Vòng 2

 

Xin chào tất cả các bạn! Cảm ơn các bạn đã ghé thăm truyện của mình… Mình nói trước một chút để các bạn hiểu, truyện ngắn của mình viết đây có thể nó không đúng với mong muốn của nhà văn (nếu nhà văn cũng viết ngoại truyện), cũng có thể không được chân thực như là những câu chuyện ở thời chiến tranh… Truyện được mình lấy cảm hứng từ những cuốn nhật kí chiến tranh của những anh lính sinh viên, những bộ phim chiến tranh cũ như “Mùi cỏ cháy”, “Ngã ba Đồng Lộc”,… Tác phẩm hoàn toàn là do mình tự sáng tạo ra để kể, không phải là bài viết của bất kì ai, nếu có giống nhau thì có lẽ đó chỉ là sự trùng hợp… Mình xin phép được dùng tên của chính mình và một số người bạn trong tác phẩm của mình nhé! Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

------------------------------------------------------------------------------------------------

Tiêu đề của truyện thì có lẽ mình sẽ nhờ các bạn góp ý vậy!!!

-         Thắng ơi! Có thư của cậu này!

Đó là giọng nói quen thuộc của thằng Tâm. Nó làm tôi nhớ về hồi còn là sinh viên ở Hà Nội - thành phố mà chúng tôi và biết bao nhiêu bạn bè đã cùng nhau lớn lên, cũng là nơi đã ôm ấp thời tuổi trẻ với biết bao nhiêu kỉ niệm và hoài bão. Nhưng rồi tất cả chúng tôi đã chọn cách từ bỏ ước mơ của mình như bao bạn bè cùng trang lứa để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi vẫn đang còn suy nghĩ thì Tâm đã đứng ngay bên cạnh và hét vào tai:

-         Ơ hay nhỉ? Đang nghĩ vẩn vơ gì đấy? Thế có lấy thư không?

-         Có chứ! Đưa đây - Tôi vội bảo Tâm đưa thư cho mình

A! Thì ra là thư của Phương Định. Thi thoảng cô ấy vẫn hay viết thư cho tôi thế này. Tôi nhìn lá thư và mỉm cười. Những kí ức thuở nhỏ hiện về như những thước phim cũ mà ngày ấy tôi vẫn còn hay được bố đèo đi bằng xe đạp để đưa đi xem ở rạp mỗi Chủ nhật.

Nhà của Phương Định và nhà tôi cùng nằm trên một con đường. Hai đứa quen nhau hồi còn rất nhỏ. Cô ấy kém tôi 2 tuổi, là một cô gái rất hồn nhiên, hay mơ mộng và cực kì thích hát. Cứ mỗi lần có việc đi ngang nhà Phương Định thì thể nào cũng sẽ nhìn thấy cô ngồi trên bệ cửa sổ mà hát. Và cứ mỗi lần nhìn thấy như vậy, thì tôi lại cười phá lên làm cô ấy giận dữ mà bỏ vào trong. Phương Định và tôi quen nhau cũng đã được một khoảng thời gian rất lâu rồi. Hai người chúng tôi đã cùng nhau trải qua bao nhiêu là kỉ niệm của tuổi học trò đầy mộng mơ.

Cho đến cái ngày ấy, cái ngày mà cô ấy cùng với gia đình phải chuyển nhà đến một con phố khác, tôi và Phương Định đã ôm nhau mà khóc, vì cả hai đứa đều không nỡ rời xa nhau. Nhưng rồi chỉ với vài lời hứa của bố mẹ, chúng tôi đều yên chí rằng mỗi tuần sẽ được bố mẹ đưa qua nhà đứa kia chơi vào ngày Chủ nhật.

Đó cũng là lần cuối cùng mà tôi còn thấy khuôn mặt hồn nhiên của cô bé Phương Định ngày ấy. Cũng đã mười mấy năm trôi qua, có lẽ bây giờ có gặp lại chúng tôi cũng không nhận ra nhau được nữa.

Cho đến một ngày…

Tiếng cười giòn giã của các anh lính trong đại đội đã cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

-         Cậu có thư gửi hả? Đọc cho chúng tớ nghe với!

Tôi chưa kịp phản ứng thì một anh đã giật phắt lá thư trong tay anh và đọc to lên cho cả tiểu đội nghe.

“ Thắng xa nhớ!

