Bài 20. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (phần 2)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

4. Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế

Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển.

- Tổng sản phẩm của vùng chiếm 11,8% GDP cả nước (năm 2021).

- Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tuy nhiên còn chậm. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành kinh tế của vùng.

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi để phát triển một số ngành kinh tế thế mạnh như nông nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất điện; dịch vụ.

Ngành kinh tếTình hình phát triển
Nông nghiệp và thuỷ sản

- Nông nghiệp:

+ Trồng trọt: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc biệt là lúa và cây ăn quả.

+ Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, nhất là vịt. Vịt được nuôi nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh. Ngoài ra nhiều nơi còn chăn nuôi lợn, bò,...
- Thuỷ sản là thế mạnh hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Sản lượng thủy sản của vùng tăng liên tục, chiếm trên 55% tổng sản lượng thủy sản của cả nước (năm 2021).
+ Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng lớn hơn và tăng nhanh hơn sản lượng thuỷ sản khai thác. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá da trơn, tôm.

+ Hiện nay, việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu thị trường.
+ Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre,.. là những địa phương có sản lượng thuỷ sản lớn nhất cả nước..

Công nghiệp

- Công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu công nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

- GRDP công nghiệp chiếm 20,5% GRDP của vùng (năm 2021).

- Vùng có khá nhiều ngành công nghiệp, trong đó công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; công nghiệp sản xuất điện là những ngành có thế mạnh.
- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Nguồn nguyên liệu dồi dào của ngành nộng nghiệp và thủy sản, nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản lớn đã thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển và phân bố rộng khắp vùng.

+ Các sản phẩm chủ yếu của ngành là gạo xay xát, thuỷ sản ướp đông, rau quả đóng hộp, thức ăn chăn nuôi,... Ngoài việc cung cấp trong nước, một số sản phẩm còn là mặt hàng xuất khấu quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao.
- Công nghiệp sản xuất điện:

+ Sản lượng điện của vùng tăng nhanh do nhiều nhà máy điện được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

+ Bên cạnh các nhà máy nhiệt điện (ở Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ,...), những năm gần đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện gió (ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau,...), điện mặt trời (ở Hậu Giang, An Giang....).

+ Việc đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Dịch vụ

- Dịch vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh.

- Một số lĩnh vực dịch vụ có thế mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long là thương mại, tài chính ngân hàng, giao thông đường thuỷ, logistics, du lịch.
- Thương mại:

+ Hoạt động nội thương phát triển đa dạng, chợ nổi trên sông đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các trung tâm thương mại, siêu thị có ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Mỹ Tho,...
+ Hoạt động ngoại thương được đẩy mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đứng đầu cả nước là gạo, thuỷ sản ướp đông và rau quả.
- Tài chính ngân hàng:

+ Phát triển rộng rãi đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn để sản xuất và kinh doanh => Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Cẩn Thơ là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất vùng.
- Giao thông vận tải:

+ Đường thủy phát triển rộng khắp, đảm nhiệm vai trò quan trọng hàng đầu trong việc vận chuyển hàng hóa của vùng.

+ Một số tuyến đường bộ cao tốc đang được đầu tư xây dựng (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau...), giúp Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và cửa khẩu được thuận tiện.

+ Các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông cũng được nâng cấp,...
- Dịch vụ logistics:

+ Được chú trọng phát triển, hỗ trợ hiệu quả hoạt động giao thông vận tải, thương mại, nhất là xuất khẩu nông sản và thuỷ sản,...

+ Cần Thơ là trung tâm logistics của vùng.
- Du lịch:

+ Là ngành kinh tế có thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo.

+ Trong đó, Phú Quốc và Cần Thơ là hai trung tâm du lịch của vùng có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

5. Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 16 nghìn km2 (chiếm hơn 5% diện tích cả nước), số dân khoảng 6,1 triệu người (chiếm 6,2% số dân cả nước), đóng góp khoảng 4% GDP cả nước (năm 2021).

- Bao gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

- Các thế mạnh nổi trội của vùng là sản xuất lương thực, thực phẩm; sản xuất điện; phát triển du lịch; giao thông đường biển, đường sông, đường hàng không,...

- Những năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành:

+ Trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản.

+ Đóng góp quan trọng vào xuất khẩu nông sản và thuỷ sản cả nước

=> Thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

- Định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là:

+ Tập trung vào tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phụ cận.

+ Xây dựng vùng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, kinh tế biển,...