Nội dung lý thuyết
Khoa học tự nhiên nghiên cứu các sự vật, hiện tượng của thế giới tự nhiên và ảnh hưởng của thế giới tự nhiên đến cuộc sống của con người.
Nhà khoa học là những người chuyên nghiên cứu khoa học tự nhiên.
Phương pháp nghiên cứu chung của khoa học tự nhiên là tìm hiểu để khám phá những điều mà con người chưa biết về thế giới tự nhiên, hình thành tri thức khoa học.
Một số hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên:
Tìm hiểu vũ trụ | Tìm hiểu vi khuẩn bằng kính hiển vi |
Lai tạo giống cây trồng mới | Tìm kiếm và thăm dò dầu khí |
❓ Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau đã và đang đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Em hãy tìm hiểu về một số nhà khoa học và lĩnh vực mà họ nghiên cứu và đóng góp.
Một số vai trò của khoa học tự nhiên trong cuộc sống:
Cung cấp thông tin và nâng cao hiểu biết của con người | Bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người |
Bảo vệ môi trường. Ứng phó với biến đổi khí hậu | Mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế |
❗ Khoa học còn chưa biết nhiều điều xảy ra trong thế giới tự nhiên, ví dụ các nhà khoa học chưa thể dự báo chính xác các trận động đất, hay cũng chưa biết nơi nào trong vũ trụ có sự sống giống như trên Trái Đất.
Sinh học nghiên cứu các sinh vật và sự sống trên Trái Đất.
Vật lí nghiên cứu về vật chất, năng lượng và sự vận động của chúng trong tự nhiên.
Hóa học nghiên cứu về các chất và sự biến đổi các chất trong tự nhiên.
Thiên văn học nghiên cứu về vũ trụ (các hành tinh, các ngôi sao).
Khoa học Trái Đất nghiên cứu về Trái Đất.
❗ Thiên văn học là một trong những ngành khoa học tự nhiên cổ nhất. Các nhà thiên văn học đầu tiên quan sát bầu trời ban đêm bằng những dụng cụ thô sơ. Ngày nay, Thiên văn học là một ngành khoa học hiện đại, với sự ra đời của kính thiên văn.
Kính thiên văn Galileo
1. Khoa học tự nhiên nghiên cứu các sự vật và hiện tượng của thế giới tự nhiên. Các nhà khoa học tìm hiểu để khám phá những điều còn chưa biết về thế giới tự nhiên, nhằm phục vụ cuộc sống của con người.
2. Khoa học tự nhiên có vai trò cung cấp thông tin và nâng cao sự hiểu biết. Đồng thời, góp phần mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Các lĩnh vực chủ yếu của khoa học tự nhiên là vật lí, hóa học, sinh học, thiên văn học và khoa học Trái Đất.
Vật sống (còn được gọi là vật hữu sinh) gồm các dạng sống đơn giản (ví dụ virus) và sinh vật.
Chúng mang những đặc điểm của sự sống.
Động vật | Thực vật |
Vật không sống không mang những đặc điểm của sự sống.
Bàn ghế | Đồ chơi |
Thu nhận chất cần thiết: Sinh vật lấy thức ăn, chất dinh dưỡng, nước từ môi trường.
Thải bỏ chất thải: Sinh vật thải chất thải ra môi trường (ví dụ động vật thải phân, thực vật thải khí oxygen).
Vận động: Sinh vật vận động.
Lớn lên: Sinh vật lớn lên, tăng trưởng về kích thước và hình thành các bộ phận mới.
Sinh sản: Sinh vật sinh sản, nhờ đó duy trì được nòi giống.
Cảm ứng: Sinh vật phản ứng lại các tác động của môi trường.
Chết: Đến độ tuổi nhất định hoặc do nhiều nguyên nhân như bệnh tật, thiên tai,..vật sống sẽ bị chết. Một vật sống khi chết thì trở thành vật không sống.
1. Vật sống mang những đặc điểm của sự sống, vật không sống không mang những đặc điểm đó. Cả vật sống và vật không sống đều là đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên.
2. Những đặc điểm nhận biết vật sống: Vật sống lấy các chất cần thiết và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể. Vật sống có khả năng vận động, lớn lên, sinh sản, cảm ứng và chết.