Bài 3: Lạm phát.

Mở đầu (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 16)

Hướng dẫn giải

- Vấn đề kinh tế diễn ra trong trường hợp trên là: Lạm phát.

- Lạm phát được hiểu là sự tăng mức giá chung của các hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế (thường tính bằng chỉ số tiêu dùng CPI) một cách liên tục trong một thời gian nhất định.

- Lạm phát gây ra những hậu quả tiêu cực đến hoạt động của nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.a (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 17)

Hướng dẫn giải

1/ Nhận xét: 

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam có nhiều biến động. Cụ thể:

- Trong những năm 2016 - 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng, từ 2,66% (năm 2016), tăng lên mức 3,54% (năm 2018).

- Trong những năm 2018 - 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có lúc giảm lúc tăng, tuy nhiên nhìn chung có xu hướng giảm, từ mức 3,54% (năm 2018), giảm xuống còn 1,84% (năm 2021).

2/ Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển liên tục tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước cho thấy Nhà nước Việt Nam luôn theo dõi biến động giá cả trên thị trường và duy trì, kiểm soát lạm phát được ở mức thấp.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.b (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 18)

Hướng dẫn giải

1/ - Năm 1986, ở Việt Nam, chỉ số tiêu dùng (CPI) ở mức rất cao, đạt 775%. Mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như vậy, được xếp vào loại hình lạm phát phi mã.

- Trong những năm 2010 - 2011, chỉ số tiêu dùng (CPI) liên tục ở mức cao (năm 2010 đạt 11,75%; năm 2011 đạt 18,13%). Mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như vậy được xếp vào loại hình lạm phát phi mã.

- Trong những năm 2012 - 2013, nhờ những giải pháp kiềm chế và kiểm soát lạm phát của nhà nước, nên chỉ số tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống ở mức một con số (đạt 6,81% năm 2012 và 6,04% năm 2013). Mức tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ như vậy, được xếp vào loại hình lạm phát vừa phải.

2/- Mức lạm phát phi mã (trong các năm 1986, 2010 - 2011) gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế. Lúc này, đồng tiền bị mất giá một cách nhanh chóng; lãi suất thực tế giảm.

- Lạm phát ở mức vừa phải (năm 2012 - 2013), giá cả hàng hóa thay đổi chậm, khiến nền kinh tế phát triển tương đối ổn định; đời sống của người dân bớt khó khăn.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 18)

Hướng dẫn giải

1/ Giá thực phẩm, giá năng lượng tăng là nguyên nhân khiến lạm phát năm 2021 tăng là do năng lượng (bao gồm xăng dầu và ga), thực phẩm (gạo) và vật liệu (gồm xi măng, sắt, thép, cát,…) là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Và khi các yếu tố đầu vào tăng giá, thì chi phí sản xuất cũng sẽ tăng cao theo, từ đó đẩy giá cả của nhiều sản phẩm, hàng hóa khác trên thị trường cũng tăng dẫn đến tình trạng lạm phát.

2/ Nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng cao ở nước ta giai đoạn 1985 - 1987 là do đồng tiền mất giá quá nhanh, khiến tâm lí người tiêu dùng bất an; lúc này, người tiêu dùng không muốn giữ tiền mặt mà tìm cách mua hàng hóa để dự trữ, dẫn đến tình trạng cầu lớn hơn cung, từ đó, đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 19)

Hướng dẫn giải

1/ Hậu quả của lạm phát:

- Lạm phát ở mức 10,7% có thể khiến hơn một nửa quốc gia trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

- Mặt khác, khi giá cả hàng hóa tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đó sẽ khiến cho mức sống của người dân châu Âu bị giảm sút.

2/ Lạm phát tăng do giá lương thực và năng lượng tăng có ảnh hưởng đến đời sống và các hoạt động kinh tế - xã hội:

- Lương thực và năng lượng là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Khi giá cả của yếu tố đầu vào tăng sẽ khiến cho chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn.

