Chủ đề 1. Đô thị: Lịch sử và hiện tại (phần 2)

Nội dung lý thuyết

3. Quá trình đô thị hoá thời kì hậu công nghiệp

a. Bối cảnh

- Xã hội hậu công nghiệp bắt đầu từ cuối thế kỉ XX, chủ yếu diễn ra ở các nước phát triển.

- Sự ra đời của internet và nền kinh tế tri thức làm thay đổi cơ cấu sản xuất và phương thức tổ chức đô thị.

b. Đặc điểm

- Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh:

+ Ở các nước phát triển, quá trình đô thị hóa đã ổn định, số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở mức cao và tăng chậm. Cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ.

+ Ở các nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa nhanh và xuất hiện ngày càng nhiều siêu đô thị.

+ Năm 2021, thế giới có 32 siêu đô thị, trong đó 28 siêu đô thị ở các nước đang phát triển.

- Quy mô các đô thị phát triển mở rộng thành vùng đô thị, dải siêu đô thị:

+ Vùng đô thị là khu vực gồm các thành phố, các thị trấn và vùng ngoại ô, cấu trúc tương tự như các thành phố nhỏ trong một thành phố lớn.

+ Dải siêu đô thị được hình thành khi các vùng ngoại ô và thành phố phát triển lớn đến mức hợp nhất với các vùng ngoại ở và thành phố khác, tạo thành một khu vực đô thị gần như liên tục.

- Hoạt động kinh tế của đô thị tập trung vào công nghiệp hiện đại và kinh tế tri thức:

+ Các thành phố đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông tin và tự động hóa sản xuất, làm tăng năng suất lao động.

+ Sản xuất ngày càng được tự động hóa và thông minh hơn.

+ Lao động tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, xuất hiện nhiều dịch vụ mới như phân tích dữ liệu, truyền thông số.

- Đô thị phát triển theo xu hướng đô thị xanh, đô thị thông minh:

Các thành phố tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển không gian xanh, tăng cường kết nối, chuyển đổi số,..

4. Tác động của đô thị hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

a. Hiện trạng

- Đô thị hoá ở Việt Nam gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

- Năm 2021, tỉ lệ dân thành thị của nước ta là 37,1%. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn nhất nước ta, trở thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

b. Tác động

Đô thị hóa có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
- Đô thị hóa tạo động lực phát triển kinh tế cả nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Đô thị là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đầy tăng trưởng kinh tế và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
- Đô thị có thuận lợi về cơ sở hạ tầng hiện đại, lao động chất lượng cao nên thu hút được vốn, khoa học công nghệ.
- Tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, phổ biến lối sống thành thị.
- Các đô thị tạo hiệu ứng lan toả, phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực. Đô thị nhỏ ven đô hỗ trợ nông thôn qua các mối liên kết đô thị - nông thôn, như ngoại thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Một số nơi ở các đô thị còn tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm,...