Danh và thực là vấn đề muôn thuở trong xã hội, được bàn luận và đề cập trong rất nhiều cuộc hop, hội thảo. Trên thực tế đề tài này chưa bao giờ hết nóng bởi rằng nạn “hữu danh vô thực”, vì danh mà lu mờ nhân cách chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Danh và thực hiện lên với những đường nét vô hình mà hữu hình khiến con người ta không thể nắm bắt được.
Từ xưa đến nay, danh luôn đi liền với thực, không hề tách rời nhau, chúng cứ bám riết lấy nhau mà tồn tại. Trong thời kỳ phong kiến thì vấn đề danh và thực dường như hiển hiện một cách lố lăng, lộ liễu và đầy bất công. Đặc biệt là những ông quan phong kiến dung tiền để mua chức quyền địa vị, dùng tiền để “mua” nhân phẩm của một con người. Nguyễn Khuyến từng có một bài thơ nổi tiếng về vấn đề danh và thực rất sâu sắc và ý nghĩa “Tiến sĩ giấy”. Ông đã mượn hình ảnh những đồ chơi của trẻ em để nói về những ông có chức có quyền nhưng thực ra ông đang châm biếm mỉa mai đầu óc của những ông đó không có gì, rỗng tuếch như đầu một đứa trẻ.
Danh chính là quyền , địa vị, danh lợi mà một con người có được khiến người khác ngưỡng mộ, khâm phục. Những chức danh và vị thế xã hội mà họ mang trong xã hội giúp họ có một chỗ đứng và sự ưu ái riêng.
Thực chính là sự cố gắng, phấn đấu không ngừng nghỉ đẻ đạt được cái danh vẫn hằng mong muốn. Thực còn hiểu là thực lực vốn có hoặc là do sự nỗ lực hết mình của bản thân để dành lấy thành quả mà bản thân muốn đạt được.
Cái thực lực đó nếu là quá trình không ngừng nghỉ của bản thân, không nhờ cậy ai, không tranh giành, luồn cúi để đạt được thành quả thì cái danh ấy là cái danh đáng trân trọng, khen ngợi. Tuy nhiên mặt trái của danh và thực khiến con người ta mù quáng, quên hết và bất chấp hết. Chính vì mặt tiêu cực ấy đã khiến cho bản thân mỗi con người cũng như xã hội không bao giờ biết tự mình đứng lên, chỉ chìm đắm trong cái “ảo” vô biên, vô tận.
Hiện tường “hữu danh vô thực” trong xã hội đang trở thành vấn nạn cần được giải quyết triệt để thì mới có thể giúp cho cuộc sống này được thanh bạch và sáng trong hơn. Sức hút của danh lợi, của đồng tiền đầy ma lực khiến cho bản thân con người lao vào ngõ cụt, đường cùng của cái xấu. Đồng tiền quan trọng nhưng nếu coi nó quá cần có thể làm mù quáng nhân cách một con người.
Khi xã hội ngày càng phát triển, cái danh lợi phù phiếm trước mắt có thể “mua chuộc” một con người, và nguy hại hơn nữa là cả một đời người. Hệ quả của những kẻ chỉ biết chạy theo cái danh hão và không biết đâu là đúng đâu là sai thì thực sự lầm đường lạc lối là chuyện không thể tránh khỏi.
Con người ta khi có cung thì ắt có cầu và ngược lại; vũng bùn lầy của chữ danh quá lớn, quá sâu khiến con người ta đưa chân vào rồi thì khó mà có thể rút lại được. Bởi rằng không dựa trên chính thực lực của mình để có được chữ danh nhạt nhẽo vô vị đó thì làm sao họ có đủ thực lực và kiên nhẫn để có thể bước ra từ bóng tối đó.
