Bài 11: Vấn đề phát triển ngành nông nghiệp

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. THẾ MẠNH VÀ HẠN CHẾ ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a. Thế mạnh

- Địa hình và đất:

+ Đồi núi chiếm 3/4 diện tích, đất feralit chiếm chủ yếu => Thuận lợi trồng cây công nghiệp, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc lớn.

+ Đồng bằng chiếm 1/4 diện tích, đất phù sa mùa mỡ => Thuận lợi trồng cây lương thực, thực phẩm; chăn nuôi lợn và gia cầm.

- Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, có sự phân hoá => Phát triển nông nghiệp nhiệt đới, cơ cấu đa dạng, phát triển quanh năm,...

- Nguồn nước: sông ngòi dày đặc, nhiều hồ, đầm => Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

- Sinh vật: hệ động, thực vật phong phú => Cơ sở để thuần dưỡng, lai tạo nhiều giống, tạo ra giống đặc sản.

b. Hạn chế

- Chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

- Bình quân đất tự nhiên và đất nông nghiệp trên đầu người thấp.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

a. Thế mạnh

- Dân cư và nguồn lao động: số dân đông, nguồn lao động dồi dào => Thị trường tiêu thụ lớn, thuận lợi phát triển.

- Khoa học - công nghệ và cơ sở vật chất - kĩ thuật: tiên tiến, được ứng dụng nhiều trong sản xuất.

- Thị trường tiêu thụ nông sản: được mở rộng cả trong và ngoài nước.

- Chính sách phát triển: được ban hành nhiều và rộng rãi nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

b. Hạn chế

- Cơ sở vật chất kĩ thuật ở một số vùng còn hạn chế, chưa hoàn thiện và đồng bộ.

- Thị trường tiêu thụ còn nhiều biến động, đáp ứng tiêu chuẩn còn hạn chế.

II. SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

- Có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.

- Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá tập trung, hướng tới nông nghiệp thông minh.

- Phân bố sản xuất thay đổi phù hợp với điều kiện sinh thái.

III. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ

1. Trồng trọt

- Chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu.

- Hiện nay đã áp dụng khoa học - công nghệ, tự động hoá,...

- Cơ cấu cây trồng đa dạng và có sự chuyển dịch: cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thực phẩm,...

2. Chăn nuôi

- Giá trị sản xuất và tỉ trọng trong cơ cấu ngày càng tăng.

- Có sự chuyển biến tích cực.

- Bao gồm chăn nuôi lợn, gia cầm;  chăn nuôi trâu, bò.

IX. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Nông nghiệp Việt Nam trong xu hướng phát triển mới được tạo nên bởi ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời là nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh. Sản xuất gắn với bảo quản sau thu hoạch, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ,...

- Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

- Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hiện đại với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".