Bài 28. Hệ sinh thái

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Khái quát về hệ sinh thái

1. Khái niệm

- Hệ sinh thái là một cấp độ tổ chức sống bao gồm quần xã sinh vật và sinh cảnh, trong đó các thành phần cấu trúc tác động qua lại và gắn bó với nhau như một thể thống nhất tương đối ổn định.

- Trong hệ sinh thái, có sự trao đổi vật chất và năng lượng giữa các sinh vật trong quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh hình thành nên vòng tuần hoàn vật chất và dòng năng lượng.

- Hệ sinh thái là một hệ thống mở, tự điều chỉnh, thường xuyên trao đổi vật chất, năng lượng với hệ sinh thái khác và có các cơ chế duy trì cấu trúc ở trạng thái cân bằng động.

2. Thành phần cấu trúc

Thành phần cấu trúc hệ sinh thái, hoc24
Thành phần cấu trúc hệ sinh thái

II. Các kiểu hệ sinh thái trên trái đất

1. Hệ sinh thái tự nhiên

- Hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái hình thành và tồn tại trong tự nhiên, ít hoặc không có sự can thiệp của con người.

- Hệ sinh thái tự nhiên có đặc điểm: số lượng loài lớn, tính ổn định cao, sử dụng nguồn vật chất, năng lượng sẵn có trong môi trường, các thành phần của hệ sinh thái tương tác chặt chẽ với nhau và tự điều chỉnh theo các quy luật tự nhiên.

Hệ sinh thái tự nhiên, hoc24
Hệ sinh thái rạn san hô ven biển Nha Trang

- Hệ sinh thái tự nhiên chia thành 2 nhóm:

  • Hệ sinh thái trên cạn: rừng rụng lá ôn đới, sa mạc, đồng rêu hàn đới,...
  • Hệ sinh thái dưới nước: hồ, sông, biển,...

2. Hệ sinh thái nhân tạo

- Hệ sinh thái nhân tạo là hệ sinh thái do con người tạo ra như ao nuôi cá, rừng trồng, ruộng lúa, công viên, thành phố,...

hệ sinh thái nhân tạo, hoc24
Hệ sinh thái ruộng lúa bậc thang

- Hệ sinh thái nhân tạo có các đặc điểm: số lượng loài ít và chịu sự kiểm soát của con người, tính ổn định thấp và mức độ ổn định phụ thuộc vào tác động của con người, không chỉ sử dụng nguồn vật chất năng lượng của môi trường mà còn được con người bổ sung thêm từ các nguồn khác.