Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác♦ Hoàn cảnh, lí do phải thống nhất đất nước về mặt nhà nước
- Việt Nam đã được thống nhất về lãnh thổ, song ở mỗi miền Nam - Bắc lại tồn tại những hình thức tổ chức Nhà nước khác nhau.
- Nguyện vọng của nhân dân cả nước: mong muốn có một Nhà nước thống nhất.
- Cần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
- Tình hình an ninh, quốc phòng của đất nước ở biên giới Tây Nam và phía Bắc còn nhiều phức tạp.
♦ Quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước
- Tháng 9/1975, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần 24 đề ra nhiệm vụ thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
- Từ ngày 15 đến ngày 20/ 9/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước họp tại Sài Gòn đã nhất trí hoàn toàn các vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
- Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước.
- Kì họp thứ nhất (24/6 - 3/7/1976), Quốc hội đã thông qua chính sách đối nội và đối ngoại; quyết định tên Nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quốc huy là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là Tiến quân ca, thủ đô là Hà Nội, Tp Sài Gòn - Gia định đổi tên thành TP Hồ Chí Minh.
♦ Bảo vệ biên giới Tây Nam
- Bối cảnh:
+ Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính quyền Pôn Pốt ở Cam-pu-chia đã có nhiều hoạt động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam: đánh chiếm đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, tàn sát dân thường tại Hà Tiên, An Giang, Tây Ninh,...
+ Trước tình hình này, Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ hành động sai trái của chính quyền Pôn Pốt, thể hiện thái độ thiện chí muốn giải quyết vấn đề biên giới bằng con đường thương lượng hoà bình. Tuy nhiên, chính quyền Pôn Pốt đều từ chối và cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
- Diễn biến chính:
+ Tháng 12-1978, chính quyền Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng đơn phương tấn công Tây Ninh để mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, từ ngày 23-12-1978, quân đội Việt Nam mở cuộc tổng phản công và chỉ trong thời gian ngắn đã đánh bại quân xâm lược.
- Ý nghĩa:
+ Giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
+ Tạo thời cơ lớn cho cách mạng Cam-pu-chia giành thắng lợi.
♦ Bảo vệ biên giới phía Bắc
- Bối cảnh: Từ năm 1978, Trung Quốc đơn phương chấm dứt các viện trợ kinh tế, kĩ thuật và có nhiều hành động khiêu khích, xâm phạm ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam.
- Diễn biến chính:
+ Ngày 17-2-1979, khoảng 60 vạn quân Trung Quốc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
+ Quân dân các tình biên giới phía Bắc đã kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhiều trận chiến quyết liệt đã diễn ra ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai,...
+ Trước cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, Trung Quốc phải tuyên bố rút quân (5-3-1979). Tuy nhiên, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc tiếp tục căng thẳng kéo dài cho tới cuối những năm 80 của thế kỉ XX, đặc biệt là ở Vị Xuyên (Hà Giang).
- Ý nghĩa: Cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc thắng lợi đã khẳng định ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
♦ Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Việt Nam tiếp tục quản lí, thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
+ Các đơn vị hành chính được thành lập như: huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng, huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), huyện Trường Sa (Khánh Hoà)...
+ Nhiều văn bản pháp lí liên quan đến các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam được ban hành. Nhiều tuyên bố về chủ quyền biển, đảo của Nhà nước Việt Nam cũng được công khai tại các diễn dàn quốc tế.
- Tuy nhiên, các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Biển Đông liên tiếp diễn ra, đặc biệt là từ phía Trung Quốc:
+ Tháng 3-1988, quân đội Trung Quốc huy động lực lượng lớn tấn công một số đảo chìm và bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao).
+ Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại đảo Gạc Ma, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh. Ngay lúc đó, Chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Liên hợp quốc về vấn đề này, đồng thời gửi nhiều công hàm phản đối và đề nghị bên Việt Nam-Trung Quốc thương lượng để giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hoà bình,....
