Văn mẫu lớp 8

phan thị oanh

phân tích đoạn trích trong lòng mẹ để làm rõ ý kieenscuar Thạch Lam"trong lòng mẹ là những rung động của một linh hồn trẻ dại"

Thời Sênh
15 tháng 7 2018 lúc 14:54
Nói đến Nguyên Hồng, người ta nhớ ngay một giọng văn như trút cả bao xúc động đắng đót vào trong những câu chuyện của ông.

Hồi ký “Những ngày thơ ấu” là kỷ niệm xót xa của cậu bé Hồng, mang theo cái dư vị đắng chát của tuổi thơ khát khao tình mẹ. Cho đến tận bây giờ, khi đọc lại những trang viết này, người đọc vẫn lây lan cảm giác của cậu bé sớm phải chịu thiếu thốn tình cảm, để rồi chợt nhận ra: tình mẫu tử là nguồn sức mạnh thiêng liêng và diệu kỳ, là nguồn an ủi và chở che giúp cho đứa trẻ có thể vượt lên bao đắng cay tủi nhục và bất hạnh. Đoạn trích Trong lòng mẹ là hồi ức đan xen cay đắng và ngọt ngào của chính nhà văn – cậu bé sinh ra trong một gia đình bất hạnh: người cha nghiện ngập rồi chết mòn, chết rục bên bàn đèn thuốc phiện, người mẹ cùng túng phải đi tha phương cầu thực, cậu bé Hồng đã phải sống trong cảnh hắt hủi ghẻ lạnh đến cay nghiệt của chính những người trong họ hàng. Cậu bé phải đối mặt với bà cô cay nghiệt, luôn luôn “tươi cười” – khiến hình dung đến loại người “bề ngoài thơn thớt nói cười – mà trong nham hiểm giết người không dao”. Đáng sợ hơn, sự tàn nhẫn ấy lại dành cho đứa cháu ruột vô tội của mình. Những diễn biến tâm trạng của bé Hồng trong câu chuyện đã được thuật lại bằng tất cả nỗi niềm đau thắt vì những ký ức hãi hùng kinh khiếp của tuổi thơ. Kỳ diệu thay, những trang viết ấy lại giúp chúng ta hiểu ra một điều thật tự nhiên giản dị: Mẹ là người chỉ có một trên đời, tình mẹ con là mối dây bền chặt không gì chia cắt được. Trước khi gặp mẹ: Nói một cách công bằng, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài cuộc sống của cậu bé Hồng, có thể nói cậu bé ấy vẫn còn may mắn hơn bao đứa trẻ lang thang vì còn có một mái nhà và những người ruột thịt để nương tựa sau khi cha mất và mẹ bỏ đi. Nhưng liệu có thể gọi là gia đình không khi chính những người thân – mà đại diện là bà cô ruột lại đóng vai trò người giám hộ cay nghiệt. Tấm lòng trẻ thơ ấy thật đáng quí. Đối với bé Hồng, bao giờ mẹ cũng là người tốt nhất, đẹp nhất. Tình cảm của đứa con đã giúp bé vượt qua những thành kiến mà người cô đã gieo rắc vào lòng cậu: “Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực. Nhưng đời nào lòng thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…” Nhưng ta cũng nhận ra những vết thương lòng đau nhói mà bé Hồng đã sớm phải gánh chịu. Sự tra tấn tinh thần thật ghê gớm. Sức chịu đựng của một cậu bé cũng có chừng mực. Ta chứng kiến và cảm