Bài 10: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

Việc xác định cơ cấu kinh tế hợp lí và thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế có ý nghĩa chiến lược đối với đất nước.

- Phát huy các lợi thế so sánh, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn lực của đất nước, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn.

- Tăng cường cập nhật, áp dụng khoa học - công nghệ, tạo nên các phương thức quản lí mới, hiện đại. Qua đó, nâng cao trình độ lao động, tăng năng suất và hiệu quả lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tạo ra năng lực sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, chất lượng cao, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

II. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

1. Chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

- Khu vực công nghiệp, dịch vụ có vai trò quan trọng và tỉ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế.

- Cùng với đó, sự chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ cũng được đẩy mạnh.

Chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng đến sự phát triển bền vững.

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ

a. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

- Giảm tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

- Tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

- Trong mỗi nhóm ngành đang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có hiệu quả kinh tế cao và hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giảm tỉ trọng các ngành có hiệu quả kinh tế thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động.

b. Chuyển dịch theo thành phần kinh tế

- Giảm tỉ trọng của kinh tế Nhà nước.

- Tăng tỉ trọng của kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

c. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ

- Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ chuyển dịch đồng thời với sự chuyển dịch cơ cấu ngành và cơ cấu theo thành phần kinh tế.

+ Trên phạm vi cả nước, đã hình thành 6 vùng kinh tế - xã hội (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV). Các hình thức lãnh thổ khác như khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, hành lang kinh tế,... được hình thành ở nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

+ Các ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác lãnh thổ có hiệu quả hơn.

- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ là kết quả của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo thành phần kinh tế ở nước ta. Sự chuyển dịch này hướng đến mục tiêu khai thác tốt hơn lợi thế của các lãnh thổ khác nhau, huy động được các nguồn lực cả về tài nguyên, lao động, nguồn vốn, khoa học - công nghệ,... để mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.