Mấy ngày nay máy bay của bọn giặc Mĩ vẫn dội bom liên tục trên cao điểm của chúng em. Ban ngày em, chị Thao và Nho cứ phải thay phiên nhau chạy lên chạy xuống liên tục để kiểm tra số khối đất cần phải san lấp hố bom anh ạ! Dù cho đường sá tưởng như tan tác trước cơn mưa bom của chúng, nhưng chúng em vẫn đang cố gắng để giữ vững tuyến đường trọng điểm này đây. Ban đêm bọn em được ngủ, nhưng mà mấy đêm nay, xe cứ nườm nượp đi ngoài đường làm các chị em trong này không ngủ được. Đêm hôm nay chị Thao và Nho đều ra ngoài dẫn đường cho các anh lái xe rồi, chỉ còn em ở lại trực điện thoại ở trong hang. Nhân tiện rảnh tay nên ngồi viết thư cho anh đây. Anh có khỏe không? Đơn vị của anh hành quân tới đâu rồi?

Các chị em bên đây gửi lời hỏi thăm sức khỏe các anh trong đơn vị của anh đó.

Thôi bây giờ em phải tiếp tục nhiệm vụ đây. Nhớ viết thư cho em nhé!

                                                                                                 Phương Định”

Tất nhiên là anh em trong tiểu đội khoái chí cười phá lên. Còn tôi thì vội giật lại lá thư của mình.

-         Thế là cậu sướng nhá! Được cô ấy viết thư cho là không phải dạng vừa đâu đấy! - Thịnh lại vỗ vai tôi và cười nói

-         Có gì giới thiệu cho chúng tớ vài cô thanh niên xung phong ở bên đấy nhá! - Cả bọn nhao nhao

Tôi chỉ biết cười trừ rồi giả vờ lên giọng:

-         Thôi được, nếu các cậu đã muốn thế thì khi nào ghé ngang qua đó để tớ giới thiệu cho vài cô cho!

-         Nhớ đấy nhá! Không được nuốt lời đấy!

Trong không khí vui vẻ đấy, một giọng nói dõng dạc cất lên như mọi khi:

-         Toàn bộ tiểu đội. Tập hợp!

Đó là đại đội trưởng Phong, một người thủ trưởng rất nghiêm khắc với các chiến sĩ của mình nhưng cũng là một người rất tâm lý. Mà cũng chính vì có phần hơi quá nghiêm khắc nên chúng tôi lúc đầu cũng không thích anh. Mặc dù không ưa là thế, nhưng trong quá trình chiến đấu bên anh Phong, chứng kiến anh sẵn sàng hi sinh vì đồng đội, chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn về anh. Kể từ đó, cả đám bọn tôi đâm ra phục anh sát đất, không còn ai dám ho he nửa lời khi anh chỉnh đốn lại nề nếp, kỉ luật của tiểu đội tôi nữa.

Đại đội trưởng Phong cũng chính là người đã dạy chúng tôi cách cầm súng, bắn súng,… thuở mà chúng tôi chỉ là những anh sinh viên đang còn rất trẻ vừa mới nhập ngũ. Anh thường hay nhắc nhở chúng tôi phải đặt lợi ích của Tổ quốc lên hàng đầu, luôn luôn sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Đứa nào đứa nấy trong tiểu đội cũng thuộc lòng câu nói này của anh Phong, phần vì kính phục anh, phần vì đứa nào cũng căm thù giặc Mĩ, muốn góp sức đánh đuổi quân thù.

Thời gian trôi qua thật nhanh

Chúng tôi hành quân không biết đã qua bao lâu, không biết đã qua bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu con suối, bao nhiêu ngôi làng của người dân nơi đây. Gian khổ là thế mà tất cả chúng tôi đều không thấy mỏi chân một chút nào.

Có lẽ do chúng tôi cũng đã quen rồi, đúng vậy, nhập ngũ đã 2 năm rồi chứ ít gì? Nhưng cái lí do mà chúng tôi cho là chính xác nhất chắc chắn phải là căm thù quân Mĩ. Tại sao ư? Bọn chúng nó đã cướp đi sinh mạng của những người mà chúng tôi yêu thương nhất, cướp đi ước mơ, cướp đi tuổi trẻ của đám chúng tôi. Lòng căm thù của chúng tôi cũng giống cái việc mà thằng Tâm vẫn cứ nhắc đi nhắc lại mãi trước mặt tụi tôi:

-         Bọn giặc Mĩ, chúng nó đã giết bố mẹ tớ. Tớ thề sẽ phải giết hết chúng nó để báo thù cho bố mẹ!

