Đề bài : Bình luận câu : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp" - Thân Nhân Trung (1418-1499) viết năm 1484, thời Hồng Đức.

Nội dung lý thuyết

Đề bài : Bình luận câu : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp" - Thân Nhân Trung (1418-1499) viết năm 1484, thời Hồng Đức.

Bài làm 1 :

        Văn miếu Quốc Tử Giám hiện còn 82 tấm bia Tiến sĩ. Đó là một trong những dấu tích tuyệt vời của tổ tiên ông cha để lại, là biểu thượng vàng son của nền văn hiến Đại Việt lâu đời.

        Năm 1070, vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lập Văn miếu nhưng đến năm năm sau (1075) dưới triều đại Lý Nhân Tông (1072-1127) mới mở khoa thi " tam trường" đầu tiên để chọn người có học. Khoa thi Ất Mão ấy đã chọn được hơn mười người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Lúc bấy giờ cho đến gần ba thế kỉ sau, vẫn chưa có lễ khắc tên tiến sĩ vào bia đá dựng ở Văn Miếu. Mãi đến năm 1484, dưới thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông mới sai Thân Nhân Trung (1418-1499) viết " Bài kí" đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) khắc vào bia đá, phần dưới ghi rõ tên 33 vị tiến sĩ.

        Đây là câu văn trong phần đầu bài kí ấy, được nhiều người truyền tụng, ngợi ca : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp"  

        Câu văn trên đây có hai ý. Ý thứ nhất chỉ rõ bản chất của hiền tài. Ý thứ hai nêu bật mối quan hệ giữa nguyên khí với vận mệnh của quốc gia, với sự hưng - vong và thịnh - suy của đất nước.

         Hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức. Nguyên khí là khí chất ban đầu, tinh túy nhất, tốt đẹp nhất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội. Những người đậu tiến sĩ, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu (phần đông) là hiền tài của quốc gia Đại Việt.

          Tại sao hiền tài là nguyên khí của quốc gia ? Nguyên khí có nhiều loại như thiên khí, địa khí, nhân khí, dương khí, âm khí,..... Vạn vật trong đó có con người đều được những nguyên khí ấy tạo nên. Nhưng chỉ có hiền tài mới là nguyên khí của quốc gia; hay nói cách khác : nguyên khí của quốc gia, ấy là hiền tài.

          Sỏi đá thì nhan nhản khắp nơi nhưng vàng ngọc thì rất quý hiếm. Con người cũng vậy. Trong bốn giai tầng xã hội : sĩ, nông, công, thương - cách sắp xếp của người xưa thì hiền tài thường xuất hiên trong giai tầng nào ? Tại sao lại có quân tử và tiểu nhân trong xã hội ? Tại sao lại có câu tục ngữ : " Người ba đấng, của ba loài". Hiền tài không có nhiều vì là " nguyên khí của quốc gia". Trong hàng triệu người mới có vài hiền tài, nhân tài, thiên tài, còn số đông là người bình thường, thậm chí còn ngu đần, dốt nát.

         Vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia nên mới được ghi tên vào bảng vàng bia đá, được nhân dân ngưỡng mộ, ngợi ca. Tên tuổi những con người vĩ đại như Ngô Quyền, vua Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh,..... là những bậc hiền tài, là những người con vĩ đại của dân tộc, là nguyên khí của quốc gia Đại Việt, tên tuổi mãi mãi sáng ngờ sử sách.

          Thân Nhân Trung viết : " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" với tinh thần ngợi ca tôn vinh và tự hào những bậc hiền tài của đất nước đồng thời lưu ý việc bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài để xây dựng và phát triển đất nước.

           Vai trò của hiền tài, mối quan hệ của hiền tài với quốc gia quan trọng như thế nào ? Thân Nhân Trung đã chỉ rõ : " Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy yếu thì thế nước yếu, rồi xuống thấp" . Đất nước có lúc hưng thịnh, có lúc suy vong. Lúc nguyên khí thịnh mới xuất hiện nhiều hiền tài. Hiền tài nảy nở như hoa mùa xuân là khi nguyên khí thịnh. Hiền tài mới có thể đem tài thao lược, tài kinh bang tế thế giúp vua giúp nước, dẹp loạn, đánh tan lũ giặc ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang việc học hạnh, làm cho dân giàu nước mạnh, thái bình yên vui.

            " Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao", mới có " hào khí Đông A" để Đại Việt ba làn chiến thắng giặc Nguyên Mông, mới có Nguyễn Trãi " viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời" đã cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, làm cho

" Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới.....

