Bài 3: Những đoạn văn sau miêu tả điều gì?
(1) Năm nào cả nhà em cũng ăn Tết với ông bà bên cây đào mang đầy hình ảnh của núi rừng ấy. Dáng
cây khẳng khiu, cành lá vươn tự nhiên. Thân cây màu nâu sẫm, lốm đốm những vết sần cằn cỗi. Ông em
bảo, phải như vậy, cây đào mới chịu đựng được cái giá rét của mùa đông Sa Pa, để rồi sang Xuân lại đâm
chồi, nảy lộc. Lúc ông em mang cây đào về trồng, nó chưa có một bông hoa nào, trơ trọi, có vẻ chịu đựng.
Qua mùa đông, đến chừng Rằm tháng Chạp, cây đào bắt đầu ra hoa. Cả nhà em mừng rỡ, vì không ai nghĩ
rằng, cây đào mảnh khảnh, trơ trụi ấy lại có thể chống chọi được với những cơn gió mùa Đông Bắc, và nhất
là, với mảnh sân ở nơi thành phố bụi bặm này. Những bông hoa của nó thật tuyệt vời. Hiếm có cây đào nào
có màu hoa đẹp như nó. Hoa chỉ có năm cánh, nhưng màu cánh như có bàn tay của người họa sĩ tài ba đã
pha những sắc màu thật nền nã mà chau chuốt. Ở sát nhuỵ là một màu của lụa trắng trong veo, nhưng càng
về dần đầu cánh, nó lại chuyển sang phơn phớt hồng. Không những thế, cánh hoa còn như được bọc trong 1
lớp xà cừ mỏng tang, óng ánh, để khi có ánh nắng chiếu vào, chúng như đang tỏa sáng.
(2) Cây cao lớn và có vẻ đẹp thật kiêu sa. Thân cây được ông nội uốn theo hình con rồng bay lên đón
chào năm mới. Xung quanh thân là những cành đào đầy hoa. Cành to bằng cán dao, cành nhỏ như chiếc đũa.
Tất cả hài hòa, đẹp mắt. Những chiếc lá còn sót lại trên cây thon dài như ngón tay, xanh đậm sắc, xung
quanh có đường viền răng cưa thật đẹp mắt. Cây đào ngày tết đẹp hơn hẳn bởi bên cạnh hoa và lá còn có
những lộc non mơn mởn đầu cành, những búp xanh nõn nà như những con chuồn chuồn xanh biếc với cặp
cánh mỏng tang đang đậu đầu cành đón gió. Nụ hoa chúm chím xinh xinh. Nụ hoa nhỏ tưởng như gió có thể
thổi bay, e thẹn chỉ he hé sắc hồng. Theo làn mưa xuân, đào dần dần khoe sắc thắm. Những bông hoa đỏ rực
rỡ gặp hơi xuân nở bung ra. Cành nào cũng chi chít hoa. Mỗi bông hoa thường có rất nhiều lớp cánh xếp
chồng lên nhau quây quần, đoàn tụ. Những cánh hoa mong manh mịn màng, be bé như một mẩu giấy hồng.
Ở giữa những cánh hoa là nhị hoa màu vàng óng gọi mời ong bướm đến dạo chơi. Nhị hoa như những sợi
chỉ vàng sẽ chuyển sang màu vàng sậm khi hoa sắp tàn.
(3) Đến 30 Tết, hoa đào bắt đầu nở. Những nụ hoa trước kia giờ là những bông hoa rực rỡ. Các cánh
hoa mỏng manh màu hồng xoè ra thật mảnh mai, nhẹ nhàng. Ngay giữa bông là nhị vàng rung rinh. Mỗi khi
hoa lay động, những hạt phấn vàng nhỏ li ti bay khắp nơi. Những cánh hoa mong manh đến nỗi chỉ cần cành
hơi rung là chúng lập tức rơi xuống đất thật vội vã, không chút do dự. Không chỉ hoa mà lá cũng mọc đầy.
Từng chiếc lá nhỏ đẫm một màu xanh man mát, làm bừng sáng góc nhà. Những chiếc lá đó kết thành chùm
mọc ở đầu cành, cạnh những bông hoa gần chồi nách. Nhưng hoa vẫn còn thưa thớt, chưa phải là đã nở hết.
Đến độ mùng một, mùng hai Tết, hoa mới nở tràn trên cành. Cành nào cũng có hoa, có lá. Không khí xuân
sang bừng trên cành đào. Hơi ấm mùa xuân phả vào những bông hoa làm chúng thêm phần rực rỡ, lá thêm
phần xanh tươi. Cành đào đã trút bỏ lớp áo cũ với những lộc non còn e ấp, thay vào đó là bộ áo mới với
muôn vàn hoa xinh nở tưng bừng. Vẫn dáng đứng mềm mại, tự nhiên đó, cành đào giờ đây đã trở thành nét
đẹp duyên dáng của ngày Tết. Nó đưa ta đến với thiên nhiên, với một mùa xuân vui vẻ, hạnh phúc. Nó làm
ta cảm thấy được sự êm dịu của những hạt mưa ngoài trời, những cơn gió lành lạnh thật dễ thương của mùa
xuân đích thực.
