Nội dung lý thuyết
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á. Phần đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và Biển Đông. Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn, bao gồm: vùng đất, vùng biển và vùng trời. Vùng đất gồm toàn bộ phần đất liền và các đảo, quần đảo. Vùng biển thuộc Biển Đông. Vùng trời rộng lớn bao trùm vùng đất và vùng biển của Việt Nam.
Vị trí địa lí đã góp phần làm cho thiên nhiên Việt Nam phong phú và đa dạng, tạo điều kiện để phát triển nhiều ngành kinh tế như: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch,... Vị trí địa lí có nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong việc giao lưu với các nước trên thế giới bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Tuy nhiên, vị trí địa lí cũng làm cho Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu như bão, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng,...
Phần lãnh thổ đất liền của nước ta hẹp ngang, chạy dài theo chiều bắc - nam, với đường bờ biển dài 3260 km, cong hình chữ S. Khoảng cách giữa cực Bắc (ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) và cực Nam (ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là khoảng 1650 km. Nơi hẹp ngang nhất của nước ta ở tỉnh Quảng Bình, khoảng 50 km.
Việt Nam có 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Thủ đô là thành phố Hà Nội.
Quốc kì nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phàn ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng tượng trưng cho dân tộc Việt Nam và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp (sĩ, nông, công, thương, binh) cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Quốc kì thể hiện cho sự độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xunh quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM. Hình ảnh bông lúa tượng trưng cho nông nghiệp, bánh xe tượng trưng cho công nghiệp.
Quốc huy thể hiện khát vọng về một nền hoà bình, độc lập, tự do và về một nước Việt Nam thịnh vương, hùng cương.
Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào tháng 10/1944. Bài hát cổ vu tinh thần, lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam cùng đứng lên giành độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam.