Bài 9: Văn hoá tiêu dùng

Mở đầu (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 60)

Hướng dẫn giải

Một số hành vi tiêu dùng có văn hóa ở người Việt Nam:

- Mua sắm nhiều hàng hóa để phục vụ cho việc thờ cúng trong các dịp lễ, tết. Ví dụ như: bánh chưng, bánh giầy trong dịp Tết Nguyên đán; bánh trôi, bánh chay trong dịp tết Hàn thực; bánh nướng, bánh dẻo trong dịp tết Trung thu,…

- Người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, như: chợ làng, chợ huyện, chợ tại khu dân cư,… mặc dù hệ thống cửa hàng, siêu thị hiện đại đã được mở rộng trên cả nước.

- Thói quen tiêu dùng “tiết kiệm” (đặc biệt là cư dân ở vùng nông thôn).

- Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

- Sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 60)

Hướng dẫn giải

- Vai trò của xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh:

+ Thúc đẩy các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng: sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường.

+ Góp phần lan tỏa lối sống xanh, và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

- Vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế:

+ Là mục đích, động lực của sản xuất, kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.

+ Thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.

- Đối với xã hội, tiêu dùng góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 2 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 61)

Hướng dẫn giải

- Các yếu tố hình thành văn hóa tiêu dùng trong thông tin trên:

+ Các giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc.

+ Tập quán và thói quen tiêu cùng của các cá nhân, cộng đồng.

+ Hoàn cảnh kinh tế - xã hội của một cộng đồng trong không gian và thời gian cụ thể.

- Khái niệm: Văn hoá tiêu dùng là tổng thể các yếu tố giá trị, chuẩn mực, tâm lí tạo nên tập quán tiêu dùng biểu hiện qua hành vi tiêu dùng của một cộng đồng nhất định

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 3 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 62)

Hướng dẫn giải

Vai trò của văn hóa tiêu dùng:

- Góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống về tiêu dùng và tiếp thu các giá trị hiện đại.

- Văn hoá tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 4 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 62)

Hướng dẫn giải

- Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 – 2020, số lượng người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam tăng 16,6 triệu người (từ mốc 32,7 triệu người – năm 2016, tăng lên mốc 49,3 triệu người – năm 2020).

- Sự gia tăng lượng người mua sắm trực tuyến diễn ra không đều theo các năm. Cụ thể:

+ 2016 – 2017, tăng 0,9 triệu người.

+ 2017 – 2018, tăng 6,3 triệu người.

+ 2018 – 2019, tăng 4,9 triệu người.

+ 2019 – 2020, tăng 5,1 triệu người.

- Đặc điểm của văn hoá tiêu dùng Việt Nam thể hiện qua các thông tin, trường hợp:

+ Thông tin 1. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam có tính kế thừa những truyền thống của dân tộc, mang bản sắc Việt Nam.

+ Thông tin 2. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam mang tính thời đại, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

+ Trường hợp 1. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam có tính hợp lí: tiêu dùng dựa trên giá cả hàng hóa, thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng.

+ Trường hợp 2. Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam hướng tới các giá trị tốt đẹp.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 5 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 64)

Hướng dẫn giải

- Để xây dựng văn hoá tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng, nhà nước Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với các hoạt động trọng tâm là:

+ Tuyên truyền; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương

+ Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.

+ Xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

+ Khảo sát việc: đăng kí nhãn hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất; hoạt động tạm nhập tái xuất; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỉ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, về tỉ trọng hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống,...

+ Tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng.

+ Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

-  Mục đích:

+ Khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam;

+ Kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt trên thị trường.

+ Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt.

- Ý nghĩa: góp phần xây dựng văn hoá sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

- Trường hợp 1. Để góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng, công ty M đã đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội.

- Trường hợp 2. Để góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng, chị T đã sử dụng túi vải thay cho túi ni-lông; ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam cung ứng; mua các sản phẩm hàng hóa phù hợp với năng lực tài chính, nhu cầu của gia đình, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và chị T còn vận động người thân và bạn bè sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 1 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 66)

Hướng dẫn giải

a. Đồng tình. Vì tiêu dùng được ví như “đơn đặt hàng” của xã hội đối với sản xuất, là mục đích, động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

b. Không đồng tình.Vì bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng; tiêu dùng còn mang lại lợi nhuận cho người sản xuất; kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển,…

c. Đồng tình. Vì một trong những đặc điểm của văn hóa tiêu dùng là hướng tới các giá trị tốt đẹp; đặc điểm này của văn hóa tiêu dùng đã tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

d. Đồng tình. Vì văn hóa tiêu dùng luôn có tính kế thừa và tính thời đại. Những đặc điểm này của văn hóa tiêu dùng đã tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 2 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 67)

Hướng dẫn giải

a. Chị B đã có hành động tiêu dùng tích cực, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam trên thị trường, qua đó góp phần vào việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam.

b. Hành động tiêu dùng của chị A chưa phù hợp vì các sản phẩm nhựa, sử dụng một lần sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Chị A nên thay đổi thói quen tiêu dùng này.

c. Hành động của anh P đã cho thấy văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính thời đại.

d. Doanh nghiệp M đã có hành động đúng đắn, thiết thực và tích cực trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 3 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 67)

Hướng dẫn giải

a. Văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính thời đại (thói quen, hình thức, cách thức tiêu dùng đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội).

b. Văn hóa tiêu dùng Việt Nam mang tính hợp lí (tiêu dùng dựa trên giá cả, thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng) và tính giá trị (tiêu dùng hướng tới các giá trị tốt đẹp)

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 4 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 67)

Hướng dẫn giải

a. Công ty A đã có những hành động đúng đắn, thiết thực và tích cực trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Điều này thể hiện thông qua các chi tiết:

- Chú ý đến yếu tố truyền thống và sức khỏe người tiêu dùng trong chiến lược kinh doanh, quảng cáo sản phẩm.

- Chú trọng đầu tư, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng.

b. Anh B đã có hành động đúng đắn, thiết thực và tích cực trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc:

- Cân nhắc, tìm hiểu kĩ thông tin về sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm.

- Báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu bất thường về sản phẩm của doanh nghiệp.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)