thương cho từng khoảnh khắc đớn đau, cậu đã trở thành tấm bia hứng chịu thay cho mẹ những ghẻ lạnh, thành kiến của người đời: “Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi thắt lại, khoé mắt tôi đã cay cay” Dù đã kìm nén hết mức nhưng những lời độc ác kia vẫn đạt được mục đích khi đã lấy được những giọt nước mắt tủi nhục của một đứa trẻ không đủ sức tự vệ . Ta chợt ghê sợ trước loại người như bà cô – họ vẫn lẩn quất đâu đó quanh ta, với trò tra tấn gặm nhấm dần niềm tin con trẻ. Liệu ta có hoà chung giọt nước mắt này chăng: “Nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và cổ”. Càng thương cho cậu bé Hồng, ta lại càng căm uất sự ghẻ lạnh của người đời trước những số phận bất hạnh. Từ nhận thức non nớt, cậu bé ấy cũng đã kiên quyết bảo vệ mẹ mình, bất chấp những thành kiến ác độc: “Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm… Tôi cười dài trong tiếng khóc”. Dường như khoảnh khắc cười dài trong tiếng khóc kia chứa chất sự phẫn nộ và khinh bỉ không cần giấu giếm Trong thâm tâm, liệu rằng cậu bé ấy có khi nào oán trách mẹ mình đã nhẫn tâm bỏ con không? Có lẽ không bao giờ, bởi lẽ niềm khao khát được gặp lại mẹ lúc nào cũng thường trực trong lòng cậu bé. Ta xúc động biết bao nhiêu trước khoảnh khắc hồi hộp lo lắng của cậu bé khi sợ mình nhận nhầm mẹ. Linh cảm và tình yêu dành cho mẹ đã không đánh lừa cậu, để đền đáp lại là cảm giác của đứa con trong lòng mẹ – cảm giác được chở che, bảo bọc, được thương yêu, an ủi. Hình ảnh mẹ qua những trang viết của nhà văn thật tươi tắn sinh động, là sự diệu kỳ giúp cậu bé vượt lên nỗi cay đắng của những ngày xa mẹ. Mỗi khi đứng trước mẹ, có lẽ mỗi một người trong chúng ta cũng sẽ cảm nhận được tình me giống như cậu bé Hồng: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Không khóc sao được, khi những uất ức nén nhịn có dịp bùng phát, khi cậu bé có được cảm giác an toàn và được chở che trong vòng tay mẹ. Thật đẹp khi chúng ta đọc những câu văn, tràn trề cảm giác hạnh phúc:“Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy mẹ có một êm dịu vô cùng”. Mẹ đã trở về cùng đứa con thân yêu, để cậu bé được thoả lòng mong nhớ và khát khao bé nhỏ của mình. Có lẽ không cần phải bình luận thêm nhiều, khi tất cả tình yêu với mẹ đã được nhà văn giãi bày trên trang giấy. Một đoạn trích ngắn, một tình yêu vô bờ bến nhà văn dành cho mẹ đã khiến cho bao trái tim trẻ thơ thổn thức. Điều quan trọng hơn, nhà văn đã đem đến cho ta những giờ phút suy ngẫm về vai trò Người Mẹ. Có lẽ vì những ngày thơ ấu in đậm trong hoài niệm đã làm nên một hồn văn nhân ái Nguyên Hồng sau này chăng?
Đạt Trần
15 tháng 7 2018 lúc 21:11

