Bài 29. Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Quan sát một cây trưởng thành to lớn được phát triển từ một hạt nhỏ xíu ban đầu, có bao giờ em tự hỏi: Nhờ đâu mà cây có thể lớn lên được? Nguyên liệu để tạo nên sự thay đổi kì diệu đó là gì?

I- Thành phần hoá học, cấu trúc và tính chất của nước

Mỗi phân tử nước được tạo thành từ một nguyên tử oxygen liên kết với hai nguyên tử hydrogen bằng liên kết cộng hoá trị.

Do cặp electron trong liên kết cộng hoá trị bị lệch về phía nguyên tử oxygen nên dấu mang nguyên tử oxygen của phân tử nước tích điện âm, còn đầu mang nguyên tử hydrogen tích điện dương, đặc điểm này tạo nên tính phân cực của phân tử nước. Do tính chất phân cực nên các phân tử nước hút lẫn nhau và hút các phân tử phân cực khác, nhờ đó nước trở thành dung môi hoà tan nhiều chất.

II- Vai trò của nước đối với sinh vật

  • Nước là thành phần chủ yếu tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể sinh vật

Ở người, nước chiếm khoảng 70% khối lượng cơ thể.

Lượng nước tham gia cấu tạo nên các thành phần của cơ thể

Ở một số loài thực vật và động vật sống dưới nước thì nước có thể chiếm đến hơn 90% khối lượng cơ thể.

Sứa biển là loài động vật có tỉ lệ nước chiếm khoảng 95% khối lượng cơ thể
  • Nước góp phần vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể
  • Nước là nguyên liệu và môi trường sống của nhiều quá trình trong cơ thể
Nước là nguyên liệu của quá trình quang hợp
  • Nước góp phần điều hoà nhiệt độ của cơ thể
Nước cân bằng nhiệt độ của cơ thể người ở mức 37oC

II- Vai trò của chất dinh dưỡng đối với sinh vật

Chất dinh dưỡng có vai trò cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho các quá trình sống của cơ thể. Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể khác nhau ở từng loài và từng giai đoạn phát triển. Thiếu hay thừa chất dinh dưỡng đều làm cho cơ thể sinh vật sinh trưởng và phát triển không bình thường. 

Dung dịch chứa đủ các chất dinh dưỡng
Dung dịch thiếu potassium (K)

1. Vai trò của chất dinh dưỡng đối với thực vật

Ở thực vật, chất dinh dưỡng là các chất khoáng, được hấp thụ chủ yếu từ đất như N, P, K, S, Bo, Mo,... Trong đó:

  • N góp phần quan trọng cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng vì N là nguyên tố cần thiết để để thực vật tổng hợp protein và diệp lục.
  • Cu, Mo, Bo,... cây trồng cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu vì chúng tham gia điều tiết quá trình trao đổi chất.

Tình trạng thiếu các chất khoáng ở thực vật thường biểu hiện qua việc sinh trưởng chậm và các dấu hiệu đặc trưng trên lá, quả,...

Lá của cây hồng bị vàng do thiếu nitrogen (N)
Lá của cây cà chua bị vàng và xoăn do thiếu magnesium (Mg)

Để giúp cây trồng sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, cho năng suất cao, người ta thường bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân như phân đạm, phân lân, phân kali,...

2. Vai trò của chất dinh dưỡng đối với động vật

Thức ăn của động vật chứa các loại chất dinh dưỡng cần cho cơ thể, trong đó những chất dinh dưỡng động vật cần với lượng lớn như chất đạm (protein), chất bột đường (carbohydrate) và chất béo (lipid). Những chất cơ thể cần ít hơn nhưng không thể thiếu là vitamin và chất khoáng.

❗Em có biết

Nitrogen là một trong những nguyên tố cần thiết cho sự phát triển của thực vật. Trong không khí chứa rất nhiều nitrogen nhưng cây không thể hấp thụ trực tiếp ở dạng này. Tại những nốt sần trong rễ cây họ Đậu chứa đầy các loài vi khuẩn thuộc chi Rhizobium có khả năng biến đổi khí nitrogen trong không khí thành dạng nitrogen mà cây có thể hấp thụ được, giúp bổ sung, làm giàu các chất dinh dưỡng cho cây.

Nốt sần ở rễ cây họ Đậu

1. Nước được cấu tạo từ hai nguyên tố là oxygen và hydrogen. Nước có tính phân cực nên là dung môi hoà tan nhiều chất cho cơ thể.

2. Nước là thành phần cấu tạo chủ yếu của tế bào và cơ thể, là nguyên liệu để tổng hợp chất hữu cơ trong quang hợp, là dung môi hoà tan nhiều chất, góp phần vận chuyển các chất và điều hoà thân nhiệt.

3. Chất dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu và năng lượng để sinh vật thực hiện các quá trình sống. Ở thực vật, chất dinh dưỡng là các chất khoáng. Ở động vật, chất dinh dưỡng là protein, carbohydrate, lipid, vitamin và khoáng chất.