Cứ mỗi lần Tâm nghiến răng nhắc lại câu đó, tôi lại thấy xót xa cho hai bác ấy. Mẹ của Tâm là một cô y tá, bố nó thì đã đi bộ đội đánh giặc từ lâu, đến nay vẫn chưa có tăm tích, có người cứ bảo rằng bố nó đã mất rồi, và nó cũng tin là vậy. Nó chỉ còn mỗi mẹ. Nó thương mẹ lắm và chẳng bao giờ nỡ rời xa mẹ cả.

Tuy nhiên, sau đó, cũng giống tôi, Tâm cũng đã nhập ngũ khi còn là sinh viên. Trước lúc ra đi, nó dặn dò mẹ nó rất cẩn thận, bà chỉ cười và gật đầu. Tôi nhớ lúc Tâm nhận được tin báo tử của mẹ nó, nó đã khóc thảm thiết như thế nào.

Đó là vào một buổi chiều năm 1972, buổi chiều mà có lẽ Tâm sẽ chẳng bao giờ có thể quên được, trong một đợt ném bom đánh phá miền Bắc của không quân Mĩ, mẹ nó đã hi sinh khi đang cố gắng cứu hai đứa nhỏ đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Hai đứa nhỏ thì đã được cứu, còn mẹ của Tâm thì bị kẹt lại trong đó và trúng bom của địch. Tôi lúc đó vừa an ủi Tâm nhưng trong tâm cũng rất hoảng sợ, tôi sợ rằng bố mẹ của tôi cũng không tránh khỏi trận mưa bom ấy.

May sao, lá thư mẹ gửi cho tôi cũng vừa đến, và tôi cũng đã bình tĩnh lại khi bố mẹ vẫn an toàn. Nhưng Tâm thì vĩnh viễn không nhận được lá thư nào từ mẹ của nó nữa. Từ đó trở đi, tôi thường xuyên viết thư về hỏi thăm gia đình hơn, dặn dò bố mẹ cùng thằng Cường phải xuống hầm trú ẩn ngay khi có báo động, tất nhiên là vì tôi đã nhận ra tầm quan trọng của gia đình là như thế nào. Mỗi lần nhận được thư của mẹ là mỗi lần tôi thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục vượt qua gian khổ để tiếp tục chiến đấu bên những người đồng đội của mình.

-         Toàn đại đội. Nghỉ tại chỗ 10 phút!

-         Rõ!

Cả đại đội đứng lại và nghỉ tại chỗ. Chúng tôi ngồi nói chuyện tâm sự với nhau được một lúc thì thấy đại đội trưởng Phong bước ra:

-         Toàn đại đội. Tập hợp! Nghiêm.

Trên tay anh là một tờ giấy, có lẽ là tin tình báo mới nhất về tình hình đàm phán chính trị của hiệp định Pari chăng? Và tôi đã đúng, anh Phong dõng dạc phổ biến tin tức mới nhất cho các chiến sĩ:

-         Trận thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” của ta đã buộc Mĩ phải ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và mới nhất là Mĩ đã phải kí hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam!...

Cả tiểu đội nhảy cẫng lên vì vui sướng, tuy nhiên anh Phong lại yêu cầu trật tự để đọc tiếp:

-         … Với hiệp định Pari, Mĩ phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta và phải rút hết quân về nước. Đó là thời cơ thuận lợi để chúng ta tiến lên, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước! Hết!

Anh vừa dứt lời, những tràng pháo tay cùng những tiếng hò reo vang lên liên tiếp. Chúng tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau. Không vui sao cho được khi mà quân thù sắp bị đánh tan, đất nước sắp được thống nhất, chúng tôi sắp được trở về với gia đình, về với những người mà chúng tôi yêu thương, những người đang ngóng chờ tin tức của chúng tôi từng ngày, từng giờ. Nhất là chúng tôi sắp được quay trở lại với cuộc sống bình thường, sẽ lại được bước tiếp trên con đường mà chúng tôi hằng ao ước.

