Bài 22. Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo (phần 1)

Nội dung lý thuyết

1. Biển và đảo Việt Nam

- Vùng biển Việt Nam có đường bờ biển dài 3 260 km và vùng biến rộng khoảng 1 triệu km2.

- Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Cả nước có 28 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển.

- Vùng biển Việt Nam có hàng nghìn đảo lớn nhỏ, tập hợp các đảo gần nhau tạo thành quần đảo. Một số đảo và quần đảo của nước ta đã được tổ chức thành đơn vị hành chính cấp huyện và cấp thành phố. Tính đến năm 2022, cả nước có 11 huyện đảo và 1 thành phố đảo thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo

a. Phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, đảo

- Hoạt động kinh tế biển, đảo rất đa dạng, bao gồm: du lịch biển đảo, giao thông vận tải biển, khai thác khoáng sản, nuôi trồng và khai thác hải sản,...

- Chỉ có phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, đảo mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Ngành kinh tế biểnTình hình phát triển
Du lịch biển, đảo

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú.

- Dọc bờ biển nước ta có hàng trăm bãi biển đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.

- Ven bờ có nhiều đảo với phong cảnh kì thú, hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.

- Là ngành kinh tế biển được ưu tiên phát triển hàng đầu ở nước ta. Những năm qua, ngành du lịch biển, đảo phát triển nhanh, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

- Sự phát triển ngành du lịch biểm, đảo tác động tới nhiều ngành kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa vùng biển,...

- Tuy nhiên, việc phát triển du lịch biển cũng cần chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường biển, đảo.

Giao thông vận tải biển

- Nước ta gần nhiều tuyến đường biển quốc tế quan trọng. Ven biển có nhiều vũng vịnh có thể xây dựng cảng nước sâu.

=> Những điều kiện trên cho phép nước ta phát triển giao thông đường biển giữa các địa phương ven biển, cũng như giữa nước ta với các nước khác.

- Đến năm 2021, cả nước có 34 cảng biển, trong đó có hai cảng loại đặc biệt là cảng Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cảng biển ngày càng hiện đại, đội tàu biển quốc gia được tăng cường để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng.

- Phát triển giao thông vận tải biển sẽ thúc đẩy phát triển ngành ngoại thương, công nghiệp đóng tàu và các dịch vụ hàng hải như logistics, kho bãi, hải quan,...

- Việc phát triển giao thông vận tải biển cần chú trọng đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật, bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển dầu mỏ.

Khai thác khoáng sản

- Vùng biển nước ta có nhiều tài nguyên khoáng sản, quan trọng nhất là dầu mỏ và khí tự nhiên, phân bố ở các bể trầm tích Nam Côn Sơn, Cửu Long, Sông Hồng, Phú Khánh, Malay - Thổ Chu,...

- Ngoài ra, ven biển còn có ti-tan, cát thuỷ tinh, một số nơi thuận lợi cho sản xuất muối.

- Dầu khí là ngành kinh tế biển mũi nhọn, có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Nước ta hiện nay không những phát triển về khai thác mà còn phát triển chế biến dầu khí.

+ Ngành công nghiệp lọc - hóa dầu ở Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hoá),... đã đáp ứng một phần nhu cầu xăng dầu trong nước và tiến tới giảm dần nhập khẩu mặt hàng này.

- Ngành công nghiệp chế biến khí tự nhiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau,... phục vụ cho sản xuất điện, phân đạm, khí hóa lỏng,...

- Sản xuất muối, khai thác ti-tan, khai thác cát trắng cũng được chú trọng phát triển.

- Việc khai thác, chế biển khoáng sản biển đã thúc đẩy sự phát triển công nghiệp khai khoáng, dịch vụ vận tải biển, tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị, giải quyết việc làm,....

- Quá trình khai thác khoáng sản biển cần khai thác hợp lí, chú ý tới bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Nuôi trồng và khai thác hải sản

- Vùng biển nước ta có trữ lượng hải sản lớn với nhiều ngư trường. Dọc bờ biển và ven các đảo có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi trồng hải sản.

- Hoạt động khai thác hải sản:

+ Sản lượng hải sản ngày càng tăng. 

+ Được khuyến khích đẩy mạnh tại các vùng biển xa bờ.

+ Công tác quản lí nghề cá trên biển ngày càng chặt chẽ và hiện đại.

- Nuôi trồng hải sản:

+ Ngày càng mở rộng diện tích và đa dạng đối tượng nuôi trồng.

+ Đang chuyển từ phương thức truyền thống sang mô hình công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

=> Cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

- Phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng biển, góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh.

- Tuy nhiên, việc phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản cần chú ý đến sự suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tuân thủ các công ước quốc tế...

- Ngoài ra, nước ta còn phát triển các ngành kinh tế biển, đảo khác như: công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, dược liệu biển,...

b. Ý nghĩa của việc phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo

- Biển, đảo luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh đất nước.

- Để trở thành một đất nước mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, cần chú trọng đến việc phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo.

- Phát triển tổng hợp kinh tế biến, đảo có ý nghĩa quan trọng đối với:

+ Bảo vệ tài nguyên, môi trường: thông qua phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo sẽ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường, hướng tới phát triển bền vững. 

+ Giữ vững chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; thể hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển quốc gia.