Dạng 6 : Bài tập về ăn mòn kim loại

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

SỰ ĂN MÒN KIM LOẠI

I.SỰ ĂN MÒN KIM LOẠI

1.Khái niệm

- Ăn mòn kim loại là sự phá hủy kim loại hoặc hợp kim do tác dụng của các chất trong môi trường 

M → Mn+ + ne

2. Các dạng ăn mòn kim loại

Căn cứ vào môi trường và cơ chế của sự ăn mòn kim loại, người ta phân thành hai dạng chính: ăn mòn hóa học và ăn mòn điện hóa

a. Ăn mòn hóa học

- Ăn mòn hóa học là quá trình oxi hóa – khử, trong đó kim loại phản ứng trực tiếp với các chất oxi hóa trong môi trường (các electron của kim loại được chuyển trực tiếp đến các chất trong môi trường) và không có xuất hiện dòng điện
Ví dụ: 
                                    2Fe + 3Cl2 → 2FeCl3 
                                    3Fe + 2O2 → Fe3O4

b. Ăn mòn điện hóa học

- Ăn mòn điện hóa học là loại ăn mòn kim loại phổ biến và nghiêm trọng nhất trong tự nhiên

* Khái niệm về ăn mòn điện hóa học
Vậy ăn mòn điện hóa học là quá trình oxi hóa – khử, trong đó kim loại bị ăn mòn do tác dụng của dung dịch chất điện li và tạo nên dòng electron chuyển dời từ cực âm sang cực dương. 
* Điều kiện xảy ra ăn mòn điện hóa học: đồng thời cả 3 điều kiện sau
             + Các điện cực phải khác nhau về bản chất. Có thể là cặp hai kim loại khác nhau, kim loại – phi kim. 
             + Các điện cực phải tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau qua dây dẫn 
             + Các điện cực cùng tiếp xúc với dung dịch chất điện li 
*Ăn mòn điện hóa học hợp kim của sắt (gang, thép) trong không khí ẩm 
- Gang, thép là hợp kim Fe – C gồm những tinh thể Fe tiếp xúc trực tiếp với tinh thể C (graphit) 
- Không khí ẩm có chứa H2O, CO2, O2…tạo ra lớp dung dịch chất điện li phủ lên bề mặt gang, thép làm xuất hiện vô số pin điện hóa mà Fe là cực âm, C là cực dương.

              Ở cực âm xảy ra sự oxi hóa: Fe → Fe2+ + 2e 
              Ở cực dương xảy ra sự khử: O2 + 2H2O + 4e → 4OH- 
- Tại đây thì Fe2+ tiếp tục bị oxi hóa tạo ra gỉ sắt có thành phần chủ yếu là Fe2O3.xH2O.

II. CHỐNG ĂN MÒN KIM LOẠI

1. Phương pháp bảo vệ bề mặt

- Phương pháp bảo vệ bề mặt là phủ lên bề mặt kim loại một lớp sơn, dầu mỡ, chất dẻo hoặc tráng, mạ bằng một kim loại khác. Nếu lớp bảo vệ bị hư, kim loại sẽ bị ăn mòn 
Ví dụ: Sắt tây là sắt tráng thiếc dùng làm hộp đựng thực phẩm vì thiếc là kim loại khó bị oxi hóa ở nhiệt độ thường, màng oxit thiếc mỏng và mịn cũng có tác dụng bảo vệ thiếc và thiếc oxit không độc lại có màu trắng bạc khá đẹp. 

2.Phương pháp điện hóa

- Phương pháp bảo vệ điện hóa là dùng một kim loại có tính khử mạnh hơn làm vật hi sinh để bảo vệ vật liệu kim loại. Vật hi sinh và kim loại cần bảo vệ hình thành một pin điện, trong đó vật hi sinh đóng vai trò cực âm và bị ăn mòn 
Ví dụ: Để bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép, người ta gắn chặt những tấm kẽm vào phần vỏ tàu ngâm trong nước biển. Vì khi gắn miếng Zn lên vỏ tàu bằng thép sẽ hình thành một pin điện, phần vỏ tàu bằng thép là cực dương, các lá Zn là cực âm và bị ăn mòn theo cơ chế: 
                Ở anot (cực âm): Zn → Zn2+ + 2e 
                Ở catot (cực dương): 2H2O + O2 + 4e → 4OH- 
Kết quả là vỏ tàu được bảo vệ, Zn là vật hi sinh, nó bị ăn mòn