Có tuổi thơ nào chẳng đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào về tình mẹ, tình quê hương, về mái trường yêu dấu. Nhưng có tuổi thơ đã hóa trang văn, mà mỗi trang ấy là trang đời về một thời thơ ấu thiếu tuổi thơ đầy cay đắng. Đó chính là Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng được hiện lên qua dòng chữ đẫm nước mắt, trong đó đoạn trích Trong lòng mẹ, chương IV của tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đánh giá về đoạn trích này, sinh thời nhà văn Thạch Lam cho rằng: Nguyên Hồng đã miêu tả thành công những rung động cực điểm của một linh hồn bé dại về người mẹ yêu thương của mình.

Nhân vật tôi (bé Hồng) là kết quả của một cuộc hôn nhân gượng ép, không có tình yêu, cha bé vì cờ bạc, nghiện ngập mất sớm. Mẹ vì nợ nần, cùng túng phải tha phương, cầu thực. Bé sống trong sự ghẻ lạnh của cả một họ hàng giàu có luôn tìm mọi cách chia cắt tình mẹ con.

Đoạn trích không đầy bốn trang giấy, nhưng mỗi dòng chữ dường như cũng phập phồng, thổn thức bởi những rung động cực điếm của một trái tim thơ ngây yêu mẹ tha thiết đến cháy lòng. Chất trữ tình của một ngòi bút nhân đạo thống thiết thấm đẫm qua lời kể của nhân vật tôi (bé Hồng) và những lời bình luận trữ tình ngoại đề của tác giả.

Hiển hiện qua những dòng hồi ký, người đọc như cảm thấu được mọi cung bậc: đau đớn, tủi hận, xót xa, căm giận, sung sướng, hạnh phúc…của bé Hồng. Tất cả cung bậc đó được khởi nguồn từ một trái tim yêu mẹ.

Trước hết những rung động ấy được thể hiện bằng phản ứng quyết liệt của bé Hồng trước lời nói của người bà cô xấu bụng.

Xa mẹ, rất nhớ mẹ, muốn gặp mẹ nhưng khi cô nói Hồng, có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không tưởng đến khuôn mặt rầu rầu và hiền từ của mẹ, bé toan trả lời có nhưng nhận ra ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt rất kịch của người cô, bé cúi đầu không đáp rồi lại cười đáp: Không! cháu không muốn vào. Đây có thể coi là phản ứng thông minh, xuất phát từ một trái tim nhạy cảm và lòng tin yêu mẹ sâu sắc.

Nhưng vì trái tim non nớt, khi người bà cô ngọt ngào: Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu và thăm em bé nữa chứ thì lòng bé thắt lại, khóe mắt cay cay … nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm, ở cổ,… cười dài trong tiếng khóc. Các từ rớt, ròng ròng, chan hòa, đầm đìa cùng một trường nghĩa, miêu tả giọt nước mắt đớn đau của bé Hồng vì thương mẹ đến vô hạn. Nỗi đau của bé âm thầm cố kìm nén bên trong giờ đây không thể nào kìm giữ nổi đã vỡ ra thành nước mắt. Mặc dù không đời nào tình thương mẹ của bé lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến nhưng lời nói của người bà cô quả như mũi dao ghê gớm, sắc lạnh đã chạm tới nơi dễ tổn thương nhất của một trái tim thơ ngây đã từng rỉ máu vì nỗi đau xa mẹ, yêu mẹ đến vô cùng.

Tình thương và niềm tin yêu mẹ trào dâng với bao xúc cảm thơ ngây bồng bột về người mẹ tội nghiệp: Tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tồi để sinh nở một cách giấu giếm, trốn tránh như một kẻ giết người lúng túng với con dao vấy máu

Từ nỗi đớn đau vì thương mẹ, bé Hồng căm giận những cổ tục đày đọa mẹ bé qua hình ảnh so sánh thật dữ dội.

Đến đây tình thương mẹ trào lên như bão nổi, giằng xé với bao phẫn uất: Giá những cổ tục đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi.

Nhà văn đã sử dụng các động từ chỉ hành động mạnh: vồ, cắn, nhai, nghiến với sắc thái biểu cảm ngày càng tăng, khiến lời văn dường như sôi sục, tuôn trào đặc tả tâm trạng phẫn uất, căm giận cao độ của bé Hồng với những thành kiến vô hình đã làm khổ mẹ bé. Qua đó, ta càng thấu hiểu bé Hồng thương yêu mẹ đến chừng nào.

Trong xã hội phong kiến ngày trước, biết bao người phụ nữ đã phải chôn vùi tuổi xuân vì những thành kiến vô hình mà ác nghiệt ấy:

Gió đưa cây trúc ngã quỳ

Ba năm trực tiết còn gì là xuân.

Từ câu chuyện riêng của đời mình, Nguyên Hồng đã truyền tới người đọc nội dung mang ý nghĩa xã hội sâu sắc bằng những dòng văn giàu cảm xúc và hình ảnh thật ấn tượng. Thông qua những rung cảm của trái tim người con, Nguyên Hồng đã phát biểu quan điểm nhân đạo tiến bộ của mình, dứt khoát đứng về phía người phụ nữ mà thông cảm, bênh vực họ trước những thành kiến tàn ác của xã hội phong kiến.