Trong các trường học thì danh và thực diễn biến rất phức tạp, đó chính là hiện tượng “bệnh thành tích” tràn lan trong mọi ngóc ngách của trường học. Học sinh, phụ huynh và cả giáo viên vì một chữ “thành tích” to đùng ấy mà bất chấp hết. Phụ huynh “làm hư” giáo viên, chính giáo viên lại “làm hư” học sinh như một vòng tuần hoàn khép kín. Cuối cùng những học sinh yếu kém bị bệnh thành tích làm cho lu mờ, chỉ cần nghĩ bố mẹ mình có tiền là có thể có bằng này, cấp nọ, lớp này lớp kia. Cuối cùng hại cả một đời học sinh khi xã hội này cần những người có kiên thức, có học vấn sâu rộng chứ không cần những kẻ có bằng cấp nhưng để cho “vui”, cho “có” như vậy. Thực trạng này rất đáng buồn.
Trong các lĩnh vực khác có rất nhiều ông này, bà nọ, mang chức danh tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ nhưng đó chỉ là cái danh mà họ dùng tiền để mua, dùng tiền để đổi lấy một chức danh rồi “ra oai” . Kỳ thực rất đáng buồn và đáng thất vọng cho những điều tiêu cực như thế này.
Những người đủ bản lĩnh để vượt qua chữ danh hư vô, nhạt nhẽo đó mà phấn đấu bằng chính thực lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân mình thì thực sự rất đáng quý và đáng trân trọng. Xã hội cần những con người và nhân cách như vậy. Những người không chịu sống luồn cúi, không chịu khuất phục và không chịu để cho đồng tiền làm mờ mắt. Nhân cách ấy, lối sống ấy có thể giúp hoàn thiện một con người.
Sự thành công, cái danh không dễ dàng để có được. Mỗi con người nên trân trọng những gì mà bản thân mình đã cố gắng để có được. Như thế là họ đang trân trọng chính nhân cách của bản thân cũng như trân trọng cái mà xã hội có thể mang lại cho chính bạn.
Danh và thực, những điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ rất nhiều để có thể trở thành những con người chân chính, không bị cái danh ảo mua chuộc, không bị đồng tiền làm lu mờ mắt. Hãy dùng chính thực lực của bản thân mình để đạt được cái mà mình mong muốn.
1. Mở bài
Giới thiệu bài thơ "Tiến sĩ giấy”, dẫn dắt đến vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người.
2. Thân bài
a. Khái quát nội dung, ý nghĩa của bài thơ
– Bài thơ có ba lớp nghĩa: miêu tả một thứ đồ chơi cho trẻ con, đả kích những ông tiến sĩ hữu danh vô thực và tự chế giễu chính mình. Dù hiểu theo lớp nghĩa nào thì cũng rất tương xứng với từng câu từng chữ trong bài.
b. Danh và thực
– Giải thích: Danh là những thành quả mà con người gặt hái được như tiếng tăm, tiền bạc, địa vị… Thực là thực lực tự có, tự rèn luyện được của mỗi người. Thực rất đắng cay, gian khổ nhưng danh quả thật vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn. Danh chỉ phát huy đúng ý nghĩa và lợi ích của mình khi nó thật sự là hệ quả của thực mà thôi.
-Mặt trái của danh: con người mờ mắt trước danh vọng, địa vị và sẵn sàng đi đường tắt để đạt được điều đó. Hệ quả: xuất hiện những kẻ hữu danh vô thực, những vụ tham nhũng, bê bối làm tổn thất cho Nhà nước hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
– Sự đảo lộn danh và thực ấy đã xoá nhoà tính công bằng trong quy luật cuộc sống. Nó đưa những người có tiền và biết đi đường tắt lên tột cùng của danh vọng, đồng thời đã làm lu mờ ý chí phấn đấu, cầu tiến của những ai có thực lực.
– Sự tráo trở giữa danh và thực ấy còn len lỏi vào học đường với căn bệnh thành tích đáng sợ. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nắm bắt được tình hình đó, chúng ta đang thực hiện một cuộc cải cách triệt để không chỉ trong ngành giáo dục mà ở mọi lĩnh vực và toàn xã hội.
3. Kết bài
– Bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến không chỉ phản ánh bộ mặt xã hội thời bấy giờ mà còn khiến người đọc phải dừng lại suy ngẫm về danh và thực trong cuộc đời và về con đường của chính bản thân mình.
– Hãy tin vào thực lực của mình; bởi nếu có thực lực thì danh tiếng có hay không chỉ còn là chuyện thời gian.