Kinh đô Huế làm nảy sinh nơi người dân một phong cách mà người ta nương tình gọi là “đài các”, tức là một vẻ cao sang mơ hồ nào đó, nhưng cái đài các này không khu biệt trong vòng hoàng thành mà còn lan tỏa trong dân gian. Từ cái đài các ấy còn rẽ riêng một nét tinh mà người tại chỗ gọi là tính “đài đệ”, có nghĩa là một sự giữ kẽ, giữ ý, và luôn cả một tính cách mà người ta gọi là “đế đô”. Khi người mẹ mắng con gái “đừng có đế đô!” thì có nghĩa là đừng có đòi hỏi, đừng với cao, đừng học làm sang.Thiếu nữ Huế thường là kín đáo, không bộc lộ tâm tình cho người khác biết, có khi là e ấp, cũng có khi là ỡm ờ. Trong hai câu thơ của Đông Hồ nhắc đến cô gái Huế: “Gió chiều vương áo nàng Tôn Nữ, quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ”, ta cảm thấy các món trang sức như tà áo, chiếc nón, bài thơ trong nón đều góp phần tạo nên nét duyên e ấp của “nàng Tôn Nữ” và nàng Tôn Nữ ở đây dùng để chỉ chung các thiếu nữ Huế. Một tác giả Pháp chấm phá dung nhan này như sau: “... Các cô gái Huế kiêu sa và dễ làm ra vẻ khinh khỉnh, họ là đám hậu sinh của các phi tần không bao giờ quên rằng một giọt máu thiên tử đang chảy truyền trong huyết quản của mình”