Sau khoảnh khắc hạnh phúc đấy, chúng tôi lại phải tiếp tục lên đường hành quân của mình. Sắp đến giờ nghỉ trưa, cả đại đội chúng tôi vừa may đến một ngôi làng. Người dân họ thương chúng tôi lắm, họ cung cấp cho chúng tôi chỗ ở, thức ăn đầy đủ không thiếu một thứ gì. Đối với họ, có lẽ những người mang quân phục màu xanh, trên cổ áo có quân hàm đỏ, trên mũ có ngôi sao vàng luôn là những người đáng quý nhất.

Đôi lúc, họ còn nhịn ăn để nhường những thứ ngon nhất cho các anh bộ đội như bọn tôi vậy. Nhưng chúng tôi nào dám nhận, mỗi lần họ cho chúng tôi là đứa nào đứa nấy cũng đều từ chối. Không phải là vì chúng tôi không thích, mà có lẽ là do đứa nào cũng khắc ghi lời dạy của anh Phong rồi. “Quân với dân như cá với nước. Bộ đội chúng ta sinh ra là để phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân, chứ không phải là để nhân dân phải phục vụ chúng ta”, đó là lời mà anh vẫn thường hay bảo bọn tôi.

Hơn nữa, chúng tôi đã nhìn thấy sự cực khổ của những người dân nơi đây, đó có thể là một bàn tay thô ráp của một bà mẹ đã lớn tuổi, có thể là sự sốt ruột, lo lắng của một cô gái trẻ vừa mới lấy chồng cho người lính vừa mới nhập ngũ hay cũng có thể là những đứa trẻ suốt ngày phải làm bạn với đồng ruộng, với những con trâu mà chẳng hề biết đi học là gì.

Mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh như vậy, tôi lại lắc đầu. Tôi thấy xót xa những hoàn cảnh cơ cực như vậy và tự nhủ mình sẽ cố gắng hơn nữa để mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

“Những dấu chân rồi lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám, hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

Giọng ngâm thơ của thằng Thịnh vang lên. Một giọng thơ đầy sự lạc quan và yêu đời như mọi khi. Nó là một đứa rất yêu văn thơ, yêu đến nỗi ngày nào cũng phải cố làm được một bài thơ, chỉ những khi bận quá mới phải sưu tầm ở nơi khác. Nhiều lúc, thấy thằng Thịnh như vậy, chúng tôi còn nói đùa rằng:

-         Cậu làm thơ gửi cho cô nào đấy? Không thể nghỉ một ngày sao?

Những lúc như vậy, nó chỉ cười mà đáp rằng:

-         Quen rồi! Ngày nào không ngâm thơ là không chịu được!

Và thế là ngày nào, bất kể dù khó khăn cách mấy, trong đại đội của chúng tôi vẫn luôn vang lên cái giọng ngâm thơ yêu đời ấy.

Vừa ngâm thơ xong, Thịnh chạy lại chỗ chúng tôi và hỏi:

-         Thế nào? Có hay không?

 Tôi và Tâm đang ngồi làm báo tường cũng phải quay ra vỗ tay.

Tôi vội hỏi:

-         Thơ vừa sáng tác à?

Thịnh trả lời:

-         Không. Tớ vừa sưu tầm được trên Đài tiếng nói Việt Nam đấy! Hai cậu dán nó vào luôn đi

-         Thế hai cậu đã có bài nào chưa? - Thịnh hỏi hai đứa bọn tôi

Tâm không do dự đưa ngay ra “tác phẩm” của mình. Thịnh đọc xong liền cười phá lên.

-         Lại là thơ của cậu đấy hả Tâm? - Tôi cố nhịn cười hỏi

Tâm trả lời:

-         Ừ! Tớ vừa mới làm lúc nãy đấy

-         Thế cậu tính nộp thật à? - Tôi lại hỏi

-         Thôi, chắc tớ không nộp nữa đâu - giọng Tâm có hơi buồn

Nghe thế, thằng Thịnh đang ôm bụng cười cũng phải cố nhịn, lại bảo Tâm:

-         Thôi mà! Lúc nãy tớ đùa đấy, bài của cậu viết hay lắm!

