*Gợi ý:
-Số phận bất hạnh:
+Vợ mất sớm,một mình gà trống nuôi con,khi trưởng thành vì nhà nghèo nên người con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su biền biệt.
+Lão sống cô đơn trong tuổi già, đối diện với nhiều rủi ro, bất hạnh: ốm đau,bệnh tật, không có việc mưu sinh, hoa màu bị bão phá sạch.
+Đến cả con chó Vàng là niềm vui tuổi già, là điểm tựa cuối cùng nhưng phải bán đi vì dành tiền cho con.
+Con đi xa, lão ngày đêm mong ngóng, chờ tin con.
+Đến đường cùng lão phải tìm đến cái chết thương tâm (bằng bả chó) để giữ tiền cho con
-Phẩm chất của Lão Hạc:
+Hiền lành, lương thiện
+Giàu lòng nhân ái, có tấm lòng vị tha,
+ Giàu lòng tự trọng.
+Tình thương con vô bờ bến, mọi hành động của lão đều hướng về con trai-núm ruột duy nhất của lão.
(+)Lấy dẫn chứng tiêu biểu để khái quát cho từng luận điểm.
Học tốt :)
nhà văn Nam Cao đã tái hiện một cách sống động, chân thực hình ảnh của những người nông dân, cùng với cuộc sống cơ cực, đói khổ của mình. Cái nhìn đồng cảm, tình yêu thương gắn bó của nhà văn Nam Cao với con người đã khiến cho hình ảnh của những người nông dân trở lên thật đẹp, cuộc sống đói nghèo có thể khiến họ suy sụp về vật chất, song vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của phẩm chất không hề bị xóa nhòa, ngược lại còn trở nên sáng chói, đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những truyện viết về cuộc sống đói nghèo của người nông dân, song qua đó cũng làm hiện lên vẻ đẹp con người của nhân vật Lão Hạc.
Truyện ngắn “ Lão Hạc” xoay quanh câu chuyện về cuộc đời và số phận đầy đau khổ và bi thảm của nhân vật Lão Hạc. Lão Hạc là một người nông dân nghèo như bao con người đau khổ, lầm than trong xã hội phong kiến xưa. Lão khổ vì đói nghèo, cũng chính vì sự nghèo khó, túng thiếu đã đẩy Lão Hạc vào sự suy sụp, bế tắc và cuối cùng là phải trải qua một kết cục đầy bi thảm. Cuộc đời đau khổ của Lão Hạc đã làm cho người đọc phải thương xót, xúc động, tuy nhiên cũng qua câu chuyện về cuộc đời của một con người đầy bất hạnh đó, người đọc cũng chợt nhận ra rằng, trong con người bất hạnh ấy còn tồn tại biết bao nhiêu phẩm chất đáng quý, mà cái đói, cái nghèo, cái khắc nghiệt của hoàn cảnh sống không thể xâm phạm, làm cho đổi thay.
Trước hết, Lão Hạc hiện lên trong dòng cảm nhận của người đọc là một con người sống đầy tình nghĩa, yêu thương không chỉ với con người mà cả với con vật. Lão Hạc mất vợ từ sớm, lão không hề có ý định đi thêm bước nữa như bao nhiêu người đàn ông khác, ông đã ở vậy, một thân một mình “gà trống nuôi con”, bao nhiêu niềm tin, niềm hi vọng ông dành hết cho người con trai của mình. Nhưng cũng vì đói nghèo, vì u uất trước cuộc đời mà con trai lão đã bỏ nhà đi làm công nhân đồn điền cao su. Thương con nhưng không thể làm gì hơn cho con nên ông cũng chỉ biết tự trách mình, tự trách mình là một người cha mà không thể làm gì hơn cho con của mình.