(4) Khi bão đã ập đến bầu trời trở nên u tối. Gió quay cuồng, gào rít. Cây cối ngả nghiêng rồi nạp mình
thành những cơn gió xoáy. Những cơn mừa ào ào đổ xuống, xối xả trên sân nhà, mái ngói, ngọn cây. Trận
này chưa qua, trận khác lại kéo đến. Mưa ròng rã suốt ngày đêm. Thế rồi, nước ở sông bắt đầu dâng cao,
màu nước đỏ ngầu. Nước tràn qua đê vào thôn xóm, làng mạc, thành phố. Nước ngập các con đường. Ruộng
đồng chỉ một màu trắng xóa. Gió to kèm theo mưa lớn, chúng cứ tiếp nối nhau. Nước ồ ạt đổ vào các rãnh
cống, kênh rạch. Nước sông sôi sục, chảy xiết, cuốn theo bao khúc gỗ từ miền ngược xa xôi. Cơn bão lũ vẫn
diễn ra rất dữ dội, mọi tầng lớp nhân dân ở đây cùng các lực lương vũ trang ra sức chống đỡ. Hàng nghìn
người dùng bao đất và cọc tre để chắn giữ đê, chắn giữ bờ sông, không cho sạt lở, ngăn dòng nước tràn vào
thành phố, làng mạc. Tiếng rào rào bất tận của mưa, tiếng ào ào của nước chảy cùng tiếng gọi í ới của bao
người đang chống lũ làm thính giác của người ta thêm mệt mỏi. Tuy vậy, họ vẫn cương quyết chống chọi
với bão lũ. Nước vẫn dâng lên cao, tràn mênh mông. Từng chiếc thuyền lòa nhòa ẩn hiện trong cơn mưa bao
phủ. Người dân ở gần bờ sông họ đều di dời tài sản đến nơi an toàn trước khi cơn lũ đến. Thanh niên cùng
các lực lượng cứu hộ phải lênh đênh trong biển nước để làm nhiệm vụ. Từng chiếc thuyền dập dềnh sóng
nước, mọi người tất bật, khẩn trương. Cơn bão lũ vẫn cứ tiếp tục, nước ở các sông ầm ầm đổ ra biển. Gió
biển thổi mạnh vào đất liền, từng cơn bão dữ tiếp nhau đe dọa. Nhiều ngôi nhà bị tóc mái, bay loảng choảng.
Hàng loạt ngôi nhà bị sạt móng, ngã vách. Có những ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụ, mặc dù nó là nơi mà
mọi người phải làm từ lâu lắm mới có được. Tài sản bị bão lũ cướp đi, mạng người cũng không tránh khỏi.
Trường học, bênh viện, nhà máy đều bị hư hại, khủng khiếp vô cùng đến mấy ngày liền.
(5) Tất cả những gì ở nơi đây bao trùm một thứ gì đó đơn điệu mà ẩn chứa bao nguy hiểm cùng với
màn trắng của nước là màu xanh của ngọn cây, những cây cổ thụ dám dương đầu với dòng nước lũ và những
mái ngói nhấp nhô - nơi duy nhất để người dân bám trụ. Mọi người từ cụ già đến trẻ em đều sống trong tâm
trạng lo lắng, hoang mang, lo sợ, làn da xám đi vì lạnh. Có những đứa trẻ mới sinh ra mới vài tháng, cơ thể
như không còn chút sinh lực. Họ sống trong tình trạng thiếu thốn không điện, không thức ăn, nước uống.
Nhiều thanh niên đi mò trong biển nước những cây lúa còn sót lại một cách vô vọng.
(6) “Nắng bắt đầu rút lên những chòm cây cao, rồi nhạt dần và như hoà lẫn với ánh sáng trắng nhợt
cuối cùng. Bóng tối như bức màn mỏng, như thứ bụi xốp, mờ đen phủ dần lên mọi vật. Một vài tiếng dế gáy
sớm, vẻ thăm dò, chờ đợi. Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra và tung tăng
trong ngọn gió nhẹ, nhảy trên cỏ, trườn theo những thân cành.