Từ tình thương và niềm tin yêu mẹ, có một niềm khát khao âm thầm, cháy bỏng luôn ấp ủ trong lòng bé Hồng: được gặp mẹ. Xa mẹ nhưng bé Hồng dường như vẫn bấm đốt ngón tay, tính từng ngày khắc khoải, chờ mong mẹ về: Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về…

Nhưng đến ngày giỗ đầu thầy tôi, tôi không viết thư gọi mẹ tôi cũng về… Người mẹ đã trở về, nỗi nhớ, niềm mong của bé Hồng đã trở thành hiện thực.

Đến đây có thể nói những rung động về mẹ của bé Hồng đã đến độ cực điểm qua ngòi bút miêu tả của nhà văn. Đầu tiên là cảm giác bối rối, hồi hộp đến nghẹn ngào của bé Hồng khi vừa tan trường ra nhìn thấy người đàn bà ngồi trên xe kéo giống mẹ, bé đuổi theo gọi bối rối: Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!

Tiếng gọi ấy bao lâu nay chỉ là tiếng nấc thầm đau khổ của trái tim thơ dại như Mợ! Con khổ quá mợ ơi, giá ai cho tôi một xu nhỉ, chỉ một xu thôi để tôi mua một nắm xôi hay một chiếc bánh khúc ăn cho đỡ đói. Nhưng không ai cho tồi cả. Vì người ta không phải là mẹ cửa tôi, đến đây đã bật lên thành tiếng thổn thức. Bé Hồng thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi,…ríu cả chân lại vì mừng rỡ sung sướng, vội vã đến cuống quýt tội nghiệp như sợ bóng hình mẹ tan biến mất.

Mong ngóng bao ngày, giây phút gặp mẹ, bé Hồng vẫn cám thấy như quá đột ngột, niềm vui, niềm hạnh phúc được gặp mẹ khiến bé bất ngờ không dám tin vào mắt mình nữa để nghĩ rằng: Nêu người quay lại ấy là người khác…. Và cái lầm đó không những làm cho tôi thện mà còn tủi cực nữa, chẳng khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc.

Lời văn miêu tả với hình ảnh so sánh gợi cảm, nhà văn đã lấy hình ảnh người khách bộ hành ngã ngục giữa sa mạc, với đôi mắt đăm đắm trông nhìn đến gần rạn nứt để so sánh với khát khao gặp mẹ cháy bỏng mãnh liệt của bé Hồng. Còn người mẹ lại được so sánh như Dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm giữa sa mạc để nói rằng mẹ bé Hồng chính là nguồn sống, là sự hiền hòa, bao dung như dòng nước mát làm dịu lòng con trước nỗi đắng cay của cuộc đời. Chỉ có mẹ mới đưa con từ cõi chết trở về với sự sống, con sống được là nhờ có mẹ.

Được ngồi lên xe cùng mẹ, bé òa lèn khốc nức nở khiến người mẹ cũng sụt sùi theo. Các từ òa, nức nở, sụt sùi cùng trường nghĩa nối tiếp nhau miêu tả cung bậc khác nhau của tiếng khóc, của dòng nước mắt đã càng làm tăng tính biểu cảm của đoạn văn và diễn tả rõ nét tình cảm của bé Hồng khi gặp mẹ.

Trước đây nước mắt bé Hồng đã từng chan hòa, đầm đìa, ròng ròng rơi xuống từ niềm đau, nỗi khổ của mẹ. Bây giờ vẫn là dòng nước mắt nhưng nó vỡ “oà ra” vì bàng hoàng, sung sướng đến tột cùng. Đó là dòng nước mắt nhân lên niềm vui, nở bừng ánh sáng hạnh phúc trong giây phút hội ngộ của tình mẫu tử thiêng liêng.

Những rung động của bé Hồng khi được ngồi kề bên mẹ, được ôm ấp trong lòng mẹ cứ trào lên từng giây, từng phút. Được tận mắt nhìn thấy mẹ, thấy gương mặt mẹ tồi vẫn tươi sáng đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má chứ không còm cõi, xơ xác như lời người bà cô, bé thấy mẹ bé vẫn tươi đẹp như thuở còn sung túc.

