch ô ăn quan trên hè gạch, ...tất cả là kỉ niệm tuổi thơ mà em sắp giã biệt. Càng nhìn em càng đau đớn, rồi em "bật lên khóc thút thít". Thủy khóc vì trước bi kịch gia đình, em biết không bao giờ được cùng các bạn nhỏ học tập và vui chơi ở ngôi trường thân yêu tuổi thơ nữa.

      Cô giáo Tâm đã nhìn thấy Thủy và "sửng sốt" kêu lên : "Ôi em Thủy!". Thủy bật lên khóc "nức nở", bước vào lớp và nói : "Thưa cô em đến chào cô..". Hình ảnh cô giáo Tâm ôm chặt lấy Thủy nói " Cô thương em lắm!" đã làm cho thấy nỗi đau buồn củ cô giáo không thể nào kể xiết.

     Cảnh học sinh lớp 4B sau khi nghe cô giáo nói về cảnh ngộ đau lòng của Thủy là một cảnh vô cùng cảm động. Sự đồng cảm, xót xa, nỗi đau như được san sẻ qua tiếng "ồ", qua tiếng khóc "thút thít" của đám trò nhỏ. Nỗi đau buồn như được nhân lên qua nhiều lần.

     Chi tiết Thủy "không dám nhận" quyển sổ cùng với chiếc bút máy nắp vàng - món quà của cô giáo Tâm tặng đã làm cho ta đau lòng vì Thủy " không được đi học nữa". Vì em sẽ ở với bà ngoại "ở xa trường học lắm", em phải đi bán hàng để kiếm sống. Tuy còn mẹ, còn bố, còn bà nhưng Thủy khác nào một em bé mồ côi. Qua đó ta càng thấy sợ khi cha mẹ bỏ nhau. Những đứa em thơ sẽ bị thất học, phải lê la đầu đường xó chợ để kiếm sống. Chính vì thế mà cô giáo Tâm tái mặt kêu lên "Trời ơi!", nước mắt "giàn giụa". Các bạn nhỏ khóc mỗi lúc một to hơn khi nghe Thủy nói về cảnh ngộ thương tâm của mình. Hình ảnh nhiều thầy cô giáo ngừng giảng bài, ái ngại nhìn theo khi Thành dắt em gái ra khỏi lớp cũng là một chi tiết rất cảm động về vòng tay nhân ái được siết chặt lại trước nỗi đau của trẻ thơ, đồng loại.

      Có thể nói đây là một đoạn văn thấm đầy lệ đã để lại trong lòng em nhiều xót xa, thương cảm. Khánh Hoài đã viết lên một truyện ngắn đặc sắc, cảnh báo một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, gây tổn hại đến tâm hồn tuổi thơ, hạnh phúc tuổi thơ. Quê hương là đường đi học /Con về rợp bướm vàng bay nhưng với bé Thủy thì còn đâu ?