Nội dung lý thuyết
Trong không gian, các trục \(x'Ox,y'Oy,z'Oz\) vuông góc với nhau từng đôi một. Gọi \(\overrightarrow{i},\overrightarrow{j},\overrightarrow{k}\) lần lượt là các vectơ đơn vị trên các trục \(x'Ox,y'Oy,z'Oz\).
Hệ ba trục như vậy được gọi là hệ trục toạ độ Đề-các vuông góc \(Oxyz\) trong không gian, hay được gọi đơn giản là hệ toạ độ \(Oxyz\).
Điểm \(O\) được gọi là gốc toạ độ.
Các mặt phẳng \(\left(Oxy\right),\left(Oyz\right),\left(Ozx\right)\) đôi một vuông góc với nhau được gọi là các mặt phẳng toạ độ.
Vì \(\overrightarrow{i},\overrightarrow{j},\overrightarrow{k}\) là ba vectơ đơn vị đôi một vuông góc với nhau nên
\(\overrightarrow{i}^2=\overrightarrow{j}^2=\overrightarrow{k}^2=1\)
và \(\overrightarrow{i}.\overrightarrow{j}=\overrightarrow{j}.\overrightarrow{k}=\overrightarrow{k}.\overrightarrow{i}=0\)
- Toạ độ của điểm \(M\) đối với hệ trục toạ độ \(Oxyz\) là bộ ba số \(\left(x;y;z\right)\) duy nhất sao cho \(\overrightarrow{OM}=x\overrightarrow{i}+y\overrightarrow{j}+z\overrightarrow{k}\)
Ta viết: \(M\left(x;y;z\right)\) hoặc \(M=\left(x;y;z\right)\).
- Trong không gian \(Oxyz\) cho vectơ \(\overrightarrow{a}\). Khi đó luôn tồn tại duy nhất bộ ba số \(\left(a_1;a_2;a_3\right)\) sao cho \(\overrightarrow{a}=a_1\overrightarrow{i}+a_2\overrightarrow{j}+a_3\overrightarrow{k}\).
Ta gọi bộ ba số \(\left(a_1;a_2;a_3\right)\) là toạ độ vectơ \(\overrightarrow{a}\) đối với hệ toạ độ \(Oxyz\) cho trước và viết \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) hoặc \(\overrightarrow{a}\left(a_1;a_2;a_3\right)\).
Nhận xét: Trong hệ toạ độ \(Oxyz\), toạ độ điểm \(M\) chính là toạ độ vectơ \(\overrightarrow{OM}\).
Ta có \(M=\left(x;y;z\right)\Leftrightarrow\overrightarrow{OM}=\left(x;y;z\right)\).
Trong không gian \(Oxyz\) cho hai vectơ \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{b}=\left(b_1;b_2;b_3\right)\). Ta có:
\(\overrightarrow{a}+\overrightarrow{b}=\left(a_1+b_1;a_2+b_2;a_3+b_3\right)\) ;
\(\overrightarrow{a}-\overrightarrow{b}=\left(a_1-b_1;a_2-b_2;a_3-b_3\right)\) ;
\(k\overrightarrow{a}=k\left(a_1;a_2;a_3\right)=\left(ka_1;ka_2;ka_3\right)\) với \(k\) là một số thực.
Hệ quả:
a) Cho hai vectơ \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{b}=\left(b_1;b_2;b_3\right)\).
Ta có: \(\overrightarrow{a}=\overrightarrow{b}\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}a_1=b_1\\a_2=b_2\\a_3=b_3\end{matrix}\right.\).
b) Vectơ \(\overrightarrow{0}\) có toạ độ là \(\left(0;0;0\right)\).
c) Với \(\overrightarrow{b}\ne\overrightarrow{0}\) thì hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\) cùng phương khi và chỉ khi có một số thực \(k\) sao cho \(a_1=kb_1,a_2=kb_2,a_3=kb_3\).
d) Trong không gian nếu cho hai điểm \(A\left(x_A;y_A;z_A\right)\) và \(B\left(x_B;y_B;z_B\right)\) thì:
\(\overrightarrow{AB}=\overrightarrow{OB}-\overrightarrow{OA}=\left(x_B-x_A;y_B-y_A;z_B-z_A\right)\)
Toạ độ trung điểm \(M\) của đoạn thẳng \(AB\) là \(M\left(\dfrac{x_A+x_B}{2};\dfrac{y_A+y_B}{2};\dfrac{z_A+z_B}{2}\right)\).