Với bé, mẹ chính là cô Tấm thảo hiền, là cô tiên dịu dàng xinh đẹp bởi mẹ em chỉ có một trên đời.

Được ôm ấp, được sống trong lòng mẹ đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đă bao lâu mất đi bỗng lại nở và man khắp da thịt, hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường, bé Hồng tưởng như trên đời không còn hạnh phúc nào bằng. Ngôn ngữ của Nguyên Hồng đã diễn tả thật chính xác sinh động, cảm xúc, cảm giác, những rung động của một người con được ôm ấp trong lòng mẹ, cảm nhận được mùi vị riêng của người mẹ từ hơi quần áo, hơi thở. Đó chính là những rung động chỉ có được ồ người con thiết tha yêu kính mẹ. Đó cũng chính là cộng hưởng của cảm xúc, của nỗi khát khao bao ngày được sống trong lòng mẹ của bé Hồng.

Bằng chính rung động của trái tim mình, Nguyên Hồng đã vẽ lên bằng ký ức bức tranh đẹp, lãng mạn về tình mẫu tử muôn đời: tràn ngập ánh sáng, thoang thoảng hương thơm, sắc màu tươi tắn, được họa nên bởi muôn hồng ngàn tía tỏa ra từ tình mẹ với con, tình con với mẹ. Ta chợt nhớ tới câu của một nhà thơ Nga: Chỉ mẹ là nguồn vui ánh sáng diệu kỳ.

Được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, bé Hồng lại khao khát, một khao khát thật dễ thương là: Phải bé lại lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ để bàn tay của người mẹ vuốt ve, gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

Đây là lời bình luận trữ tình ngoại đề hay chính là lời độc thoại nội tám của nhân vật ẩn chứa khát khao thơ ngây và cũng thật chính đáng của mỗi con người. Ta như bồi hồi sống lại tuổi thơ, được mẹ yêu thương vỗ về, được làm nũng, hưởng sự vuốt ve, chiều chuộng, được cánh tay hiền của mẹ đưa nôi cùng với điệu à ơi để mai này có lúc :

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm nắm, lưỡi lừa cá xương

Bé Hồng bồng bềnh như trôi trong cảm giác sung sướng, rạo rực ru mình trong giấc mơ về tình mẹ dịu êm.

Tôi còn nhớ câu chuyện cô bé bản diêm của nhà văn thiên tài xứ Đan Mạch, trong đêm đông lạnh giá, em bé đốt đến que diêm cuối cùng để ru mình trong giấc mơ rực sáng, ở đây bé Hồng đang ru mình vào giấc mơ giữa ban ngày, giấc mơ trong hiện thực với tình mẹ thiêng liêng, tình con cháy bỏng để quên đi tất cả.

Văn chính là người, văn của Nguyên Hồng chính là hạt trai long lanh kết tụ từ nước mắt rơi xuống của chính cuộc đời nhà văn. Trang hồi ký của ông thực sự là tiếng lòng của ông vọng về từ một thời thơ ấu, chính vì thế mới là những rung động cực điểm của một linh hồn bé dại, về một tuổi thơ bất hạnh luôn khao khát tình mẹ. Ta! càng cảm thông, xót xa hơn cho những tuổi thơ xa vắng mẹ. Tất cả có thể mất đi, có thể nhạt phai nhưng có một điều không thể nào chia rẽ được. Đó là tình mẫu tử. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc ấy, đoạn trích sẽ còn lay động mãi tới tất cả những trái tim biết yêu mẹ, hiếu để với đấng sinh thành.


Các câu hỏi tương tự
Khánh Linh
Xem chi tiết
Phí Thu Trang
Xem chi tiết
tam
Xem chi tiết
Đào quang Huy
Xem chi tiết
*** Lynk My ***
Xem chi tiết
Truong Ho
Xem chi tiết
Sky Trần
Xem chi tiết
Trần Nguyễn Đắc Nguyệt
Xem chi tiết
Nguyễn Bá Hiền
Xem chi tiết