              Muôn thuở nền thái bình vững chắc", có vị thánh quân Lê Thánh Tông và các vị hiền tài khác mới có thời đại Hồng Đức (1470-1497), nước Đại Việt toàn thịnh, "thế nước mạnh rồi lên cao", đất nước thanh bình, trăm họ yên vui, ấm no, hạnh phúc :

" Nhà nam, nhà bắc đều no mặt

Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình"

(Vịnh canh một - "Hồng Đức quốc âm thi tập")

              Đọc lịch sử, dõi theo thời cuộc, ta càng thấy rõ, đúng như Thân Nhân Trung đã nói :" Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp" . Khi nguyen khí suy thì không có nhân tài, hiền tài hoặc nhân tài, hiền tài bị bạc đãi, không được trọng dụng. Lúc ấy vua chỉ là những kẻ như Lê Long ĐĨnh (Lê Ngọa Triều) hoang dâm vô độ, tàn ác như Kiệt, Trụ ngày xưa ở Trung Quốc; như Lê Uy Mục (vua quỷ), Lê Tương Dực (vua lợn).... thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Lúc ấy đất nước loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp mọi nơi, mới có bè lũ Lê Chiêu Thống rước voi về giày mả tổ, Tôn Sĩ Nghị và 29 vạn quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta. Đó là bài học học lịch sử khi " nguyên khí suy"

           Phần lớn nhân tài, hiền tài xuất hiện trong lớp trí thức. Nếu coi trí thức là " cục phân" như kẻ nào đó đã nói thì làm sao có hiền tài ! Hiền tài phải được vun trồng, bồi dưỡng. Nhân tài, hiền tài đối với quốc gia có quan hệ rất lớn. Đúng như Thân Nhân Trung đã chỉ rõ : " Các vị thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên"

           Đất nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự nghiệp vĩ đại ấy cần có nhiều nhân tài, hiền tài để làm cho non sông Việt Nam " được vẻ vang sáng vai cùng các cường quốc năm châu". Đọc lại câu nói trên đây của Thân Nhân Trung, ta càng thấy rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước; tuổi tre phải thi đua học hành, rèn luyện tài năng để phục vụ đắc lực đất nước và dân tộc.

Bài làm 2 :

          Thân Nhân Trung (1418 – 1499) tên chữ là Hậu Phủ, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, ông đỗ tiến sĩ năm 1469, từng là thành viên trong Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Là người có tài văn chương nên năm 1484, ông đã được nhà vua tin cậy giao cho soạn thảo Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba. Văn bản này giữ vai trò quan trọng như lời Tựa chung cho cả 82 tấm bia tiến sĩ ở nhà bia Văn Miếu, Hà Nội. Bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia trích từ bài kí này, trong đó có câu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

          Vấn đề tác giả nêu ra trong đoạn trích là khẳng định vai trò, vị trí của các bậc hiền tài đối với đất nước. Đây là một nhận định sáng suốt và đúng đắn, được chiêm nghiệm và rút ra từ thực tế thăng trầm của lịch sử nước ta, chứng tỏ người viết có tầm nhìn xa trông rộng.
Vậy hiền tài là gì và tại sao hiền tài lại là nguyên khí của quốc gia ?
 
         Thế nào là hiền tài? Hiểu theo nghĩa hiển ngôn của từng từ thì hiền là ăn ở tốt với mọi người (phải đạo), hết lòng làm trọn bổn phận của mình đối với người khác; tài là khả năng đặc biệt làm một việc nào đó. Hiểu rộng ra theo nghĩa hàm ngôn thì hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.
 
          Thế nào là nguyên khí? Nguyên khí là khí ban đầu tạo ra sự sống của vạn vật. Hiểu rộng ra, nguyên khí là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của xã hội, đất nước.
 
          Vậy tại sao hiền tài là nguyên khí của quốc gia ?
 
          Hiền tài là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nên hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
 
          Những người được coi là hiền tài có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của một triều đại nói riêng và của quốc gia nói chung. Có thể lấy rất nhiều ví dụ trong lịch sử nước ta để chứng minh cho điều đó như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Giang Văn Minh, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ… ở những thế kỉ trước và nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước và khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới.
 
           Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có một số nhân sĩ, trí thức được đào tạo ở nước ngoài vì cảm phục đức hi sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, trở về nước trực tiếp đóng góp tài trí của mình cho sự nghiệp kháng chiến. Kĩ sư Trần Đại Nghĩa, người chế tạo ra nhiều thứ vũ khí lợi hại cho kháng chiến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ… đã bỏ ra bao công sức nghiên cứu, tìm tòi và chế tạo ra những thứ thuốc kháng sinh quý giá để cứu chữa cho thương binh, bộ đội trên chiến trường. Nhà nông học Lương Định Của suốt đời trăn trở, nghiên cứu cải tạo ra những giống lúa mới có khả năng chống sâu rầy và cho năng suất cao để cải thiện cuộc sống nông dân, tăng nguồn lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mĩ… Đó là gương sáng của những bậc hiền tài một lòng một dạ vì quyền lợi chung của nhân dân và Tổ quốc.
 