-         Thật không? - Tâm có vẻ không tin

-         Thật mà! Không tin cậu thử hỏi Thắng xem - thằng Thịnh xoay qua nháy mắt với tôi một cái

-         Thịnh nó có nói thật không đấy Thắng? - Tâm hỏi

Tôi liền trả lời:

-         Không sao mà! Dù sao thì cậu cũng đã cố gắng hết sức rồi, đừng buồn!

Đúng lúc tôi vừa nói xong, cô Năm - một người dân địa phương, bước vào nhà và mang cho chúng tôi một rổ khoai mới luộc:

-         Các chú ăn ngay đi cho nóng!

-         Thôi cô ạ! Cứ để đấy cho bọn trẻ đi cô ạ! - Tôi kiếm lời từ chối

-         Không sao đâu các chú, nhà còn nhiều - Cô bảo

Chúng tôi cũng không còn cách từ chối, thằng Thịnh liền nói:

-         Dạ, vậy cho chúng cháu xin phép ạ!

Ba đứa bọn tôi vừa ăn khoai vừa nghe cô Năm tâm sự. Chả là cô có một người chồng đã nhập ngũ từ đó tới nay vẫn không có tin tức, cô muốn nhờ chúng tôi gửi đôi lời tới chú ấy, nhắn chú ấy về nhà chứ cả nhà mong chú lắm. Nghe cô kể mà chúng tôi cũng thấy nhớ nhà, nhớ những bữa cơm ấm cúng bên gia đình.

Không ai nói ai, đêm hôm đó ba đứa chúng tôi đều ngồi viết thư gửi về cho bố mẹ. Riêng tôi thì viết thêm cả thư cho Phương Định nữa. Từng dòng thư dài đằng đẵng như những ngày tháng mà ba đứa chúng tôi mong chờ được trở về bên gia đình, bên những người mà chúng tôi mong nhớ vậy. Viết xong, cả ba đi ngủ nhưng không tài nào ngủ được, chúng tôi tâm sự với nhau rất nhiều, kể về những ngày tháng xưa kia…

-         Này Thắng! Cậu với Phương Định quen nhau lâu chưa? - Tâm và Thịnh quay sang hỏi tôi

Tôi hơi bất ngờ vì câu hỏi này của hai đứa bạn. Có lẽ là vì tôi cũng quen họ lâu rồi mà chưa kể với họ chuyện này bao giờ. Phần vì tôi nghĩ chắc họ cũng không cần phải biết, phần vì hình ảnh của cô bé Phương Định ngày ấy cũng chỉ còn là một phần kí ức trong tôi.

-         Sao thế? Kể cho bọn tớ nghe với nào, Thắng! - Hai thằng Tâm và Thịnh liên tục giục tôi kể

-         Thôi được rồi! Nếu các cậu muốn nghe thì mình sẽ kể vậy

Và như thế là tôi bắt đầu kể lại từ khi gặp cô ấy đến khi hai đứa chia tay và mất liên lạc với nhau đến tận năm ngoái. Vừa nghe xong, hai đứa nó lại tiếp tục hỏi tôi:

-         Thế làm sao mà cậu lại gặp lại cô ấy vậy?

-         Chuyện cũng hơi dài. Nhưng mình sẽ kể tiếp cho các cậu nghe nhé!

Tôi bắt đầu kể về cái đêm hôm ấy, cái đêm mà tôi lái xe vận chuyển lương thực đi ngang qua một cao điểm. Lúc đó, mỗi một anh bộ đội lái xe như chúng tôi đều có một cô thanh niên xung phong ngồi ngay ghế bên cạnh để dẫn đường cho xe của chúng tôi đi. Và tất nhiên, ngồi trong xe của tôi lúc ấy cũng là một cô thanh niên xung phong. Mặc dù trời tối, nhưng tôi cũng có thể đoán được là cô ấy rất trẻ, có lẽ chỉ độ mười bảy, mười tám tuổi thôi. Như thường lệ, tôi cất tiếng chào:

-         Chào em! Em tên là gì?

-         Em tên là Phương Định. Thế còn anh?

-        

Đến lúc này tôi mới ngờ ngợ nhận ra có gì đó quen quen. “Chắc có lẽ là trùng hợp thôi”, tôi tự nhủ như vậy.

-         Anh tên là Thắng

-         Quê anh ở Hà Nội. Còn em? – Tôi liền hỏi

-         Rẽ phải - Cô ấy ra lệnh và đưa tay sang bên phải

Tôi vội đánh lái xe sang hướng bên phải. Xong xuôi, cô ấy trả lời:

-         Em cũng ở Hà Nội

Lúc đấy, tôi cũng đã có phần xúc động rồi, tôi hỏi:

-         Em… có phải là… “Phương hay hát” hay không?