Trong không gian \(Oxyz\), tích vô hướng của hai vectơ \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{b}=\left(b_1;b_2;b_3\right)\) được xác định bởi công thức:
\(\overrightarrow{a}.\overrightarrow{b}=a_1b_1+a_2b_2+a_3b_3\)
- Ứng dụng:
a) Độ dài của vectơ : Cho vectơ \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\). Độ dài của vectơ \(\overrightarrow{a}\) là \(\left|\overrightarrow{a}\right|=\sqrt{a_1^2+a_2^2+a_3^2}\).
b) Khoảng cách giữa hai điểm: Trong không gian cho hai điểm \(A\left(x_A;y_A;z_A\right)\) và \(B\left(x_B;y_B;z_B\right)\). Khoảng cách giữa hai điểm này chính là độ dài vectơ \(\overrightarrow{AB}\), ta có:
\(AB=\left|\overrightarrow{AB}\right|=\sqrt{\left(x_B-x_A\right)^2+\left(y_B-y_A\right)^2+\left(z_B-z_A\right)^2}\)
c) Góc giữa hai vectơ : Nếu \(\varphi\) là góc giữa hai vectơ \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{b}=\left(b_1;b_2;b_3\right)\) với \(\overrightarrow{a},\overrightarrow{b}\ne\overrightarrow{0}\) thì \(\cos\varphi=\dfrac{\overrightarrow{a}.\overrightarrow{b}}{\left|\overrightarrow{a}\right|.\left|\overrightarrow{b}\right|}\).
Do đó: \(\cos\varphi=\cos\left(\overrightarrow{a},\overrightarrow{b}\right)=\dfrac{a_1b_1+a_2b_2+a_3b_3}{\sqrt{a_1^2+a_2^2+a_2^3}.\sqrt{b_1^2+b_2^2+b_3^2}}\).
Từ đó suy ra \(\overrightarrow{a}\perp\overrightarrow{b}\Leftrightarrow a_1b_1+a_2b_2+a_3b_3=0\).
Trong không gian \(Oxyz\), mặt cầu \(\left(S\right)\) tâm \(I\left(a;b;c\right)\) bán kính \(r\) có phương trình là:
\(\left(x-a\right)^2+\left(y-b\right)^2+\left(z-c\right)^2=r^2\).
Nhận xét: Phương trình mặt cầu có thể được viết dưới dạng
\(x^2+y^2+z^2-2ax-2by-2cz+d=0\) với \(d=a^2+b^2+c^2-r^2\).
Giao của mặt cầu và mặt phẳng:
Cho mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) và mặt phẳng \(\left(P\right)\). Gọi \(h\) là khoảng cách từ \(O\) đến \(mp\left(P\right)\).
- Trường hợp \(h>r\): Khi đó mặt phẳng \(\left(P\right)\) không có điểm chung với mặt cầu \(S\left(O;r\right)\).
- Trường hợp \(h=r\): Khi đó mặt phẳng \(\left(P\right)\) tiếp xúc với mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) tại điểm \(H\).
Điều kiện cần và đủ để mặt phẳng \(\left(P\right)\) tiếp xúc với mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) tại điểm \(H\) là \(\left(P\right)\) vuông góc với bán kính \(OH\) tại \(H\).
- Trường hợp \(h< r\): Mặt phẳng cắt mặt cầu theo đường tròn tâm \(H\), bán kính \(r'=\sqrt{r^2-h^2}\).
Giao của mặt cầu và đường thẳng:
Cho mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) và đường thẳng \(\Delta\). Gọi \(d\) là khoảng cách từ \(O\) tới \(\Delta\).
- Trường hợp \(d>r\): \(\Delta\) không cắt mặt cầu \(S\left(O;r\right)\).
- Trường hợp \(d=r\): \(\Delta\) tiếp xúc với mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) tại điểm \(H\).
Điều kiện cần và đủ để đường thẳng \(\Delta\) tiếp xúc với mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) tại điểm \(H\) là \(\Delta\) vuông góc với bán kính \(OH\) tại điểm \(H\) đó.
- Trường hợp \(d< r\): \(\Delta\) cắt mặt cầu \(S\left(O;r\right)\) tại hai điểm phân biệt.
Cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\). Nếu vectơ \(\overrightarrow{n}\) khác \(\overrightarrow{0}\) và có giá vuông góc với mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) thì \(\overrightarrow{n}\) được gọi là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\).
Chú ý: Nếu \(\overrightarrow{n}\) là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) thì \(k\overrightarrow{n}\) với \(k\ne0\) cũng là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng đó.
Trong không gian \(Oxyz\) cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) và hai vectơ không cùng phương \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{b}=\left(b_1;b_2;b_3\right)\) có giá song song hoặc nằm trong mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\).
Khi đó mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) nhận vectơ \(\overrightarrow{n}=\left(a_2b_3-a_3b_2;a_3b_1-a_1b_3;a_1b_2-a_2b_1\right)\) làm vectơ pháp tuyến.
