Bài 15. Duyên hải Nam Trung Bộ (phần 2)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

5. Một số ngành kinh tế thế mạnh

Ngành kinh tếTình hình phát triển
Thuỷ sản

Đứng thứ hai cả nước sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tổng sản lượng.

- Thuỷ sản khai thác:

+ Sản lượng thuỷ sản khai thác tăng nhanh, chiếm hơn 90% tổng sản lượng thuỷ sản Duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó chủ yếu là khai thác biển.

+ Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, đầu tư tàu đánh bắt công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để tàu đi được dài ngày và đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt.

+ Các tỉnh có hoạt động khai thác thủy sản phát triển nhất là Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

- Thuỷ sản nuôi trồng:

+ Đang được đẩy mạnh theo hướng áp dụng công nghệ cao, nuôi trồng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

+ Các sản phẩm nuôi trồng chính như tôm hùm, rong, trai lấy ngọc,... trở thành các sản phẩm đặc sản vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần thúc đẩy du lịch.

+ Các địa phương nuôi trồng thủy sản nhiều nhất là Khánh Hòa, Phú Yên.

Công nghiệp

- Tổng sản phẩm ngành công nghiệp và xây dựng tăng liên tục, đóng góp hơn 30% vào GRDP của Duyên hải Nam Trung Bộ (năm 2021).

- Cơ cấu công nghiệp khá đa dạng, một số ngành nổi bật là:

+ Sản xuất điện: một số nhà máy điện lớn như thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi (Bình Thuận), nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), các tổ hợp điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận,..

+ Sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế (Quảng Ngãi).

+ Sản xuất, chế biến thực phẩm (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa).

+ Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (Quảng Nam),...

+ Các ngành công nghiệp tích cực áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất như tự động hóa, đông khô,..

- Hình thành các trung tâm công nghiệp ven biển gồm: Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.

Dịch vụ

- Tổng sản phẩm ngành dịch vụ tăng khá nhanh, năm 2021 chiếm gần 40% GRDP trên địa bàn.

- Cơ cấu ngành dịch vụ đa dạng, trong đó hoạt động giao thông vận tải và du lịch có nhiều thế mạnh để phát triển.

- Giao thông vận tải:

+ Mạng lưới giao thông được đầu tư nâng cấp, với đầy đủ các loại hình giao thông.

+ Các tuyến đường bộ huyết mạch có quốc lộ 1, 19, 24, 25, 26, 27, cao tốc Bắc - Nam; đường sắt Thống Nhất.

+ Các cảng biển quan trọng là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà.

+ Hai cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển người, hàng hóa trong nước và quốc tế. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng nhanh.

+ Dịch vụ hậu cần cảng, logistics đang được đẩy mạnh phát triển.

+ Các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn vừa là trung tâm dịch vụ vừa là đầu mối giao thông vận tải, đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu quan trọng.

- Du lịch:

+ Có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch.

+ Các loại hình du lịch phát triển là du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp,...

+ Các sản phẩm du lịch ngày càng có chất lượng; cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí,... được đầu tư hiện đại.

+ Đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng du lịch thông minh, du lịch bền vững,...

+ Các trung tâm du lịch lớn nhất là Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Quy Nhơn,... hằng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch trong và ngoài nước. 

6. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

- Có diện tích khoảng 28 nghìn km2, số dân là 6,6 triệu người.

- Vùng gồm 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định (năm 2021).

 - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thế mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển, bao gồm:

+ Kinh tế hàng hải.

+ Khai thác dầu thô và khí tự nhiên và các tài nguyên khoáng sản biển khác.

+ Nuôi trồng và khai thác hải sản.

+ Công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời),...

- Trong những năm gần đây, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tốc độ tăng trưởng cao so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Năm 2021, vùng đóng góp 5,4% GDP cả nước.

- Định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là:

+ Tập trung vào khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ chất lượng cao, trong đó Đà Nẵng là cực tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

+ Tiếp tục hình thành, phát triển các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế, trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, khu công nghệ cao.

+ Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.