-         Anh là…? - Phương Định quay sang hỏi tôi, ánh mắt ngạc nhiên

Tôi vội nói:

-         Anh là Thắng hồi nhỏ hay chở em đi học này, có còn nhớ anh không?

Cô ấy nhìn tôi, rồi đưa tay lên đầu, chắc là đang nhớ lại. Tôi liền nói thêm:

-         Em còn nhớ những lúc em giận vì em ngồi hát trên bệ cửa sổ bị anh trêu không?

Khoảnh khắc đó, mắt của cô ấy sáng lên, quay sang nhìn tôi, xúc động không nói nên lời:

-         Anh là… là… Thắng của… ngày xưa đó sao?

Tôi chưa kịp trả lời thì một quả bom của giặc Mĩ bất ngờ dội liên tục. Phương Định nói:

-         Xe của anh chở gì?

-         Lương thực - Tôi nói nhanh

-         Không sao đâu. Chạy. Tăng tốc nhanh lên! - Phương Định bảo

Tôi liền tăng tốc cho chạy về phía trước và mở đèn đường lên.

-         Nhanh lên không lửa cháy vào cabin! Nhanh lên! - Phương Định hét

Tuy nhiên, chạy được một đoạn thì địch dội bom liên tục cả phía trước và sau. Hai đứa chúng tôi đành phải mở cửa xe và nhảy ra ngoài. Vừa ra khỏi xe thì bom của chúng rơi trúng vào xe. Xe phát nổ. Tôi liền quay sang Phương Định:

-         Em… có sao không?

-         Em không sao - cô ấy trả lời tôi

Không hiểu sao lúc đó, mắt tôi bỗng nhòe đi và tôi ngất đi trong tiếng hét của Phương Định. Đến lúc tỉnh lại thì tôi đang nằm trên giường và đang được dưỡng thương tạm thời ở chỗ của các cô thanh niên xung phong. Thấy tôi tỉnh, Phương Định vội chạy lại và hỏi tôi:

-         Anh đã đỡ hơn chưa?

-         Anh không sao. Mà… sao anh lại ở đây? Lúc đó… - Tôi thều thào

-         Anh bị mất nhiều máu nên bị ngất đi ngay lúc đó, là cô ấy đã cõng anh về đấy - một cô gái khác trả lời tôi và chỉ tay về phía Phương Định

-         À… anh… cảm ơn em nhé! - Tôi cố gắng gượng dậy để nói vài lời với cô ấy

Phương Định vội đưa tôi nằm xuống và nói:

-         Không… có gì! Anh nằm xuống nghỉ ngơi vài ngày cho khỏe

Cô ấy vừa nói xong liền quay mặt đi nơi khác, có lẽ là vì ngại. Và cứ như thế, tôi đã dưỡng thương ở đó khoảng vài ngày cho khỏe hẳn. Trong thời gian đó tôi đã quen thêm được khá nhiều người, đặc biệt là hai cô gái cùng “tổ trinh sát mặt đường” với Phương Định là Nho và chị Thao. Nghe bọn họ kể lại, tôi mới biết cuộc sống ở đây của các cô gái thanh niên xung phong gian khổ không thua gì chúng tôi, lúc nào cũng phải cận kề với cái chết. Nghĩ đến cảnh bọn họ phải ngày đêm phá bom, đối mặt với tử thần mà tôi không khỏi rùng mình.

Vào một đêm khuya nọ, Phương Định lại đến thăm tôi. Bọn tôi lại tiếp tục trò chuyện như bình thường. Bỗng nhiên, cô ấy hỏi:

-         À mà đúng rồi! Anh là Thắng mà ngày xưa vẫn hay sang nhà em chơi đó sao?

Tôi gật đầu. Cuộc đời nhiều lúc khiến cho chúng ta phải bất ngờ vì sự sắp đặt của nó. Đã có những lúc tôi tưởng rằng không thể gặp lại cô ấy nữa, đến bây giờ tôi vẫn chưa tin là hai người chúng tôi lại gặp nhau trong hoàn cảnh như thế này.

