Quy luật vận động của mọi quốc gia là phải luôn cải cách để phát triển. Các nước xã hội chủ nghĩa cũng nằm trong sự vận động tất yếu đó. Công cuộc cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là đòi hỏi tất yếu trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là sự tự nhận thức lại về chủ nghĩa xã hội nhằm khắc phục những sai lầm, hạn chế đã mắc phải, tìm con đường phát triển thích hợp với bối cảnh của thời đại.
Vào đầu những năm 1980, cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới bắt đầu bộc lộ sự lạc hậu. Trong xây dựng kinh tế, các quốc gia này chỉ duy trì quan hệ khép kín trong Hội đồng Tương trợ kinh tế (Khối SEV). Điều này đi ngược xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa về kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Quan hệ giữa các Đảng Cộng sản và các nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng mắc nhiều sai lầm. Một khuôn mẫu Xô Viết đã áp đặt cho hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa mà bỏ qua sự khác nhau về lịch sử, xã hội, địa lý, văn hóa cũng như điểm xuất phát và những điều kiện riêng của từng nước.
Những nhận thức chưa đầy đủ về chủ nghĩa xã hội, những sai lầm trong thực tiễn chậm được phát hiện, những hậu quả chưa khắc phục kịp thời, cùng với sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” đã đẩy các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào sự khủng hoảng toàn diện. Lòng tin của người dân vào Đảng Cộng sản ở các nước, vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội giảm sút nghiêm trọng. Thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, trong đó, có Việt Nam phải tiến hành cải cách, đổi mới đất nước toàn diện.