Nội dung lý thuyết
Định nghĩa:
Cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\). Nếu vectơ \(\overrightarrow{n}\) khác \(\overrightarrow{0}\) và có giá vuông góc với mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) thì \(\overrightarrow{n}\) được gọi là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\).
Chú ý: Nếu \(\overrightarrow{n}\) là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) thì \(k\overrightarrow{n}\) với \(k\ne0\) cũng là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng đó.
Trong không gian \(Oxyz\) cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) và hai vectơ không cùng phương \(\overrightarrow{a}=\left(a_1;a_2;a_3\right)\) và \(\overrightarrow{b}=\left(b_1;b_2;b_3\right)\) có giá song song hoặc nằm trong mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\). Khi đó mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) nhận vectơ
\(\overrightarrow{n}=\left(a_2b_3-a_3b_2;a_3b_1-a_1b_3;a_1b_2-a_2b_1\right)\)
làm vectơ pháp tuyến.
Vectơ \(\overrightarrow{n}\) xác định như trên được gọi là tích có hướng (hay tích vectơ) của hai vectơ \(\overrightarrow{a}\) và \(\overrightarrow{b}\), kí hiệu là \(\overrightarrow{n}=\overrightarrow{a}\Lambda\overrightarrow{b}\) hoặc \(\overrightarrow{n}=\left[\overrightarrow{a},\overrightarrow{b}\right]\).
Ví dụ 1: Trong không gian \(Oxyz\) cho ba điểm \(A\left(2;-1;3\right),B\left(4;0;1\right),C\left(-10;5;3\right)\). Hãy tìm toạ độ một vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(ABC\right)\).
Giải:
Với \(A\left(2;-1;3\right),B\left(4;0;1\right),C\left(-10;5;3\right)\) ta có \(\overrightarrow{AB}=\left(2;1;-2\right),\overrightarrow{AC}=\left(-12;6;0\right)\)
Khi đó áp dụng công thức tích vectơ ta được
\(\left[\overrightarrow{AB},\overrightarrow{AC}\right]=\left(12;24;24\right)=12\left(1;2;2\right)\)
Như vậy \(\overrightarrow{n}=\left(1;2;2\right)\) là một vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(ABC\right)\).
Phương trình có dạng \(Ax+By+Cz+D=0\), trong đó \(A,B,C\) không đồng thời bằng 0, được gọi là phương trình tổng quát của mặt phẳng.
Nhận xét:
a) Nếu mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) có phương trình tổng quát là \(Ax+By+Cz+D=0\) thì nó có một vectơ pháp tuyến là \(\overrightarrow{n}=\left(A;B;C\right)\).
b) Phương trình mặt phẳng đi qua điểm \(M\left(x_0;y_0;z_0\right)\) nhận vectơ \(\overrightarrow{n}\left(A;B;C\right)\) khác \(\overrightarrow{0}\) làm vectơ pháp tuyến là \(A\left(x-x_0\right)+B\left(y-y_0\right)+C\left(z-z_0\right)=0\).
Ví dụ 2: Hãy tìm một vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\): \(4x-2y-6z+7=0\).
Giải:
Theo định nghĩa mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\): \(4x-2y-6z+7=0\) có một vectơ pháp tuyến có toạ độ là \(\left(4;-2;-6\right)=2\left(2;-1;-3\right)\).
Vậy \(\overrightarrow{n}=\left(2;-1;-3\right)\) là một vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\).
Ví dụ 3: Viết phương trình mặt phẳng \(\left(\beta\right)\) có một vectơ pháp tuyến là \(\overrightarrow{b}\left(1;-2;1\right)\) và đi qua điểm \(B\left(0;2;-3\right)\).
Giải:
Phương trình mặt phẳng \(\left(\beta\right)\) có một vectơ pháp tuyến là \(\overrightarrow{b}\left(1;-2;1\right)\) và đi qua điểm \(B\left(0;2;-3\right)\) có dạng: \(1\left(x-0\right)-2\left(y-2\right)+1\left(z-\left(-3\right)\right)=0\)
hay \(\left(\beta\right)\): \(x-2y+z+7=0\).
Trong không gian \(Oxyz\) cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\): \(Ax+By+Cz+D=0\).
a) Nếu \(D=0\): Mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) đi qua gốc toạ độ \(O\).
b) Nếu một trong ba hệ số \(A,B,C\) bằng 0, chẳng hạn \(A=0\) thì mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) song song hoặc chứa trục \(Ox\).
c) Nếu hai trong ba hệ số \(A,B,C\) bằng 0, chẳng hạn \(A=B=0,C\ne0\) thì mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) song song hoặc trùng với mặt phẳng \(\left(Oxy\right)\).
Nhận xét: Nếu cả bốn hệ số \(A,B,C,D\) đều khác 0 thì bằng cách đặt \(a=-\dfrac{D}{A},b=-\dfrac{D}{B},c=-\dfrac{D}{C}\) ta có thể đưa phương trình tổng quát về dạng như sau:
\(\dfrac{x}{a}+\dfrac{y}{b}+\dfrac{z}{c}=1\).
Phương trình này gọi là phương trình của mặt phẳng theo đoạn chắn.
Trong không gian \(Oxyz\) cho hai mặt phẳng:
\(\left(\alpha_1\right):A_1x+B_1y+C_1z+D_1=0\) ;
\(\left(\alpha_2\right):A_2x+B_2y+C_2z+D_2=0\)
Khi đó \(\left(\alpha_1\right)\) và \(\left(\alpha_2\right)\) có hai vectơ pháp tuyến lần lượt là \(\overrightarrow{n_1}\left(A_1;B_1;C_1\right)\) và \(\overrightarrow{n_2}\left(A_2;B_2;C_2\right)\).
