Môn học
Chủ đề / Chương
Bài học
Chủ đề
Nội dung lý thuyết
Các hiện tượng quan sát được hằng ngày cho thấy độ lớn của nhiệt lượng cần cung cấp cho vật để làm tăng nhiệt độ của nó phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Khối lượng của vật;
- Độ tăng nhiệt độ của vật;
- Tính chất của chất làm vật.
Các thí nghiệm chứng tỏ rằng nhiệt lượng Q cần cung cấp cho vật để làm nó nóng lên tỉ lệ thuận với khối lượng m và độ tăng nhiệt độ Δt của vật nên:
\(\dfrac{Q}{m\Delta T}\) = hằng số (4.1)
Trong đó:
Q là nhiệt lượng cần truyền cho vật (J);
m là khối lượng vật (kg);
ΔT là độ tăng nhiệt độ của vật (K).
Với mỗi chất, hằng số trong hệ thức trên có độ lớn riêng. Hằng số này gọi là nhiệt dung riêng của chất làm vật, kí hiệu là c, có giá trị là \(c=\dfrac{Q}{m\Delta T}\)(4.2), đơn vị là J/kg.K.
Do đó, hệ thức tính nhiệt lượng trong quá trình truyền nhiệt để làm thay đổi nhiệt độ của vật là:
\(Q=mc\Delta T\) (4.3)
Vì \(c=\dfrac{Q}{m\Delta T}\) nên có thể định nghĩa nhiệt dung riêng của một chất như sau:
Nhiệt dung riêng của một chất là nhiệt lượng cần truyền cho 1 kg chất đó để làm cho nhiệt độ của nó tăng thêm 1 °C.
Nhiệt dung riêng là thông tin quan trọng thường được dùng khi thiết kế các hệ thống làm mát, sưởi ấm,...