Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới...Lê Lợi sinh ngày 10-9-1385 (6-8 năm Ất Sửu) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư). Ông nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn. Khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất. Ông nói: "Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?". Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Lê Lợi sinh ngày 6 tháng Tám năm Ất Sửu - 10/9/1385, là con trai thứ 3 của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương, người ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ ra là người thông minh, dũng lược, đức độ hơn người, dáng người hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai phải có nốt ruồi đỏ lớn, tiếng nói như chuông, bậc thức giả biết ngay là người phi thường.
Lớn lên, ông làm chức Phụ đạo ở Khả Lam, ông chăm chỉ dùi mài đọc sách và binh pháp, nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn.
Mùa xuân năm Mậu Tuất - 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú v.v... phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.
Suốt 10 năm nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.
Sau hội thề Đông Quan, ngày 29/12/1427, bại binh của giặc bắt đầu được phép rút quân về nước an toàn, đến ngày 3/1/1428, bóng dáng quân Minh cuối cùng đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.
Ngày 15 tháng Tư năm Mậu Thân - 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên xưng là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương" đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố "Bình Ngô đại cáo" - đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ 2 của tổ quốc ta. Bình Ngô đại cáo mở đầu ghi:
"... Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác..."
"Bình Ngô đại cáo" do Nguyễn Trãi thảo là một thiên anh hùng ca tuyệt vời, bất hủ, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lời bàn: "Lê Thái Tổ từ khi lên ngôi đến khi mất, thi hành chính sự, thực rất khả quan, như ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học... cũng có thể gọi là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp..."
Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng Tám năm Quý Sửu - 1433, hưởng thọ 49 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, Thanh Hoá, trị vì được 5 năm.
Lê Lợi trong 5 năm làm vua, bên cạnh những công lao to lớn, có phạm một số sai lầm mà sử sách đương thời cũng thẳng thắn phê phán. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp. Song, đa nghi, hay giết, đó là chỗ kém".