(7) Lãng đãng một mùa thu dịu ngọt với mùi hoa sữa quyện trong hương cốm đầy mê hoặc, Hà
Nội rũ mình cho trôi sạch chiếc lá vàng còn vương, đón chờ một mùa đông giá buốt bắt đầu tràn về. Hà Nội
mùa đông tuy lạnh ở bên ngoài nhưng lại có gì đó ấm áp tận sâu thẳm trong tim, để ai đã từng lướt qua phố
cổ một lần vào mùa này đều thơ thẩn một tình yêu chẳng thể nói thành lời.
Hà Nội chẳng phải vùng đất hào nhoáng cùng nhịp sống tất bật như Sài Gòn, bởi lẽ người Hà Nội ưa một
cuộc sống chậm rãi để thưởng thức từng hương vị mà tạo hóa đã ban tặng. Nhắc đến mùa đông Hà Nội,
người ta lại nghĩ ngay đến cánh họa mi trắng muốt khẽ gõ cửa như báo thức thời khắc giao mùa.
Hà Nội mùa đông không còn nhiều nắng, cơn gió cũng băng giá hơn bình thường, để gánh hoa họa
mi chợt bừng sáng và tinh khôi hơn bao giờ hết trên đường phố cổ. Lòng người Hà thành lại rạo rực và trào
dâng một nỗi niềm khó tả, đưa tay ôm trọn họa mi vào lòng, bồng bềnh như làn mây trắng, mỉm cười chào
Hà Nội mùa đông đã về. Dường như cúc họa mi có nhiệm vụ riêng là báo thức mảnh đất cố đô phương Bắc
về một mùa đông sắp đến, ấy thế nên sau khi xong nhiệm vụ, chúng lặng lẽ rời xa khi tất cả mọi người đã
quen với cái lạnh của đất trời đang xê dịch. Hà Nội mùa đông vui vầy cùng cánh cúc họa mi chỉ chừng hai
tuần. Ấy thế nên không quá khó hiểu để tại sao họa mi lại có ý nghĩa riêng đến vậy, người người nhà nhà
trong khoảng thời gian này đều giữ lại cho mình những khoảnh khắc đẹp với cánh cúc họa mi. Nếu trên
khắp ngõ phố, người Hà Nội bắt gặp những chiếc xe chở đầy giỏ cúc họa mi thì vùng ven đô lại bắt đầu rực
rỡ màu cải vàng. Hà Nội mùa đông bình dị đến lạ, hoa cải cứ chợt đến, nồng nàn cả vùng trời, ấm áp phả
vào lòng người một cảm giác an yên đến, chân thực vô bờ.
(8)Hà Nội mùa đông, gió Đông Bắc tràn về tê tái cả người, cái lạnh hanh khô cứ len lỏi qua từng lớp
áo dày cộm, chỉ chực ai đó sơ hở là ùa vào, khiến tay chân cứ run lên cầm cập. Thế nên những lúc này, cơn
mưa cuối năm lất phất khắp dọc đường làm cho người ta thấy dễ chịu hơn hẳn. Mưa ướt át trên khắp ngõ
phố, không rào rào như mùa hạ, cũng không bụi bay như ngày đầu xuân. Mưa mùa đông Hà Nội âm thầm,
lặng lẽ, tỉ tê triền miên kéo dài rất lâu mới chịu tạnh. Mưa càng làm cho phố cổ vốn đã tĩnh lặng nay lại trở
nên trầm mặc hơn. Người lữ khách bước vào cơn mưa Hà Nội mùa đông sẽ có cảm giác xử sở này hao hao
lãng mạn của Đà Lạt nhờ giọt nước nhỏ cứ từ từ rơi rớt xuống, nổi bọt bong bóng rồi vỡ tan theo khe chảy
ngược vào tận sâu trong lòng đất, nhẹ nhàng.
(9)Nếu có ai than Hà Nội xô bồ, chật hẹp, hãy thử thức dậy sớm, ngắm thành phố trong buổi sáng
bình yên, trong lành đến ngỡ ngàng. Những con phố nhỏ vẫn ngủ vùi trong màn sương trắng xóa, Hà Nội lúc
này thật tĩnh lặng và cổ kính, gợi cho lòng người một chút nao nao. Nếu yêu mùa đông Hà Nội, chắc hẳn
bạn sẽ thấy tim mình lắng lại trước vẻ đẹp trong veo của thành phố.
(10) Đêm xuống, Hà Nội cất đi cái vẻ ồn ào, nhộn nhịp đển trở lại với sự tĩnh lặng, lung linh vốn thế.
Có bài hát viết: “Hà Nội đẹp nhất về đêm”. Dạo phố đêm Hà Nội, bạn có thể cảm nhận được hơi thở cùng
sức sống mãnh liệt của mảnh đất thân thuộc này. Giữa cuộc dạo chơi, bạn hãy dừng chân tại một quán ven
đường, ăn một bát cháo khuya, hay mua hạt dẻ nướng thơm lừng nơi phố cổ... để thấy mùa đông thực sự đã
về.