♦ Về chính trị
- Sau khi thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
+ Các đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) đã đề ra và phát triển đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
+ Hiến pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua (12-1980);
+ Bộ máy chính quyền trung ương và địa phương tiếp tục được củng cố và kiện toàn,..
- Việt Nam phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện, thân thiện với các nước xã hội chủ nghĩa; từng bước thiết lập quan hệ với các nước ASEAN, gia nhập tổ chức Liên hợp quốc (1977)..
♦ Về kinh tế
- Thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (1976-1980 và 1981-1985), nhân dân Việt Nam đã:
+ Từng bước khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh;
+ Khôi phục phần lớn cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam;
+ Khai thông giao lưu hàng hoá giữa hai miền Bắc-Nam.
- Các ngành sản xuất trong cả nước được tổ chức theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa dựa trên nguyên tắc tập trung. Thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể dược tăng cường. Nhiều công trình hạ tầng lớn cũng được xây dựng,
- Tuy nhiên, trong giai đoạn này, sản xuất không đủ cung ứng, đặc biệt là sản xuất lương thực, lạm phát tăng cao và kéo dài.
♦ Về xã hội
- Hoạt động giáo dục, văn hoá được đẩy mạnh để xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Mặc dù thu nhập của người dân được cải thiện song đời sống còn gặp nhiều khó khăn, Nhà ở, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt văn hoá ở nhiều nơi còn thiếu thốn, nghèo nàn.
- Nguyên nhân khách quan:
+ Cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
+ Công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc bước đầu đạt được nhiều thành tựu.
+ Tác động của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật và xu thế toàn cầu hóa.
+ Từ những năm 70 của thế kỉ XX, xu thế hòa hoãn Đông - Tây đã diễn ra → tạo điều kiện cho các nước mở rộng quan hệ quốc tế.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Những sai lầm về chủ trương, chính sách trong việc thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 - 1985) → Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội.
+ Việt Nam đang có những bất lợi trong quan hệ quốc tế (với Mĩ, Trung Quốc, ASEAN,...) → cần phải điều chỉnh chính sách đối ngoại.
→ Đổi mới là quy luật tất yếu của thời đại, là vấn đề sống còn của chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Đảng đề ra lần đầu tiên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986).
- Đường lối đổi mới tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và phát triển qua nhiều kì Đại hội Đảng: lần VII (tháng 6/1991), lần VIII (tháng 6/1996), lần IX (tháng 4/2001),...
- Quan điểm đổi mới:
+ Không thay đổi mục tiêu của CNXH, mà làm cho những mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
+ Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ.
+ Đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới về chính trị, song đổi mới kinh tế là trọng tâm (do xuất phát từ tình hình kinh tế của đất nước).
- Nội dung cụ thể:
+ Kinh tế:
▪ Xoá bỏ mô hình quân li kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.
▪ Xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước.
▪ Kêu gọi đầu tư nước ngoài và mở rộng kinh tế đối ngoại.
+ Chính trị
▪ Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
▪ Mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
♦ Kết quả:
- Kinh tế:
+ Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước bắt đầu hình thành.
+ Việc thực hiện tốt Ba chương trình kinh tế (Lương thực, thực phẩm, Hàng tiêu dùng và Hàng xuất khẩu) đã giúp phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát,...
- Chính trị:
+ Hoạt động của các tổ chức chính trị được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ: tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực của các cơ quan dân cử,...
+ Quan hệ đối ngoại từng bước được mở rộng, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
♦ Hạn chế:
- Đất nước lúc này chưa ra khỏi khủng hoảng về kinh tế-xã hội.
- Nền kinh tế phát triển vẫn mất cân đối, chỉ số lạm phát còn ở mức cao.
- Nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết như: sự bất hợp lí của chế độ tiền lương có dấu hiệu gia tăng, phân hoá giàu-nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn...
♦ Ý nghĩa: Những thành tựu bước đầu của công cuộc Đổi mới đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong việc để ra và thực hiện đường lối đổi mới, từ đó, đem lại niềm tin và tạo ra sức mạnh cho nhân dân trong giai đoạn tiếp theo.