Tình thương của Lão hạc còn được thể hiện qua tình cảm của Lão với cậu Vàng, con chó mà lão nuôi. Sau khi người con bỏ đi, cuộc sống cô đơn của Lão Hạc càng trở nên hiu quạnh, ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại lão với con chó Vàng mà con trai lão để lại. Vì vậy, bao nhiêu tình thương lão đã dành cho cậu vàng. Có thể nói, với Lão Hạc thì cậu vàng không đơn thuần là một con chó, một con vật mà lão nuôi trong nhà, Cậu Vàng còn là một người bạn, một người con, một người cháu thân thiết của lão, bởi nhìn vào cách lão chăm sóc cậu vàng không phải như một người chủ với vật nuôi mà như một người cha đối với con của mình. Tình cảm của Lão Hạc đối với cậu Vàng khiến cho người đọc sự ngưỡng mộ, xúc động khôn nguôi
Vì đột nhiên đổ bệnh nặng, lão Hạc không thể đi làm thuê, làm mướn như trước, cái ăn trong nhà ngày càng cạn kiệt, lão đã phải ăn đến những thứ không dành để nuôi sống con người như: sung luộc hay củ chuối thái sợi…Vì cái ăn thì không đủ, mà sức ăn của cậu Vàng thì rất lớn, cực chẳng đã, lão Hạc mới nghĩ đến việc bán cậu Vàng. Tuy nhiên, ta có thể thấy quyết định này chẳng hề dễ dàng gì, bởi đã không dưới hai lần lão sang nhà ông Giáo để hỏi ý kiến về việc bán cậu vàng. Để khi đã bán cậu Vàng thì Lão Hạc đã sa vào tâm trạng rối bời, lão cắn dứt, kiểm điểm nghiêm khắc hành vi của mình: “Mình như này mà lại đi lừa một con chó”. Nếu theo dõi truyện, ta sẽ thấy nội tâm của Lão Hạc chưa được phút nào bình yên, kể từ khi bán cậu Vàng, lão Hạc suy sụp đi trông thấy. Như vậy ta thấy được con người sống đầy tình nghĩa của Lão Hạc, chỉ là một con vật thôi nhưng lão không thôi cắn dứt, như phạm phải một điều gì ghê ghớm lắm.
Ngoài tình thương bất tận dành cho con trai, ta cũng có thể thấy Lão Hạc là một người cha đầy trách nhiệm. Anh con trai vì nghèo nên không thể lấy được người con gái mình yêu, nhìn cô gái ấy lấy chồng mà quẫn trí bỏ nhà đi. Tuy nhà văn không miêu tả nhiều nhưng ta thấy được lão Hạc chưa bao giờ thôi nghĩ về vấn đề này, ông tự thấy mình chưa hoàn thành được trách nhiệm của một người cha, không lo được cho con khiến nó quẫn trí mà rời nhà. Rồi đến khi đổ bệnh, trong nhà không có gì để ăn, đến cậu Vàng cũng buộc lòng phải bán thì người cha ấy chưa bao giờ nghĩ đến việc tiêu vào tiền mình để dành cho con trai. Thậm chí, Lão Hạc còn tìm đến cái chết như một sự giải thoát, để bảo toàn số tiền cho con.
Tuy tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi cái đói, cái khổ, để hoàn thành trách nhiệm của một người cha dành cho con nhưng quyết định này không hề bồng bột, nhất thời. Có thể thấy lão đã rất tỉnh táo mà lo chu toàn mọi thứ, từ việc gửi ông giáo nhà, mảnh vườn cũng như tiền tiết kiệm cho anh con trai, hay gửi tiền để ông giáo cũng như những người hàng xóm lo hậu sự cho mình nếu đột nhiên ông mất đi. Để rồi khi đột ngột mất đi, ông giáo cũng như mọi người đều không khỏi hoảng hốt, bất ngờ. Lão Hạc còn là người có phẩm chất cao đẹp, dù nghèo nhưng ông không muốn ngửa tay xin từ những người hàng xóm những miếng ăn cho qua ngày, cũng không muốn vì mình mà mọi người phải lo toan, chăm sóc. Để bảo vệ những phẩm chất cao quý ấy mà Lão Hạc đã tìm đến một cái chết thật dữ dội.
Lão Hạc là một người dân nghèo trong xã hội phong kiến xưa,cuộc đời đói khổ cùng kết cục đầy bi thảm của cuộc đời lão khiến cho người đọc xót xa, đồng cảm. Tuy nhiên, cuộc đời lão bất hạnh bao nhiêu, đau khổ bao nhiêu thì vẻ đẹp nhân cách, vẻ đẹp của con người lão lại càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng bấy nhiêu. Có lẽ, thông qua nhân vật Lão Hạc, nhà văn Nam Cao như muốn khắc họa vẻ đẹp của những người dân Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa: dù đói nghèo nhưng không bao giờ chịu cúi đầu, dù phải tìm đến cái chết thì cũng bảo vệ nhân cách, con người mình.