Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc từ năm 1945 đến nay

Nội dung lý thuyết

1. Bối cảnh lịch sử của các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975
- Thế giới: xu thế hoà hoãn Đông - Tây tiếp tục diễn ra, quan hệ giữa các nước phức tạp. 
- Trong nước:
+ Đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
+ Kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. 
+ Quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Cam-pu-chia có nhiều bất ổn. 
2. Diễn biến chính của các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975
a. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây nam (1975 - 1979)

- Nguyên nhân: 
+ Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri - Khiêu Xăm-phon đại diện cho phái Khơ-me Đỏ ở Cam-pu-chia có nhiều hoạt động khiêu khích, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. 
+ Từ 1975 - 1978: thể hiện ý đồ đánh chiếm đảo Phú Quốc và xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ dọc biên giới phía nam. 
- Diễn biến chính: 
+ Ngày 22 - 12 - 1978, Pôn Pốt tấn công vào sâu lãnh thổ Việt Nam. 
+ Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, Quân đội nhân dân Việt Nam phản công và truy kích đối phương. 
+ Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ.
- Kết quả:  Ngày 7 - 1 - 1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. 
b. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989)
- Nguyên nhân: Một số lãnh đạo Trung Quốc đồng tình với hoạt động của tập đoàn Pôn Pốt, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. 
- Diễn biến chính: 
+ Ngày 17 - 2 - 1979, Trung Quốc điều động 32 sư đoàn đồng loạt tấn công lãnh thổ Việt Nam từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). 
+ Quân dân Việt Nam đứng lên quyết chiến ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai,... 
+ Ngày 18 - 3 - 1979 Trung Quốc rút quân về nước, song vẫn tiếp tục gây xung đột, đặc biệt ở khu vực biên giới thuộc địa bàn huyện Vị Xuyên, Hà Giang. 
+ Giai đoạn 1984 - 1989: Vị Xuyên là chiến trường ác liệt giữa hai bên. 
- Kết quả: năm 1989 cuộc chiến tranh kết thúc. 
c. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông
* Chủ trương và hành động của Việt Nam: 
- Sau năm 1975: Việt Nam quản lí toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. 
- Năm 1977: Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 
- Về quản lí hành chính: năm 1982 Việt Nam thành lập
+ Huyện Hoàng Sa, nay thuộc Đà Nẵng. 
+ Huyện Trường Sa, nay thuộc Khánh Hoà. 
- Nhà nước Việt Nam kiên định con đường đấu tranh hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền với hai quần đảo.
- Năm 1994: Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
* Hoạt động xâm phạm của Trung Quốc:  
- Năm 1988: Trung Quốc chiếm một số đảo như Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma,...
=> Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. 
- Năm 2012: Trung Quốc ngang nhiên lập thành phố Tam Sa, tự cho quyền quản lí hai quần đảo. 
=> Việt Nam lên án và kiên quyết khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo. 
- Tháng 5 - 2014: Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương-981, tàu cá và tàu quân sự  đến hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
=> Việt Nam tăng cường lực lượng tại vùng đặc quyền kinh tế, tích cực đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Ngày 16 - 7 - 2014 Trung Quốc buộc phải rút dàn khoan Hải Dương-981. 
3. Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay 
- Làm thất bại ý đồ và hành động xâm lược, chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. 
- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 
- Tạo điều kiện cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Làm tròn nghĩa vụ quốc tế với Cam-pu-chia, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, góp phần bảo vệ an ninh khu vực. 
4. Một số bài học lịch sử
- Phát huy cao độ tinh thần yêu nước đưa đến sức mạnh to lớn của dân tộc. 
- Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. 
- Kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. 
- Phát triển, sáng tạo nghệ thuật lãnh đạo và nghệ thuật quân sự.