-         Hai bác nhà anh vẫn khỏe chứ? Nhóc Cường năm nay bao nhiêu tuổi rồi anh? – Phương Định hỏi tôi

-         À bố mẹ anh vẫn khỏe, thằng Cường nhà anh năm nay cũng độ mười lăm tuổi rồi em ạ! - Tôi trả lời

Tôi cũng hỏi lại cô ấy:

-         Mà từ hồi chuyển đi tới giờ gia đình của Phương sao rồi? Đã lâu anh không nghe tin…

-         Gia đình em vẫn khỏe - Phương Định trả lời

Cô ấy vẫn chẳng khác ngày xưa là bao, vẫn nhút nhát, vẫn không biết nên nói gì mỗi khi gặp tôi. Mặc dù thế nhưng lúc nào Phương Định cũng rất quan tâm đến tôi, mỗi lúc tôi buồn thì thể nào cô ấy cũng qua nhà tôi với cái giọng nói không lẫn đi đâu được:

-         Anh Thắng ơi! Em có quà cho anh này!

Và cứ mỗi lần như thế thì tôi lại cười tươi như hoa vậy. Có lẽ vì thế mà tôi cực kì yêu quý Phương Định. Ngày ấy, cho dù tôi có đang tức giận hay buồn bã thì khi gặp cô ấy, tôi đều chỉ có thể mỉm cười mà thôi.

-         Này… anh có đang nghe em nói không vậy? - Phương Định gọi khiến tôi giật cả mình

-         Có… có chứ! Em nói đi - Tôi vội trả lời

-         Khi nào thì anh đi?

-         Đêm nay anh phải đi rồi

-         Thắng này! Anh có còn nhớ cái ngày mà anh đi với em trên con phố nhỏ ở Hà Nội không? - Đột nhiên cô ấy hỏi tôi

Tôi không nhớ rõ lắm. Lúc đấy chúng tôi cũng còn nhỏ mà, đâu thể nhớ hết mọi chuyện như bây giờ được. “Rốt cuộc là chuyện gì chứ?”, tôi thầm nghĩ. Không đợi tôi trả lời, Phương Định đã nói:

-         Anh có nhớ… đã từng nói với em điều gì không?

-         Anh… anh… cũng không nhớ nữa - Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn

Nhìn sang Phương Định, cô ấy nhìn qua cửa sổ rồi nói:

-         Anh nói là… sau này lớn lên sẽ… cưới em… làm vợ mà, đúng không?

Vừa nói cô ấy quay sang tôi và bỗng nhiên đỏ mặt. Tôi bỗng nhớ ra tất cả, nhớ cái ngày ấy, tôi đã hứa với cô ấy thế nào.

-         Anh… anh nhớ rồi! - Tôi xúc động

Phương Định kêu “hứ” một tiếng như muốn trách tôi đã quên mất lời hứa mười mấy năm về trước và khoanh tay lại, quay đi. Tôi liền bước đến bên cô ấy, nói nhỏ rằng:

-         Chẳng phải em cũng suýt quên anh rồi sao?

-         Em… em… ai mà thèm nhớ anh chứ! - Phương Định đỏ mặt quay đi chỗ khác

-         Thôi được rồi, em nhớ giữ gìn sức khỏe, anh sắp phải đi đây - tôi dặn dò

-         Anh phải đi thật sao? - Cô ấy có vẻ như không nỡ để tôi đi

-         Đêm nay anh phải đi về đơn vị gấp rồi! Em nhớ bảo trọng!

Lúc tôi chuẩn bị đi, chị Thao và Nho cũng chào tạm biệt tôi. Tôi thoáng thấy họ nháy mắt với nhau và cười khúc khích. “Không biết họ đang toan tính gì nữa”, tôi nghĩ. Một lúc sau, thấy Phương Định đi theo để tiễn tôi, tôi đã hiểu ra. Tôi mỉm cười và thầm cảm ơn họ vì đã cho chúng tôi những khoảnh khắc cuối cùng để chia tay nhau…

Hai đứa chúng tôi đi với nhau mà trong không gian yên ắng của màn đêm. Tôi lên tiếng:

-         Lần này anh đi cùng đơn vị không biết khi nào mới về được, Phương ở lại nhớ cẩn thận khi phá bom kẻo bị thương nhé!