Vectơ \(\overrightarrow{n}\) xác định như trên được gọi là tích có hướng (hay tích vectơ) của hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\), kí hiệu là \(\overrightarrow{n}=\overrightarrow{a}\Lambda\overrightarrow{b}\) hoặc \(\overrightarrow{n}=\left[\overrightarrow{a},\overrightarrow{b}\right]\).
Phương trình có dạng \(Ax+By+Cz+D=0\), trong đó \(A,B,C\) không đồng thời bằng 0, được gọi là phương trình tổng quát của mặt phẳng.
Nhận xét:
a) Nếu mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) có phương trình tổng quát là \(Ax+By+Cz+D=0\) thì nó có một vectơ pháp tuyến là \(\overrightarrow{n}=\left(A;B;C\right)\).
b) Phương trình mặt phẳng đi qua điểm \(M\left(x_0;y_0;z_0\right)\) nhận vectơ \(\overrightarrow{n}\left(A;B;C\right)\) khác \(\overrightarrow{0}\) làm vectơ pháp tuyến là \(A\left(x-x_0\right)+B\left(y-y_0\right)+C\left(z-z_0\right)=0\).
Các trường hợp riêng:
Trong không gian \(Oxyz\) cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\): \(Ax+By+Cz+D=0\).
a) Nếu \(D=0\): Mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) đi qua gốc toạ độ \(O\).
b) Nếu một trong ba hệ số \(A,B,C\) bằng 0, chẳng hạn \(A=0\) thì mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) song song hoặc chứa trục \(Ox\).
c) Nếu hai trong ba hệ số \(A,B,C\) bằng 0, chẳng hạn \(A=B=0,C\ne0\) thì mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) song song hoặc trùng với mặt phẳng \(\left(Oxy\right)\).
Nhận xét: Nếu cả bốn hệ số \(A,B,C,D\) đều khác 0 thì bằng cách đặt \(a=-\dfrac{D}{A},b=-\dfrac{D}{B},c=-\dfrac{D}{C}\) ta có thể đưa phương trình tổng quát về dạng như sau:
\(\dfrac{x}{a}+\dfrac{y}{b}+\dfrac{z}{c}=1\).
Phương trình này gọi là phương trình của mặt phẳng theo đoạn chắn.
Trong không gian \(Oxyz\) cho hai mặt phẳng:
\(\left(\alpha_1\right):A_1x+B_1y+C_1z+D_1=0\) ;
\(\left(\alpha_2\right):A_2x+B_2y+C_2z+D_2=0\)
Khi đó \(\left(\alpha_1\right)\) và \(\left(\alpha_2\right)\) có hai vectơ pháp tuyến lần lượt là \(\overrightarrow{n_1}\left(A_1;B_1;C_1\right)\) và \(\overrightarrow{n_2}\left(A_2;B_2;C_2\right)\).
- Hai mặt phẳng \(\left(\alpha_1\right)\) và \(\left(\alpha_2\right)\) song song hoặc trùng nhau khi và chỉ khi hai vectơ pháp tuyến \(\overrightarrow{n_1}\) và \(\overrightarrow{n_2}\) của chúng cùng phương.
\(\left(\alpha_1\right)\)//\(\left(\alpha_2\right)\) \(\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\overrightarrow{n_1}=k\overrightarrow{n_2}\\D_1\ne kD_2\end{matrix}\right.\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\left(A_1;B_1;C_1\right)=k\left(A_2;B_2;C_2\right)\\D_1\ne kD_2\end{matrix}\right.\)
\(\left(\alpha_1\right)\)\(\equiv\)\(\left(\alpha_2\right)\) \(\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\overrightarrow{n_1}=k\overrightarrow{n_2}\\D_1=kD_2\end{matrix}\right.\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\left(A_1;B_1;C_1\right)=k\left(A_2;B_2;C_2\right)\\D_1=kD_2\end{matrix}\right.\).
Chú ý: \(\left(\alpha_1\right)\) cắt \(\left(\alpha_2\right)\) \(\Leftrightarrow\overrightarrow{n_1}\ne k\overrightarrow{n_2}\Leftrightarrow\left(A_1;B_1;C_1\right)\ne k\left(A_2;B_2;C_2\right)\).
- Hai mặt phẳng \(\left(\alpha_1\right)\) và \(\left(\alpha_2\right)\) vuông góc với nhau khi và chỉ khi hai vectơ pháp tuyến \(\overrightarrow{n_1}\) và \(\overrightarrow{n_2}\) tương ứng của chúng vuông góc với nhau.
\(\left(\alpha_1\right)\perp\left(\alpha_2\right)\Leftrightarrow\overrightarrow{n_1}.\overrightarrow{n_2}=0\Leftrightarrow A_1A_2+B_1B_2+C_1C_2=0\).