- Khi giá thành sản phẩm cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân hạn chế lại, từ đó tác động trực tiếp đến việc giảm quy mô đầu tư của các doanh nghiệp, làm cho kinh tế suy thoái, tình trạng thất nghiệp gia tăng.

- Mặt khác, cũng bởi giá cả hàng hóa không ngừng tăng, nên dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tạo nên sự khan hiếm, thị trường nhiễu loạn.

3/ Những hậu quả khác mà lạm phát có thể gây ra đối với nền kinh tế và xã hội:

- Đối với nền kinh tế:

+ Làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

+ Tác động trực tiếp đến quyết định giảm quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm cho kinh tế suy thoái.

+ Dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa khiến thị trường nhiễu loạn.

- Đối với đời sống xã hội:

+ Giá cả hàng hóa cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ làm cho mức sống của người dân trong xã hội giảm sút, các nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ bị tiết chế, giảm thiểu lại.

+ Do quy mô sản xuất bị thu hẹp, nên nhiều người mất việc làm, không có thu nhập, đời sống bấp bênh, gặp nhiều khó khăn.

+ Lạm phát tăng cao, kéo dài có thể gây ra khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội,...

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 4 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 20)

Hướng dẫn giải

1/ Trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát, vai trò của Nhà nước được thể hiện thông qua việc:

- Luôn theo dõi biến động giá cả trên thị trường, duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức cho phép.

- Đưa ra chính sách, biện pháp và sử dụng các công cụ điều tiết để kiềm chế, đẩy lùi lạm phát.

2/ Vai trò của Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát giai đoạn 2016 - 2020:

- Sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành.

- Nhà nước đã xây dựng và thực hiện các kịch bản điều hành giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như dịch vụ y tế, xăng, dầu, điện,... phù hợp trong từng giai đoạn.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 21)

Hướng dẫn giải

a. Không đồng tình.

Bởi vì lạm phát là sự tăng mức giá chung của các loại hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế một cách liên tục trong một thời gian nhất định. Nếu chỉ tăng giá cả một vài hàng hóa, trong khi các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên giá cả thì chưa thể kết luận nền kinh tế đang trong tình trạng lạm phát.

b. Đồng tình.

Bởi vì lạm phát và lãi suất huy động thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thông thường, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng sẽ cao hơn so với mức lạm phát một chút để đảm bảo giá trị tiết kiệm cho khách hàng. Và trong thời kì lạm phát tăng cao, đồng tiền bị mất giá, trong khi lãi suất huy động không có sự điều chỉnh thì những người gửi tiết kiệm sẽ bị thiệt.

c. Đồng tình.

Bởi vì ở mỗi quốc gia, trong điều kiện bình thường một đơn vị tiền sẽ mua được một đơn vị hàng hóa, dịch vụ tương ứng. Tuy nhiên, khi lạm phát xảy ra, với một đơn vị tiền đó, người tiêu dùng chỉ mua được một lượng hàng hóa/ dịch vụ ít hơn so với trước đây.

d. Không đồng tình.

Bởi vì lạm phát chỉ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế khi ở mức lạm phát phi mã và siêu lạm phát. Còn lạm phát ở mức độ vừa phải sẽ kích thích sản xuất kinh doanh phát triển.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 21)

Hướng dẫn giải

a. Có thể gây ra lạm phát. Bởi vì khi hoạt động xuất khẩu tăng mạnh thì đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (của thị trường nước ngoài) tăng lên. Từ đó, dẫn đến việc tổng cầu (của cả thị trường trong và ngoài nước) tăng. Nếu tổng cầu tăng, nhưng tổng cung không thay đổi (các doanh nghiệp không mở rộng sản xuất) sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa khan hiếm, đẩy giá sản phẩm lên cao → Gây lạm phát.

b. Có thể gây ra lạm phát.