          Như đã nói ở trên, hiền tài có vai trò quan trọng đối với sự hưng vong của đất nước. Nhưng hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục theo một quy củ nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, để bổi dưỡng lòng tương thân, tương ái và hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Ngày xưa, theo quan niệm của Khổng giáo thì việc giáo dục con người phải lấy đức làm gốc (đức giả bản dã), còn tài là phần ngọn (tài giả mạt dã). Nguyễn Trãi cũng đặt đức lên trên tài: Tài thì kém đức một vài phân. Đại thi hào Nguyễn Du cũng khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Quan niệm đúng đắn ấy còn giữ nguyên giá trị cho đến tận ngày nay. Bác Hồ trong một lần nói chuyện với học sinh đã nhấn mạnh: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
 
          Hiền tài trước hết phải là người có đức. Trong chế độ phong kiến trước đây thì đức chính là lòng trung quân, ái quốc. Mọi suy nghĩ và hành động của các bậc hiền tài đều không ngoài bốn chữ đó. Những mưu cầu, toan tính vun vén cho lợi ích cá nhân không thể tác động và làm ảnh hưởng đến lí tưởng cao quý giúp vua, giúp nước của họ. Xét theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo thì họ xứng đáng là những bậc chính nhân quân tử: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (giàu sang không làm thay đổi, nghèo khó không thể chuyển lay, bạo lực không thể khuất phục). Hiền tài là những tấm gương quả cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên đời Trần được triều đình cử đi sứ phương Bắc đã tỏ rõ cho vua quan nhà Minh biết chí khí hiên ngang của người quân tử bằng tài ứng đối hùng biện của mình. Giang Văn Minh sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ danh dự của vua Nam và quốc thể nước Nam, xứng đáng là sứ thần Đại Việt. Không thể kể hết tên tuổi các hiền tài của nước Nam, đúng như Nguyễn Trãi từng viết: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có (Bình Ngô đại cáo).
 
         Tuy nhiên, lịch sử mấy nghìn năm của đất nước ta có nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm, về đại cục, lịch sử luôn phát triển theo hướng đi lên; nhưng có lúc lịch sử gặp giai đoạn suy thoái, bi thương. Vận mệnh dân tộc, số phận đất nước đặt lên vai hiền tài, nhưng vì nhiều lí do, họ đã không đảm đương được trọng trách mà quốc gia giao phó. An Dương Vương oai hùng với thành Cổ Loa kiên cố và nỏ thần hiệu nghiệm, nhưng vì chủ quan khinh địch nên đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ vì ham muốn lợi danh mà hèn nhát cam tâm làm tay sai cho quân xâm lược phương Bắc. Đó là lúc nguyên khí suy, thế nước yếu rồi xuống thấp.
 
         Điều quan trọng nhất là hiền tài thì phải thực sự có tài. Có tài kinh bang tế thế thì mới nghĩ ra được những kế sách sáng suốt giúp vua và triều đình cai trị đất nước. Tài năng quân sự lỗi lạc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã góp phần to lớn vào chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân xậm lược Mông – Nguyên. Tài năng quân sự, ngoại giao xuất sắc của Nguyễn Trãi khiến ông trở thành vị quân sư số một của Lê Lợi, có vai trò quyết định chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quét sạch mười vạn giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta.
 
         Một gương sáng hiền tài đã trở thành thần tượng không chỉ trong phạm vi đất nước mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến đau thương và oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, ông đã làm vẻ vang cho lịch sử và truyền thống bất khuất, hào hùng của đất nước. Nhắc đến ông, nhân dân ta và bè bạn năm châu yêu mến, tự hào; còn kẻ bại trận cũng phải nghiêng mình kính phục.
 
         Xưa nay, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc mở trường học và tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài giúp nước.
 
        Sau khi quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, mở ra nền thái bình muôn thuở, vua Lê Thái Tổ đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề mở rộng và nâng cao nền giáo dục của nước nhà, trong đó có việc phát hiện và đào tạo nhân tài nhằm phục vụ cho mục đích chấn hưng đất nước. Các triều đại trước, việc tuyển chọn người ra làm quan chủ yếu thông qua con đường tiến cử, nhiệm cử…, nhưng đến thời Lê thì chủ yếu là thông qua khoa cử để chọn người tài giỏi giúp vua trị nước. Vua Lê Thánh Tông viết trong chiếu dụ như sau: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phải chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta, từ khi trải qua binh lửa, nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sáng. Thái Tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chỉ tiên đế, muốn cầu được hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Trong sắc dụ của mình, vua Lê Hiển Tông cũng khẳng định: Các bậc thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên.
 
         Người có tài, có đức giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay như thế nào?
 
         Nếu hiểu theo nghĩa hiền tài là người tốt, có khả năng đặc biệt làm một việc nào đó thì hiền tài hiện nay trong lĩnh vực nào cũng có. Đó là những người vượt khó để thành đạt; là những doanh nhân có tâm, có tài, sản xuất ra những hàng hoá chất lượng cao đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân, đất nước; là những nhà khoa học có nhiều công trình hữu ích, thiết thực; là những vị lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, hoạch định các chính sách phù hợp, khả thi để thúc đẩy nền kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội ngày càng phát triển. Tất cả hợp lại tạo nên nguyên khí quốc gia.
 
         Hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài năng khiếu bẩm sinh mang tính chất truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương… thì người tài phải được phát hiện, giáo dục, đào tạo một cách nghiêm túc và bài bản để thực sự trở thành hiền tài của đất nước.