Bài 5: Một số vấn đề an ninh toàn cầu

Nội dung lý thuyết

I. Một số vấn đề an ninh toàn cầu

1. An ninh lương thực

- An ninh lương thực là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói. Người dân có quyền được tiếp cận các thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động.

- Tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực là vấn đề toàn cầu và đang có xu hướng gia tăng. Năm 2020, trên toàn thế giới có 345 triệu người ở 82 quốc gia bị thiếu lương thực. Trong đó, châu Phi là khu vực có tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực cao nhất trên thế giới và xu hướng tăng nhanh nhất.

- Một số nguyên nhân gây khủng hoảng an ninh lương thực như:

+ Các cuộc xung đột vũ trang và nội chiến;

+ Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh;

+ Bùng nổ dân số;...

- Các quốc gia trên thế giới cần hợp tác, triển khai một số giải pháp để giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu như:

+ Cung cấp lương thực và cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho những vùng có nguy cơ mất an ninh lương thực cao nhất.

+ Tăng cường sản xuất lương thực, tăng năng suất và hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu.

+ Tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP),... trong sản xuất và phân phối lương thực toàn cầu.

2. An ninh năng lượng

- An ninh năng lượng là sự đảm bảo đầy đủ năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau, ưu tiên các nguồn năng lượng sạch và giá thành rẻ.

- An ninh năng lượng luôn trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới.

An ninh năng lượng

- Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về an ninh năng lượng, như:

+ Cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống;

+ Sự gia tăng mức tiêu thụ năng lượng của các quốc gia;

+ Nguy cơ gián đoạn nguồn cung do tình hình bất ổn chính trị ở các khu vực có nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt hoá lỏng lớn;

+ Khủng hoảng thiếu năng lượng đang diễn ra gay gắt tại nhiều khu vực và quốc gia,…

- Để giải quyết vấn an ninh năng lượng, cần tiến hành một số giải pháp như:

+ Đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm năng lượng; mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng.

+ Đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng; chủ động trong khai thác hợp lí, sử dụng để tránh lãng phí các tài nguyên năng lượng (dầu mỏ, khí đốt, than đá,...).

+ Đầu tư khoa học công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới (năng lượng mặt trời, sức gió, thủy triều,...); phát triển năng lượng gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường.

+ Các tổ chức quốc tế, khu vực có vai trò điều phối, thúc đẩy các chính sách, tăng cường đối thoại, hợp tác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng thế giới.

3. An ninh nguồn nước

- An ninh nguồn nước được hiểu là sự đảm bảo về số lượng nước, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, cho sinh kế, cho hoạt động sản xuất, cho môi trường sinh thái đối với cộng đồng dân cư; đồng thời cũng là sự đảm bảo được bảo vệ trước các loại dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước.

- An ninh nguồn nước không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.

- Vấn đề an ninh nguồn nước trên thế giới hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm:

+ Nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới bị ô nhiễm;

+ Tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, sử dụng nước kém hiệu quả, lãng phí;

+ Tranh chấp nguồn nước của các quốc gia có chung lưu vực sông,...

- Đảm bảo an ninh nguồn nước là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặt dưới cơ chế quản lí thống nhất của chính quyền ở từng quốc gia, khu vực. Một số giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước được đề ra như:

+ Mỗi quốc gia cần chủ động xây dựng các giải pháp (đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, các công nghệ xử lí nước,...) để bảo vệ nguồn nước và khắc phục tình trạng ô nhiễm nước.

+ Mỗi cá nhân có ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước chính nơi mình sinh sống.

 

4. An ninh mạng

- An ninh mạng là sự đảm bảo các hoạt động trên không gian mạng nhưng không gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Hiện nay, trên thế giới còn tồn tại các hiện tượng như:

+ Xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia;

+ Tấn công hệ thống giám sát điều khiển công nghiệp;

+ Chiếm đoạt thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng để sử dụng vào mục đích chính trị, an ninh, quốc phòng…..

- Việc bảo vệ an ninh mạng đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các cá nhân, tổ chức, các quốc gia trên thế giới cần cùng nhau xây dựng chiến lược bảo vệ an ninh mạng. Cụ thể:

+ Xây dựng luật an ninh mạng phù hợp ở từng quốc gia;

+ Phối hợp chặt chẽ trong việc chống khủng bố an ninh mạng xuyên quốc gia;

+ Các quốc gia đầu tư cơ sở vật chất, nguồn vốn để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng.

II. Sự cần thiết phải bảo vệ hòa bình

- Hòa bình là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang. Bảo vệ hòa bình là gìn giữ cuộc sống xã hội bình yên, không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang.

- Hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay ở một số khu vực trên thế giới, các vấn đề như: đói nghèo, phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, tranh chấp biên giới, lãnh thổ,... đang diễn ra với nhiều mức độ khác nhau, trở thành mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, một số quốc gia có sự cạnh tranh gay gắt với nhau về kinh tế.

- Bảo vệ hòa bình trên thế giới có ý nghĩa to lớn:

+ Hạn chế các xung đột, phát triển kinh tế, tạo ra sự thịnh vượng chung.

+ Hòa bình là điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của mỗi con người. Một đất nước hòa bình thì mới đảm bảo đầy đủ các quyền của con người, bảo vệ con người trước sự bất công và bất bình đẳng.

=> Việc bảo vệ hòa bình được xác định là trách nhiệm của mọi công dân, mọi quốc gia trên thế giới.

- Để bảo vệ hòa bình, các quốc gia cần:

+ Tăng cường đối thoại trong giải quyết mâu thuẫn, xung đột;

+ Loại bỏ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác;

+ Tham gia tích cực vào lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc;

+ Tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế…

Sự cần thiết phải bảo vệ hòa bình