Nội dung lý thuyết
Có thể hiểu lịch sử theo nhiều nghĩa:
- Lịch sử là quá trình xã hội loại người phát sinh, tồn tại và biến đổi theo thời gian.
- Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, bao gồm mọi hoạt động của con người từ khi xuất hiện đến nay.
Môn Lịch sử là môn khoa học tìm hiểu về lịch sử loài người, bao gồm toàn bộ những hoạt động của con người và xã hội loài người trong quá khứ.
! Những sự việc em đã trải qua vào hôm qua, tuần trước, tháng trước, năm trước... là lịch sử của em.
Học lịch sử để:
- Biết được cội nguồn của tổ tiên, quê hương, đất nước.
- Hiểu được ông cha ta đã phải lao động, sáng tạo, đấu tranh như thế nào để có được đất nước ngày nay.
- Đúc kết những bài học kinh nghiệm của quá khứ nhằm phục vụ cho hiện tại và tương lai.
Nguồn sử liệu hay tư liệu lịch sử là những dấu tích của người xưa được lưu giữ lại.
Có nhiều nguồn tư liệu khác nhau như:
- Tư liệu truyền miệng: gồm nhiều thể loại như truyền thuyết, thần thoại, ca dao, dân ca,... được truyền từ đời này qua đời khác; được xem là một nguồn thông tin để tìm hiểu lịch sử trong giai đoạn chưa có chữ viết.
- Tư liệu chữ viết: bao gồm các bản chữ khắc trên xương, mai rùa, vỏ cây, đá, các bản chép tay hay in trên giấy,... ghi chép tương đối đầy đủ mọi mặt đời sống con người và các sự kiện lịch sử đã xảy ra.
- Tư liệu hiện vật: là những dấu tích vật chất của người xưa còn giữ được trong lòng đất hay trên mặt đất (các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật, đồ gốm,...), không chỉ là bằng chứng giúp chúng ta tìm hiểu và dựng lại lịch sử mà còn được sử dụng để kiểm chứng các tư liệu chữ viết.
Trong các tư liệu trên, có những loại là tư liệu gốc - tư liệu liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử, ra đời vào thời điểm diễn ra sự kiện, phản ánh sự kiện lịch sử đó. Đây là tư liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.
1. Lịch sử và môn Lịch sử
- Lịch sử là quá trình phát sinh, tồn tại và biến đổi của mọi vật.
- Lịch sử là những hoạt động xảy ra trong quá khứ, từ khi con người xuất hiện đến nay.
- Môn Lịch sử là môn khoa học tìm hiểu về lịch sử loài người.
2. Ý nghĩa của việc học Lịch sử
- Biết được cội nguồn của tổ tiên, quê hương, đất nước.
- Hiểu được ông cha ta đã phải lao động, sáng tạo, đấu tranh như thế nào để có được đất nước ngày nay.
- Đúc kết những bài học kinh nghiệm của quá khứ nhằm phục vụ cho hiện tại và tương lai.
3. Các nguồn sử liệu
- Tư liệu gốc.
- Tư liệu truyền miệng.
- Tư liệu chữ viết.
- Tư liệu hiện vật.