BÀI 12: Nhiên liệu và an ninh năng lượng

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Một số nhiên liệu thông dụng

Một số nhiên liệu thông dụng

Nhiên liệu (chất đốt) khi cháy đều toả nhiệt và ánh sáng.

Dựa vào trạng thái, người ta phân loại nhiên liệu thành: nhiên liệu khí (gas, biogas, khí than,...); nhiên liệu lỏng (xăng, dầu, cồn,...); nhiên liệu rắn (củi, than đá, nến, sáp,...).

Dựa vào nguồn gốc và mục đích sử dụng, người ta còn phân loại nhiên liệu thành:

Nhiên liệu hạt nhân là các chất phóng xạ được sử dụng trong các nhà máy năng lượng hạt nhân để tạo ra nhiệt cung cấp cho các tua bin hay máy phát điện.

Nhiên liệu hoá thạch là các loại nhiên liệu chứa hàm lượng carbon và hydrocarbon lớn. Chúng được tạo thành bởi quá trình phân huỷ kị khí của các sinh vật chết bị chôn vùi cách đây hàng trăm triệu năm (khoảng hơn 300 triệu năm).

Với điều kiện thiếu oxygen và trải qua thời gian địa chất kéo dài, các hợp chất hữu cơ này trộn với bùn và bị chôn vùi bên dưới các lớp trầm tích nặng. Trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao các chất hữu cơ bị biến đổi hoá học tạo thành các nhiên liệu hoá thạch. Nhiên liệu hoá thạch bao gồm than đá, dầu khí, khí tự nhiên, đá phiến dầu, nhựa đường, cát dầu và dầu nặng.

Nhiên liệu tái tạo là nhiên liệu tự nhiên chỉ mất thời gian ngắn có thể bổ sung được. Ví dụ củi đốt, biogas,... là nhiên liệu tái tạo vì con người có thể trồng cây để lấy củi, sản xuất biogas từ chất thải hữu cơ.

Nhiên liệu không tái tạo là các loại nhiên liệu mất hàng trăm triệu năm mới tạo ra được. Nhiên liệu hoá thạch thuộc loại nhiên liệu không tái tạo. Nếu tận thu nhiên liệu hoá thạch sẽ cạn kiệt nguồn nhiên liệu này trong tương lai.

Nhiên liệu sinh học là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (sinh học) như nhiên liệu chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa,…), ngũ cốc (lúa mì, ngô, đậu tương,…); chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng, …), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải,..). Biogas, xăng sinh học là các loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường.

@1737031@

2. Một số tính chất và ứng dụng của nhiên liệu

Nhiên liệu có nhiều ứng dụng trong cuộc sống: Đốt cháy than, củi, khí tự nhiên để đun nấu, sưởi ấm; sử dụng xăng dầu để chạy động cơ; sử dụng nhiệt để hàn cắt kim loại, nung gốm sứ; biến năng lượng hạt nhân thành điện năng.

Tính chất đặc trưng của nhiên liệu là khả năng cháy và toả nhiệt. Dựa vào tính chất của nhiên liệu mà người ta sử dụng chúng vào những mục đích khác nhau.

3. Sử dụng nhiên liệu an toàn, hiệu quả

Rò rỉ gas gây cháy nổ

  • Lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu an toàn, hiệu quả:

- Tránh cháy nổ gây nguy hiểm đến con người và tài sản.

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Làm cho nhiên liệu cháy hoàn toàn và tận dụng lượng nhiệt do quá trình cháy tạo ra.

  • Một số biện pháp sử dụng nhiên liệu an toàn, hiệu quả

- Cung cấp đủ oxygen cho quá trình cháy.

- Tăng diện tích tiếp xúc giữa không khí và nhiên liệu.

- Điều chỉnh nhiên liệu để duy trì sự cháy ở mức cần thiết nhằm cung cấp lượng nhiệt vừa đủ với nhu cầu sử dụng, tránh lãng phí nhiên liệu.

Sử dụng nhiên liệu an toàn, hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ cháy nổ; tiết kiệm chi phí trong cuộc sống và sản xuất.

 

@1737129@

4. Sử dụng nhiên liệu bảo đảm sự phát triển bền vững – an ninh năng lượng

An ninh năng lượng là sự đảm bảo đầy đủ năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau, ưu tiên các nguồn năng lượng sạch và giá thành rẻ. Sử dụng các nhiên liệu tái tạo như nhiên liệu sinh học, nhiên liệu xanh thay thế các nhiên liệu hoá thạch là giải pháp sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường có tính bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng.