Bài 45. Di truyền liên kết

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Quy luật di truyền liên kết

1. Thí nghiệm của Morgan

- Thomas Hunt Morgan (1866 - 1945) là nhà di truyền học người Mĩ, ông là người đầu tiên phát hiện hiện tượng di truyền liên kết trên ruồi giấm vào năm 1910.

- Cách tiến hành và kết quả thí nghiệm được trình bày như sau:

Thí nghiệm Morgan

2. Giải thích thí nghiệm 

- P thuần chủng, F1 thu được 100% ruồi thân xám, cánh dài → thân xám, cánh dài là tính trạng trội, thân đen và cánh cụt là tính trạng lặn.

- Nếu gene quy định các tính trạng màu thân và chiều dài cánh phân li độc lập thì kết quả phép lai phân tích một tính trạng có tỉ lệ kiểu hình 1:1, phép lai phân tích hai tính trạng có tỉ lệ kiểu hình 1:1:1:1. Trong khi đó, kết quả phép lai phân tích trên chỉ thu được hai loại kiểu hình với tỉ lệ 1;1 nên tính trạng màu thân và chiều dài cánh không di truyền theo quy luật phân li độc lập.

- Tính trạng thân xám luôn đi cùng với tính trạng cánh dài, tính trạng thân đen luôn đi cùng với tính trạng cánh cụt nên hai cặp gene quy định hai tính trạng này cùng nằm trên một cặp NST tương đồng và di truyền cùng nhau.

→ Sự di truyền của hai cặp gene quy định tính trạng màu thân và chiều dài cánh di truyền theo quy luật liên kết gene.

Giải thích thí nghiệm của Morgan

II. Ứng dụng về di truyền liên kết

- DT liên kết đảm bảo sự di truyền bền vững của nhóm tính trạng luôn đi cùng với nhau, nên trong chọn giống, người ta có thể ứng dụng để chọn được những nhóm tính trạng tốt luôn đi cùng với nhau, phù hợp với mục tiêu sản xuất.

- Hiện nay, các nhà khoa học đã thiết lập được bản đồ gene, biết vị trí gene trên NST của nhiều loài. → Con người có thể lựa chọn và chuyển những gene quy định tính trạng tốt nằm trên cùng một NST để tạo ra thành nhóm tính trạng tốt di truyền cùng nhau.

1. Di truyền liên kết là hiện tượng các gene quy định các tính trạng cùng nằm trên một NST có xu hướng di truyền cùng nhau trong quá trình giảm phân.

2. Các tính trạng do các gene trên một NST quy định luôn di truyền cùng nhau tạo ra thành nhóm tính trạng di truyền liên kết. Trong chọn giống, có thể ứng dụng di truyền liên kết để chọn được những nhóm tính trạng tốt luôn di truyền cùng nhau, phù hợp với mục tiêu sản xuất của con người.

3. Di truyền phân li độc lập làm xuất hiện các biến dị tổ hợp, tạo ra sự đa dạng cho sinh giới, còn di truyền liên kết hạn chế biến dị tổ hợp, đảm bảo cho sự di truyền bền vững của nhóm tính trạng.