Không biết tự bao giờ, ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân. Có thể gọi đấy là mối lương duyên suốt đời mà ông tơ bà nguyệt đã dành cho họ. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Ở đó, nó đã trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn có sức ám ảnh, khơi gợi cho người đọc nhiều xúc cảm về chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau, quê hương và gia đình, tình yêu và thân phận con người... Mặt khác, trăng - với lí tính khách quan của nó - là mang đến ánh sáng mát mẻ huyền diệu cho con người và cuộc đời trong đêm đen, khi bước vào địa hạt thơ ca đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thực sự, được miêu tả khá độc đáo và sắc nét. Ở đây, nó đã được các nhà thơ vận dụng trong trường liên tưởng một cách tinh tế, sáng tạo. Có thể đấy là tuổi xuân, hạnh phúc, là vẻ đẹp, niềm vui, là nỗi buồn cô đơn tuyệt vọng, đôi khi là một người bạn, người tình yêu dấu... Có thể nói, trăng hiện lên qua cái nhìn của những người phụ nữ đa tài, đa tình và cũng lắm đa truân này không có cái lãng mạn, thơ thới, ấm áp giao hòa mà lúc nào cũng vàng rười rượi, cũng "lạnh lẽo buốt xương da", cũng u ám hắt hiu và lắng đượm vẻ buồn - bởi ngoại cảnh đã là tâm cảnh. Trăng gợi nhớ hạnh phúc, niềm vui ở họ dẫu có cũng chỉ thảng hoặc thoáng qua trong giây lát, không làm vơi đi vết thương lòng mà càng khắc sâu thêm nỗi tủi hổ bẽ bàng của phận hẩm duyên ôi. Xét đến cùng, lịch sử văn học của một dân tộc chính là lịch sử văn hóa, tâm hồn của dân tộc ấy. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, qua hình tượng trăng, ta thấy được bước tiến dài của văn hóa Việt, tâm hồn Việt từ "thần bản" của thuở nguyên sơ đến "nhân bản" của ngày hôm nay