-         Em sẽ cẩn thận. Mà anh nhớ viết thư cho em nhé! Em cũng sẽ viết thư cho anh - Phương Định vội nói với tôi

-         Ừ. Anh nhớ rồi. - Tôi nói

-         Quay trở lại chiến trường, anh nhớ phải cẩn thận, đừng để bị thương, phải tự biết chăm sóc cho mình đấy! - Cô ấy cẩn thận dặn dò tôi

-         Được rồi! Anh biết rồi mà… Vậy… anh đi nhé!

Sau khi nghe xong câu chuyện của tôi, thằng Tâm thực sự rất ngạc nhiên:

-         Đúng là khó tin thật nhỉ? Không ngờ cô Phương Định bên đấy lại là bạn thuở nhỏ của cậu luôn đấy!

Còn thằng Thịnh thì cứ cười bảo tôi:

-         Có cô Phương Định ngày ngày lo lắng, viết thư cho là phúc bảy mươi đời nhà cậu đấy nhé! Nhớ phải giữ lấy cho chắc, kẻo cô ấy lại theo anh nào đấy thì mệt đấy!

-         Có cái đầu cậu á! - Tôi vừa đáp trả Thịnh nhưng cũng vừa đỏ mặt

-         Thôi đi ngủ đi, sáng mai còn phải dậy sớm - Tâm nói đỡ giúp tôi

Đêm đã khuya mà tôi vẫn không thể ngủ được, phần vì nhớ gia đình, phần vì nhớ Phương Định. Nhưng phần nhiều có lẽ là do chúng tôi háo hức không biết những ngày tiếp theo đại đội của chúng tôi sẽ làm gì, sẽ lại là những ngày tháng hành quân không ngừng nghỉ hay là sẽ tiếp tục ở lại ngôi làng này chờ lệnh của cấp trên.

Đoạn đường phía trước cho dù có bao nhiêu khó khăn, gian khổ cũng sẽ không ngăn được chúng tôi tiến về phía trước, tiêu diệt quân thù, giải phóng miền Nam thân thương, thống nhất đất nước.

Tôi không ngủ được, nhưng tôi đang mơ một giấc mơ, một giấc mơ rất đẹp và giấc mơ ấy đang gần tôi hơn bao giờ hết. Có lẽ, một ngày nào đó, miền Nam sẽ được giải phóng hoàn toàn, đất nước sẽ được thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Tôi sẽ lại được trở về mái ấm gia đình như trước kia, ăn một bữa cơm thật giản dị cùng bố mẹ. Tôi sẽ lại cùng bạn bè thắp sáng những ước mơ đang còn dang dở của đời sinh viên. Tôi sẽ gặp lại Phương Định, sẽ đi cùng với cô ấy trên phố ở Hà Nội và sẽ thực hiện lời hứa thuở nào…

Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi

1973

Nguyễn Quốc Thắng

------------------------------------------------------------------------------------------------

*Chú thích:

Mặc dù mình đã rất tâm huyết trong mấy ngày nay, nhưng mình cũng chỉ có thể viết ra được mấy trang như thế này thôi. Hi vọng các bạn sẽ thích nó. Thể lệ cuộc thi là viết truyện ngắn nhưng mà mình lại có cảm giác là mình lại làm nó giống với tiểu thuyết dài tập quá!... Đây là tác phẩm do chính mình viết, chắc chắn sẽ không chân thực bằng những trang giấy của những người lính đã từng trải trong chiến tranh. Vốn hiểu biết của mình cũng chưa nhiều, mong các bạn thông cảm. Một lần nữa, cảm ơn các bạn đã đọc truyện của mình. Nếu thấy hay, các bạn hãy bình chọn cho truyện của mình nhé!...

                                                                                               Người viết truyện

                    

                                                                                                 Nguyễn Quốc Thắng

 

 

 

 

 

 

 

 

Điểm  15.61

Nhận xét: Tốt lắm bạn, cảm động lắm, và trên hết bạn viết thực sự dùng cái tâm. Mình đánh giá rất cao điều này Còn về bài thì đề mở mà nên mình chỉ góp ý xíu là có vẻ đối thoại quá nhiều. Nếu bạn biết hạn chế lại đi thì sẽ tuyệt hơn. Câu cuối đỉnh zl Bạn có vẻ tìm rất kĩ lịch sử không bịa đặt quá tốt (1973) Điểm: 13,9 + 1,71