Bài 1: Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Tiền đề của cách mạng tư sản 

a. Kinh tế

- Trong các thế kỉ XVI - XVIII: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh ở các nước Âu - Mỹ trong nông nghiệp và công thương nghiệp. 

+ Anh: đầu thế kỉ XVII có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu, sản xuất công trường thủ công chiếm ưu thế, nhất là sản xuất len dạ. Ở Anh xuất hiện tình trạng rào đất cướp ruộng của quý tộc, còn được gọi là hiện tượng “Cừu ăn thịt người”.

+ 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: giữa thế kỉ XVIIII, công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển. Miền Bắc là công trường thủ công, miền Nam là kinh tế đồn điền, trang trại. 

+ Pháp: cuối thế kỉ XVIII công thương nghiệp phát triển nhất ở vùng ven biển, các công ty thương mại Pháp đẩy mạnh buôn bán với nhiều nước châu Âu, châu Á. 

b. Chính trị 

Trước khi cách mạng tư sản bùng nổ, đa số các nước theo chế độ quân chủ chuyên chế hoặc là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. 

- Anh: từ năm 1625, Sác-lơ I lên làm vua, cản trở việc kinh doanh làm giàu của tư sản và quý tộc mới. 

- 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: chính phủ Anh thi hành nhiều chính sách kìm hãm sự phát triển kinh tế của Bắc Mỹ. 

- Pháp: đến cuối thế kỉ XVIII, nước Pháp vẫn duy trì chế độ quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Lu-i XVI. 

c. Xã hội 

- Anh: mâu thuẫn giữa tư sản và quý tộc mới với các thế lực chuyên chế. 

- 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: mâu thuẫn giữa nhân dân Bắc Mỹ với thực dân Anh. Mâu thuẫn giữa tư sản và chủ nô với thực dân Anh. 

- Pháp: mâu thuẫn giữa tư sản và các tầng lớp nhân dân Pháp với tăng lữ, quý tộc ngày càng gay gắt. 

d. Tư tưởng 

- Xuất hiện các trào lưu tư tưởng của giai cấp tư sản phê phán những giáo lí lạc hậu, quan điểm lỗi thời của giai cấp phong kiến và đề xuất những tư tưởng tiến bộ thúc đẩy xã hội phát triển. 

+ Anh: tư sản và quý tộc sử dụng Thanh giáo làm ngọn cờ tư tưởng lạt đổ phong kiến, chống Anh giáo. 

+ 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: xuất hiện các khẩu hiệu “tự do và tư hữu”, “ thống nhất hay là chết”...

+ Pháp: trào lưu tư tưởng Triết học Ánh sáng.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của cách mạng tư sản

a. Mục tiêu, nhiệm vụ

* Mục tiêu: 

- Mục tiêu chung: lật đổ phong kiến, thực dân cùng tàn tích, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa, thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. 

- Mục tiêu riêng: 

+ Anh: lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nền thống trị của tư sản, quý tộc.

+ 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, giành độc lập dân tộc, thiết lập chính quyền của tư sản và chủ nô. 

+ Pháp: lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nền thống trị của tư sản. 

* Nhiệm vụ: 

- Nhiệm vụ dân tộc: xoá bỏ tình trạng phong kiến cát cứ, đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, thống nhất thị trường, tạo nên quốc gia dân tộc: lãnh thổ chung, ngôn ngữ chung, văn hoá chung và kinh tế chung. 

- Nhiệm vụ dân chủ: xoá bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, xác lập nền dân chủ tư sản, quyền tự do chính trị, kinh doanh, tư hữu. 

* Giai cấp lãnh đạo: 

- Anh: tư sản và quý tộc mới. 

- 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: tư sản và chủ nô.

- Pháp: tư sản

* Động lực cách mạng: lãnh đạo và quần chúng nhân dân. 

3. Kết quả, ý nghĩa của một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu

a. Kết quả

- Các cuộc cách mạng tư sản đều giành thắng lợi ở các mức khác nhau, lật đổ chính quyền phong kiến, thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa. 

+ Anh: thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. 

+ 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: giành độc lập dân tộc. 

+ Pháp: thiết lập chế độ cộng hoà. 

b. Ý nghĩa

- Anh: thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.

- 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ: 

+ Giải phóng nhân dân Bắc Mỹ khỏi sự thống trị của Anh, thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mở đường cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển.

+ Thúc đẩy phong trào chống phong kiến ở châu Âu và đấu tranh giành độc lập của Mỹ La-tinh. 

+ Ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.  

- Pháp: 

+ Lật đổ và xoá bỏ mọi tàn dư của chế độ phong kiến. 

+ Nông dân được giải phóng, vấn đề ruộng đất được giải quyết, chủ nghĩa tư bản có điều kiện phát triển. 

+ Làm cho chế độ phong kiến lung lay toàn châu Âu. 

+ Mở ra thời đại thắng lợi và củng cố của chủ nghĩa tư bản ở các nước Âu - Mỹ.

=> Đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển của lịch sử nhân loại.