Bởi vì nguyên liệu, nhiên liệu là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Trong khi giá các yếu tố đầu vào của sản xuất đang tăng cao sẽ khiến cho chi phí sản xuất cũng tăng cao theo, từ đó làm cho giá cả của nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng → Gây lạm phát.

c. Có thể gây ra lạm phát.

Bởi vì xăng là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Trong khi giá các yếu tố đầu vào của sản xuất đang tăng cao sẽ khiến cho chi phí sản xuất cũng tăng cao theo, từ đó làm cho giá cả của nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng → Gây lạm phát.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 3 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 21)

Hướng dẫn giải

a. Không đồng tình với hành vi của ngân hàng Y. Bởi vì:

- Việc Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ (tăng lãi suất huy động, giảm mức cung tiền,…) là một biện pháp tích cực góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân và hộ dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

- Việc ngân hàng Y mong muốn duy trì mức lãi suất huy động vốn thấp sẽ gây cản trở cho chính sách phát triển kinh tế chung của nhà nước; đồng thời, gây thiệt hại cho các khách hàng của ngân hàng Y.

b. Đồng tình với hành động của Uỷ ban nhân dân huyện C. Bởi vì cắt giảm chi tiêu công cũng là một biện pháp tích cực, góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

c. Đồng tình với hành động của thành phố H. Bởi vì việc tăng cường kiểm soát giá cả và mạng lưới phân phối sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, từ đó góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Vận dụng (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 21)

Hướng dẫn giải

Quản lý chi phí sinh hoạt một cách khoa học là phương pháp hiệu quả để chi tiêu hợp lý. Đặc biệt, khi lạm phát tăng, giá cả tăng cao thì việc này lại càng quan trọng hơn. Lúc này, bạn cần lên kế hoạch chi tiêu phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của bản thân trong bối cảnh mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. 

Tính toán chi tiết các danh mục chi phí sinh hoạt: Khi lạm phát tăng, việc nắm rõ các chi phí sinh hoạt là rất cần thiết. Các thông tin này càng chi tiết, bạn sẽ càng biết rõ tiền của mình đang trôi về đâu để có điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt là khi lạm phát tăng, giá cả đều tăng lên thì việc kiểm soát chi tiêu là không thể thiếu. Trong trường hợp lạm phát và giá cả tăng, bạn có thể giảm bớt các khoản tiền cho việc ăn hàng, đi chơi,… Thay vào đó bạn tự nấu cơm hoặc tự pha cafe. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản tương đối.

Tiếp theo, điều chỉnh ngân sách chi tiêu. Điều chỉnh lại ngân sách chi tiêu là điều cần thiết trong thời kỳ lạm phát Trong trường hợp bạn chưa thiết lập ngân sách thì đây sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu. Bạn có thể tham khảo nguyên tắc 50/30/20 hoặc 6 chiếc lọ để phân chia nguồn tiền của mình. Nó sẽ gợi ý cho bạn cách để tiêu dùng hiệu quả nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng chi tiêu để theo dõi nguồn tiền hiệu quả. 

Tìm cách giảm chi phí cho tiền điện, nước: Nếu tình hình tài chính quá khó khăn, hãy tiêu dùng điện, nước một cách tiết kiệm hơn. Đặc biệt nếu bạn đang thuê nhà với tiền điện đắt hơn mức đặt ra của Nhà nước thì việc cắt giảm các hoạt động không cần thiết để tiết kiệm điện sẽ giúp bạn đỡ được một khoản kha khá. Ngoài ra, bạn cũng có thể săn các voucher giảm giá hóa đơn trên các ví điện tử hoặc các trang thương mại điện tử. 

Tận dụng nguồn thực phẩm có sẵn: Khi lạm phát tăng thì thực phẩm là nhóm hàng tăng theo lớn nhất. Giá cả lương thực, thực phẩm thường xuyên bị đẩy lên cao trong thời gian này. Từ đó, việc tận dụng nguồn thực phẩm có sẵn sẽ giúp bạn cắt giảm nhiều chi phí.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)