Trong không gian \(Oxyz\) cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) có phương trình \(Ax+By+Cz+D=0\) và điểm \(M_0\left(x_0;y_0;z_0\right)\). Khoảng cách từ điểm \(M_0\left(x_0;y_0;z_0\right)\) đến mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) kí hiệu là \(d\left(M_0,\left(\alpha\right)\right)\) được tính theo công thức
\(d\left(M_0,\left(\alpha\right)\right)=\dfrac{\left|Ax_0+By_0+Cz_0+D\right|}{\sqrt{A^2+B^2+C^2}}\).
Định nghĩa: Vectơ \(\overrightarrow{u}\ne\overrightarrow{0}\) có giá song song hoặc trùng với đường thẳng \(d\) được gọi là vectơ chỉ phương của đường thẳng \(d\).
Định lí:
Phương trình tham số của đường thẳng \(\Delta\) đi qua điểm \(M\left(x_0;y_0;z_0\right)\) và nhận \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) làm vectơ chỉ phương là phương trình có dạng
\(\left\{{}\begin{matrix}x=x_0+ta_1\\y=y_0+ta_2\\z=z_0+ta_3\end{matrix}\right.\)
trong đó \(t\) là tham số.
Chú ý: Nếu \(a_1,a_2,a_3\ne0\) thì \(\Delta\) còn viết dưới dạng phương trình chính tắc có dạng
\(\dfrac{x-x_0}{a_1}=\dfrac{y-y_0}{a_2}=\dfrac{z-z_0}{a_3}\)
- Điều kiện để hai đường thẳng song song, trùng nhau:
Gọi \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{a'}=\left(a'_1;a'_2;a'_3\right)\) lần lượt là vectơ chỉ phương của hai đường thẳng \(d\) và \(d'\). Lấy \(M\left(x_0;y_0;z_0\right)\in d\).
+) \(d\equiv d'\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\overrightarrow{a}=k\overrightarrow{a'}\\M\in d'\end{matrix}\right.\).
+) \(d\) // \(d'\) \(\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\overrightarrow{a}=k\overrightarrow{a'}\\M\notin d'\end{matrix}\right.\).
- Điều kiện để hai đường thẳng cắt nhau:
Hai đường thẳng \(d\) và \(d'\) cắt nhau khi và chỉ khi hệ phương trình ẩn \(t,t'\) sau
\(\left\{{}\begin{matrix}x_0+ta_1=x'_0+t'a'_1\\y_0+ta_2=y'_0+t'a'_2\\z_0+ta_3=z'_0+t'a'_3\end{matrix}\right.\) \(\left(I\right)\)
có đúng 1 nghiệm.
Chú ý: Giả sử hệ \(\left(I\right)\) có nghiệm \(\left(t_0;t'_0\right)\), để tìm điểm \(M\) là giao điểm của \(d\) và \(d'\) ta có thể thay \(t_0\) vào phương trình tham số của \(d\) hoặc \(t'_0\) vào phương trình tham số của \(d'\).
- Điều kiện để hai đường thẳng chéo nhau:
Hai đường thẳng \(d\) và \(d'\) chéo nhau khi và chỉ khi \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{a'}\) không cùng phương và hệ phương trình
\(\left\{{}\begin{matrix}x_0+ta_1=x'_0+t'a'_1\\y_0+ta_2=y'_0+t'a'_2\\z_0+ta_3=z'_0+t'a'_3\end{matrix}\right.\)
vô nghiệm.
Chú ý: Hai đường thẳng \(d\) và \(d'\) vuông góc với nhau khi và chỉ khi \(\overrightarrow{a}.\overrightarrow{a'}=0\).
Trong không gian cho đường thẳng \(d:\begin{cases}x=x_0+ta_1\\y=y_0+ta_2\\z=z_0+ta_3\end{cases}\) và mặt phẳng \(\left(\alpha\right):Ax+By+Cz+D=0\).
Xét phương trình : \(A\left(x_0+ta_1\right)+B\left(y_0+ta_2\right)+C\left(z_0+ta_3\right)+D=0\) (t là ẩn) (1)
+) \(d\) // \(\left(\alpha\right)\) \(\Leftrightarrow\) (1) vô nghiệm
+) \(d\) cắt \(\left(\alpha\right)\) \(\Leftrightarrow\) (1) có đúng 1 nghiệm \(t=t_0\). Khi đó toạ độ giao điểm là \(M\left(x_0+t_0a_1;y_0+t_0a_2;z_0+t_0a_3\right)\)
+) \(d\) \(\subset\) \(\left(\alpha\right)\) \(\Leftrightarrow\) (1) có vô số nghiệm.