Hai mặt phẳng \(\left(\alpha_1\right)\) và \(\left(\alpha_2\right)\) song song hoặc trùng nhau khi và chỉ khi hai vectơ pháp tuyến \(\overrightarrow{n_1}\) và \(\overrightarrow{n_2}\) của chúng cùng phương.
\(\left(\alpha_1\right)\)//\(\left(\alpha_2\right)\) \(\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\overrightarrow{n_1}=k\overrightarrow{n_2}\\D_1\ne kD_2\end{matrix}\right.\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\left(A_1;B_1;C_1\right)=k\left(A_2;B_2;C_2\right)\\D_1\ne kD_2\end{matrix}\right.\)
\(\left(\alpha_1\right)\)\(\equiv\)\(\left(\alpha_2\right)\) \(\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\overrightarrow{n_1}=k\overrightarrow{n_2}\\D_1=kD_2\end{matrix}\right.\Leftrightarrow\left\{{}\begin{matrix}\left(A_1;B_1;C_1\right)=k\left(A_2;B_2;C_2\right)\\D_1=kD_2\end{matrix}\right.\).
Chú ý: \(\left(\alpha_1\right)\) cắt \(\left(\alpha_2\right)\) \(\Leftrightarrow\overrightarrow{n_1}\ne k\overrightarrow{n_2}\Leftrightarrow\left(A_1;B_1;C_1\right)\ne k\left(A_2;B_2;C_2\right)\).
Ví dụ 4: Viết phương trình mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) đi qua điểm \(M\left(1;-2;3\right)\) và song song với mặt phẳng \(\left(\beta\right):2x-3y+z+5=0\).
Giải:
Do mp\(\left(\alpha\right)\) // mp \(\left(\beta\right)\) nên \(\left(\alpha\right)\) có một vectơ pháp tuyến là \(\overrightarrow{n}\left(2;-3;1\right)\).
Do \(M\left(1;-2;3\right)\in\left(\alpha\right)\) nên phương trình mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) là:
\(2\left(x-1\right)-3\left(y+2\right)+1\left(z-3\right)=0\) hay \(2x-3y+z-11=0\).
Hai mặt phẳng \(\left(\alpha_1\right)\) và \(\left(\alpha_2\right)\) vuông góc với nhau khi và chỉ khi hai vectơ pháp tuyến \(\overrightarrow{n_1}\) và \(\overrightarrow{n_2}\) tương ứng của chúng vuông góc với nhau.
\(\left(\alpha_1\right)\perp\left(\alpha_2\right)\Leftrightarrow\overrightarrow{n_1}.\overrightarrow{n_2}=0\Leftrightarrow A_1A_2+B_1B_2+C_1C_2=0\).
Ví dụ 5: Viết phương trình mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) đi qua hai điểm \(A\left(3;1;-1\right)\) và \(B\left(2;-1;4\right)\) và vuông góc với mặt phẳng \(\left(\beta\right):2x-y+3z-1=0\).
Giải:
Ta có \(\overrightarrow{n_{\beta}}\left(2;-1;3\right)\) là vectơ pháp tuyến của mặt phẳng \(\left(\beta\right):2x-y+3z-1=0\)
Hai vectơ không cùng phương có giá song song hoặc nằm trên \(\left(\alpha\right)\) là
\(\overrightarrow{AB}=\left(-1;-2;5\right)\) và \(\overrightarrow{n_{\beta}}\left(2;-1;3\right)\)
Do đó mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) có vectơ pháp tuyến là \(\overrightarrow{n_{\alpha}}=\left[\overrightarrow{AB},\overrightarrow{n_{\beta}}\right]=\left(-1;13;5\right)\)
Vậy phương trình của \(\left(\alpha\right)\) là
\(-1\left(x-3\right)+13\left(y-1\right)+5\left(z+1\right)=0\) hay \(x-13y-5z+5=0\).
Định lí:
Trong không gian \(Oxyz\) cho mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) có phương trình \(Ax+By+Cz+D=0\) và điểm \(M_0\left(x_0;y_0;z_0\right)\). Khoảng cách từ điểm \(M_0\left(x_0;y_0;z_0\right)\) đến mặt phẳng \(\left(\alpha\right)\) kí hiệu là \(d\left(M_0,\left(\alpha\right)\right)\) được tính theo công thức
\(d\left(M_0,\left(\alpha\right)\right)=\dfrac{\left|Ax_0+By_0+Cz_0+D\right|}{\sqrt{A^2+B^2+C^2}}\).
Ví dụ 6: Tính khoảng cách từ điểm \(M\left(1;-2;13\right)\) đến mặt phẳng \(\left(\alpha\right):2x-2y-z+3=0\).
Giải:
Áp dụng công thức trên ta có: \(d\left(M,\left(\alpha\right)\right)=\dfrac{\left|2.1-2.\left(-2\right)-13+3\right|}{\sqrt{2^2+\left(-2\right)^2+\left(-1\right)^2}}=\dfrac{4}{3}\).
Ví dụ 7: Tính khoảng cách giữa hai mặt phẳng song song
\(\left(\alpha\right):x+2y+2x+11=0\)
và \(\left(\beta\right):x+2y+2x+2=0\).
Giải:
Ta biết khoảng cách giữa hai mặt phẳng song song bằng khoảng cách từ một điểm bất kì của mặt phẳng này đến mặt phẳng kia.
Ta lấy \(M\left(0;0;-1\right)\in\left(\beta\right)\), ta có:
\(d\left(\left(\alpha\right),\left(\beta\right)\right)=d\left(M,\left(\alpha\right)\right)=\dfrac{\left|0+2.0+2.\left(-1\right)+11\right|}{\sqrt{1^2+2^2+2^2}}=\dfrac{9}{3}=3\).