Nâng bát cơm trên tay, người ta khuyên nhau đừng quên sự vất vả, một nắng hai sương của người nông dân:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”
Tấm áo ta mặc, ngôi nhà ta ở, kể cả những vật dụng hàng ngày ta sử dụng đều là sự lao động miệt mài của những người công nhân, nông dân. Sáng sáng, ta đi trên đường phố sạch đẹp cũng là sự vất vả cực nhọc của anh chị lao công:
“Tiếng chổi tre chị quét
Những đêm hè
Khi ve ve đã ngủ…”
(Tiếng chổi tre – Tố Hữu)
Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật, di sản của dân tộc còn để lại cho đời sau hôm nay là do công sức, bàn tay, khối óc của những nghệ nhân lao động, sáng tạo không ngừng. Chúng ta là lớp người đi sau thừa hưởng những thành quả ấy, lẽ nào chúng ta lại lãng quên, vô tâm?
Đất nước ta tươi đẹp như ngày hôm nay là do công lao dựng nước của các vua Hùng. Dù có đi từ Nam ra Bắc, con cháu không quên ngày giỗ Tổ:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Dân tộc ta đã trải qua bao khó khăn, vất vả mới gây dựng nên non sông gấm vóc Việt Nam. Là người thụ hưởng những thành quả đó, chúng ta phải biết ơn, sống ân nghĩa thủy chung.